Chúng tôi về thăm phum sóc trong không khí lao động tươi vui của bà con Khmer, lắng nghe những câu chuyện làm ăn, nhìn thấy đời sống nhiều khởi sắc, càng thêm háo hức mong chờ một mùa xuân mới ấm no và hạnh phúc.
Chúng tôi về thăm phum sóc trong không khí lao động tươi vui của bà con Khmer, lắng nghe những câu chuyện làm ăn, nhìn thấy đời sống nhiều khởi sắc, càng thêm háo hức mong chờ một mùa xuân mới ấm no và hạnh phúc.
|
Bà con Khmer chủ động thay đổi về kỹ thuật chăn nuôi, từ đó phát triển kinh tế gia đình. |
“Phải chủ động học hỏi”
Đó là quan niệm trong lao động, sản xuất của anh Thạch Quân ở ấp Sóc Rừng (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình), một người nông dân Khmer đã áp dụng thành công mô hình nuôi ếch Thái tuần hoàn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Hơn 10 năm qua, xuất phát từ mong muốn cải thiện kinh tế gia đình, anh Quân đã tìm tòi, học hỏi và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng. Đứng bên cạnh vèo ếch hơn 20m2, anh Quân tâm sự: “Dự các lớp tập huấn của Hội Nông dân xã, tôi rút ra nhiều kinh nghiệm và thay đổi phù hợp trong kỹ thuật nuôi ếch”.
Hơn nửa công đất quanh nhà đang
được anh Quân tận dụng để nuôi ếch Thái với khoảng 30 vèo. Trong ao cá, anh Quân áp dụng mô hình nuôi ếch tuần hoàn “hai trong một”, bên trên là vèo nuôi ếch, bên dưới thả nuôi cá rô, vừa tận dụng thức ăn cho cá vừa giúp môi trường nước không bị ô nhiễm.
Mỗi 2 tháng, anh Quân xuất bán gần 1 tấn ếch thương phẩm vào cỡ 3 - 6 con/kg, giá bán 25.000 - 30.000 đ/kg; cá rô cũng cho thêm thu nhập từ 1 - 2 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, hàng tháng anh Quân còn cung cấp 5.000 - 10.000 con ếch giống cho nhiều hộ nuôi ở Trà Vinh, Sóc Trăng… Theo anh Quân, nhờ “học theo người ta” cách nuôi ếch theo hướng xoay vòng nên luôn có ếch thương phẩm để bỏ mối cho các chợ.
Bà Kim Thị Hồng Thu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Loan Mỹ, cho biết: “Đồng bào dân tộc Khmer ở xã Loan Mỹ sống chủ yếu bằng nghề trồng hoa màu và chăn nuôi. Thời gian qua, địa phương đã có những chính sách hỗ trợ về cây con giống cho bà con hộ nghèo và cận nghèo như bò, dê, gà, vịt… và cây giống như bưởi da xanh, cam sành... giúp bà con chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Trong đó, mô hình nuôi ếch Thái tuần hoàn của anh Thạch Quân là mô hình hay, hiệu quả để mọi người cùng học tập”.
|
Anh Thạch Quân dự kiến cung ứng cho thị trường Tết năm nay khoảng 2 tấn ếch thương phẩm |
Cùng nhau phát triển
Còn câu chuyện phụ nữ Khmer “giỏi việc nước, đảm việc nhà” là của chị Thạch Thị Li Na ở ấp Sóc Ruộng (xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn). Là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ của ấp kiêm đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2021 - 2026, chị Li Na rất tâm huyết với công tác dân vận: “Có khi mê tuyên truyền mà… quên ăn cơm luôn. Làm cán bộ tuyên truyền chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước cho người dân tuy cực nhưng là công việc ý nghĩa, để dân hiểu và thực hiện đúng”.
Chị Li Na còn là một tấm gương nông dân sản xuất giỏi. Tháng 9/2022, chị Li Na là một trong 5 hội viên, nông dân tiêu biểu của tỉnh được nhận bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc giai đoạn 2017 - 2022. Chị Li Na nói: “Tôi phải càng cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với niềm tin của mọi người”.
Hiện tại, chị Li Na đang sở hữu 20 công đất trồng lúa, hoa màu và trồng cỏ nuôi bò. Chị còn đầu tư thêm các loại máy nông nghiệp như máy cày, máy xới, máy trục để làm thuê. Chị Li Na cho biết, nhờ kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt, thu nhập 2 năm qua của gia đình đạt gần 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chị Li Na còn tư vấn cho nhiều lao động tại địa phương. “Tôi thường kết hợp chia sẻ kinh nghiệm sản xuất của mình cho bà con trong khi tuyên truyền chính sách, vì mô hình kinh tế của tôi là một ví dụ thực tế” - chị Li Na nói.
|
Chị Thạch Thị Li Na mong chờ một cái Tết ấm no và hạnh phúc. |
Vào cuối năm, dù bận rộn với công tác của địa phương nhưng chị Li Na vẫn dành thời gian chăm lo việc nhà, cùng chồng xuống giống 4 công dưa leo và thả nuôi thêm gia cầm để “kiếm tiền ăn Tết”. Bên cạnh những mong muốn riêng về một mùa xuân đầm ấm cho gia đình, chị Li Na hy vọng trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay thì bà con Khmer có thể yên tâm lao động, sản xuất phát triển kinh tế gia đình và cùng nhau xây dựng phum sóc càng thêm giàu đẹp.
Mùa xuân nữa lại đến, viết thêm những câu chuyện làm ăn mới của bà con Khmer tại phum sóc thêm nhiều niềm vui và tràn đầy hy vọng.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh - ông Thạch Dương cho biết, đồng bào dân tộc Khmer ở Vĩnh Long sống chủ yếu bằng nghề nông, một bộ phận làm thuê hoặc buôn bán nhỏ lẻ. Thời gian qua, các chính sách chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ giúp cho đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc Khmer có nhiều khởi sắc, mà các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, an ninh - quốc phòng cũng phát triển toàn diện.
Một số xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới như xã Loan Mỹ (Tam Bình), Đông Thành và Đông Bình (TX Bình Minh). Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn I (2021 - 2025), gồm một số nội dung quan trọng như đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ vay vốn chuyển đổi ngành nghề... qua đó giúp đồng bào dân tộc Khmer phát triển kinh tế và ổn định đời sống
|
Bài, ảnh: THẢO TIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin