Tận dụng lợi thế từ những công trình giao thông trọng điểm

Cập nhật, 22:07, Thứ Sáu, 27/01/2023 (GMT+7)
Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ hoàn thành trong dịp 30/4/2023.
Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ hoàn thành trong dịp 30/4/2023.
Hiện tỉnh Vĩnh Long đã và đang triển khai nhiều công trình giao thông trọng điểm, khi hoàn thành, các công trình này sẽ đóng góp rất lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh. Đồng thời, từng bước hình thành và phát triển chuỗi logistics nội vùng và kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam.
 
 
Nhiều công trình giao thông trọng điểm 
 
Theo Sở GT-VT, hiện nay có một số công trình trọng điểm do Trung ương đầu tư, quản lý gồm: dự án cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Trong đó, dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tiến độ thực hiện khoảng 62% khối lượng, dự kiến hoàn thành vào dịp 30/4/2023, còn cầu Mỹ Thuận 2 thực hiện khoảng 50% khối lượng công trình, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023. 
 
Ông Đinh Quang Huy - Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết: “Đây là 2 công trình có ý nghĩa rất quan trọng. Người dân và các doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long và ĐBSCL gặp khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa đi về TP Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh phía Bắc sông Tiền do qua tỉnh Vĩnh Long chỉ có độc đạo QL1. Vì vậy, khi 2 dự án này hoàn thành sẽ giúp cho việc đi lại, hàng hóa lưu thông thuận lợi, các doanh nghiệp phát triển sản xuất tốt hơn”. 
 
Riêng đối với Vĩnh Long, theo ông Huy, khi tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 hình thành, hứa hẹn sẽ phát triển nhanh về mặt kinh tế - xã hội. Đặc biệt là thu hút đầu tư các vùng đã quy hoạch phát triển sản xuất kinh doanh, các khu, cụm công nghiệp. 
 
Ngoài ra, còn nhiều công trình giao thông trọng điểm do tỉnh đầu tư và quản lý như: dự án đường nối từ đường Phạm Hùng đến đường Võ Văn Kiệt, dự án đường Võ Văn Kiệt (TP Vĩnh Long) phấn đấu hoàn thành cuối năm 2022; ĐT902 đoạn qua các xã Chánh An, Quới An, đường từ QL54 đến Khu công nghiệp Bình Minh, dự án đường từ QL53 - Khu công nghiệp Hòa Phú (ĐT909B) - Phú Lộc Bầu Gốc - QL1,...
 
Đây là những công trình giao thông có tầm quan trọng rất lớn trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. 
 
Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Lữ Quang Ngời, tỉnh ngày càng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư do tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm của vùng ĐBSCL, trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước.
 
Từ Vĩnh Long, có thể kết nối nhanh chóng, thuận tiện với các tỉnh trong vùng qua hệ thống giao thông thủy lẫn bộ. Ngoài cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã đưa vào hoạt động (rút ngắn thời gian từ Vĩnh Long đến TP Hồ Chí Minh chỉ còn khoảng 1,5 giờ) thì cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (đi ngang qua tỉnh Vĩnh Long) đang khẩn trương thi công.
 Cầu Mỹ Thuận 2 đang khẩn trương thi công.
Cầu Mỹ Thuận 2 đang khẩn trương thi công.
 
Ngoài ra, Bộ GT-VT cũng đang chỉ đạo lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ và sẽ phối hợp với các địa phương để kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhằm tăng cường kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL, trong đó có tỉnh Vĩnh Long.
 
Dần hình thành chuỗi logistics khu vực
 
Vĩnh Long có hệ thống giao thông khá thuận lợi cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không (QL1, 53, 54, 57, 80) và đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Có 2 cảng lớn là Khu bến Vĩnh Thái nằm ở sông Cổ Chiên, trọng tải tàu 3.000 tấn và Khu bến Bình Minh nằm bên phải luồng Định An - Cần Thơ trên sông Hậu, trọng tải tàu 10.000 tấn.
 
Tuy nhiên, hệ thống logistics của tỉnh hiện nay còn yếu, hệ thống cảng quy mô nhỏ lẻ, năng lực thấp, chưa phát huy được lợi thế giao thông thủy nội địa. Mặt khác, thiếu sự đồng bộ kết nối giữa các phương thức vận tải nội vùng, giữa vùng với thị trường xuất khẩu, thiếu trung tâm logistics, chuỗi cung ứng lạnh đã làm gián đoạn chuỗi giá trị nông sản của tỉnh trong thời gian vừa qua…
 
Theo ông Đinh Quang Huy, để phát triển chuỗi logistics vùng ĐBSCL, tỉnh Vĩnh Long đề xuất một số định hướng, giải pháp sau căn cơ, cụ thể. Trước mắt là giải quyết các điểm thắt nút cổ chai như cầu yếu, đường hẹp, điểm thường xuyên ùn tắc. Về lâu dài, cần có một quy hoạch tổng thể và đồng bộ trong việc phát triển chuỗi logistics nội vùng và kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm khác.
 
Chủ tịch UBND tỉnh - Lữ Quang Ngời cho biết, tiềm năng và khả năng thu hút đầu tư giao thông, nhất là hệ thống logistics của tỉnh trong thời gian tới là tương đối lớn.
 
Để dần hình thành, phát triển chuỗi logistics nội vùng và kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, tỉnh cần tập trung quy hoạch phát triển luồng vận tải đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa nội tỉnh. Đồng thời phát triển luồng hàng hóa liên tỉnh thông qua các tuyến quốc lộ, cao tốc, đường thủy nội địa, tương lai là các tuyến đường sắt nhằm kết nối các tỉnh thành trong khu vực và cả nước. 
Hệ thống cảng Vĩnh Long góp phần hình thành một hệ thống logistics nội vùng và liên vùng trong thời gian tới. Ảnh TL
Hệ thống cảng Vĩnh Long góp phần hình thành một hệ thống logistics nội vùng và liên vùng trong thời gian tới. Ảnh TL
“Tỉnh cũng định hướng phát triển vận tải đa phương thức nhằm khai thác tối đa hiệu quả kinh tế đảm bảo tiêu chí giao hàng nhanh nhất, giá thành cạnh tranh nhất cho hàng hóa của vùng ĐBSCL, quan tâm phát triển nguồn nhân lực trong ngành vận tải.
 
Cần nghiên cứu, áp dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ như dịch vụ giao nhận hàng hóa JIT (đúng giờ), quản lý lưu kho, khai thác liên bến, các dịch vụ giá trị gia tăng khác, đảm bảo kết cấu hạ tầng thông tin liên lạc an toàn, bảo mật, kịp thời, thông suốt trong công tác điều hành quản lý hệ thống logistics”- Chủ tịch UBND tỉnh - Lữ Quang Ngời nhấn mạnh.
 
>>> Theo PGS. TS Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp (Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công thương - Bộ Công Thương): Vĩnh Long cần đầu tư nâng cấp diện mạo khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng liên quan, nhất là tận dụng các tuyến đường chiến lược do Trung ương đầu tư như cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, từ đây mở ra nhiều hướng mới để khai thác triệt để những tiềm năng, lợi thế riêng. 
 
>>> Tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre cũng đã thống nhất phương án đầu tư xây dựng cầu Đình Khao. Theo đó, dự án bắt đầu tại QL53, tuyến cắt qua ĐT902 và vượt sông Cổ Chiên (tại vị trí cách phà Đình Khao khoảng 6,6km) đi qua cồn Phú Đa, cồn Phú Bình, sau đó vượt lạch sông Cổ Chiên và kết thúc tại vị trí giao với QL57 hiện hữu, tổng chiều dài tuyến khoảng 11,31km, tổng vốn đầu tư 3.204 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án 2022 - 2026.
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
 
 
 
Các tin khác: