Mua sắm Tết ở chợ văn minh

02:01, 27/01/2023

Trong những năm qua, công tác quản lý, khai thác và phát triển chợ Vĩnh Long đã được các ngành chức năng quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa các hạng mục công trình tại chợ; công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã có tác dụng tích cực, nhận thức của người kinh doanh có chuyển biến... Xuân này, cùng mua sắm ở chợ truyền thống nhưng văn minh hiện đại.

(VLO) Trong những năm qua, công tác quản lý, khai thác và phát triển chợ Vĩnh Long đã được các ngành chức năng quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa các hạng mục công trình tại chợ; công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã có tác dụng tích cực, nhận thức của người kinh doanh có chuyển biến... Xuân này, cùng mua sắm ở chợ truyền thống nhưng văn minh hiện đại.

Xây dựng chợ văn minh

Chợ Vĩnh Long là trung tâm giao lưu kinh tế lớn của tỉnh Vĩnh Long, hàng ngày có khoảng 10.000 lượt khách tham gia mua bán tại chợ.

Chợ Vĩnh Long đã góp phần rất lớn trong việc phát triển thương mại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết lao động, đặc biệt là nơi tiêu thụ hàng nông sản của tỉnh Vĩnh Long.

Ngoài phục vụ nhu cầu mua sắm, phân phối hàng sỉ, chợ còn là địa điểm tham quan lý tưởng cho du khách gần xa, qua đó quảng bá hình ảnh của địa phương.

Vì vậy, bên cạnh việc thường xuyên đảm bảo chất lượng hàng hóa và giá cả, các tiểu thương tại chợ Vĩnh Long ngày càng quan tâm đến việc sắp xếp hàng hóa ngăn nắp, tạo sự thông thoáng trong việc mua bán.

Tiểu thương đồng lòng xây dựng hình ảnh chợ Vĩnh Long thân thiện.
Tiểu thương đồng lòng xây dựng hình ảnh chợ Vĩnh Long thân thiện.

Hiện nay, khu vực bán thực phẩm tươi sống, đồ ăn uống, đồ gia dụng, trang phục… tại chợ Vĩnh Long được bố trí tách biệt thành từng khu tạo nên một không gian mua bán tập trung, mang tính chuyên môn hóa và thuận lợi mua bán

. Tiếp đón khách hàng bằng một nụ cười đon đả, cô Nguyễn Thị Ngọc Mai - chủ ki-ốt bán hàng bánh kẹo cho hay: “Việc sắp xếp lại vị trí buôn bán giúp cho đường vào chợ thông thoáng hơn, việc buôn bán càng thêm thuận lợi”.

Bên cạnh việc duy trì vệ sinh chung của cả chợ, mỗi hộ kinh doanh đều tự giác quét dọn, thu gom rác thải hàng ngày.

Chị Nguyễn Thị Tố Cầm (phường 5, TP Vĩnh Long) bán rau hơn 20 năm tại chợ cho biết: “Chợ rau được dời về khu vực mới khang trang, có trang bị mái che, hệ thống chiếu sáng, khu vực cung cấp nước sạch để sơ chế rau cải…

Thêm nữa, một số tuyến đường được dọn dẹp thông thoáng và trải nhựa góp phần cho chợ ngày càng văn minh, sạch đẹp”.

 Chị Phạm Thanh Hồng - chủ tiệm thời trang trẻ em Thanh Hồng tại lầu 2 nhà lồng chợ Vĩnh Long cho biết: “Vào dịp Tết hay cuối tuần thì sức mua tăng mạnh, giá bán quần áo đều được niêm yết và có ghi rõ trên từng sản phẩm.

Bởi đây là mặc hàng đặc thù dễ bắt lửa nên tiểu thương luôn tuân thủ những quy định về phòng cháy chữa cháy, sắp xếp hàng hóa ngăn nắp để lối đi chung luôn được thông thoáng”.

Ban quản lý chợ Vĩnh Long cũng đã có đề án xây dựng chợ Vĩnh Long văn minh thương mại, an toàn thực phẩm giai đoạn 2022 - 2025.

Theo đó, đề án nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực an toàn thực phẩm của các hộ kinh doanh tại chợ Vĩnh Long tổ chức cung ứng nguồn thực phẩm bảo đảm an toàn, góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Đồng thời sẽ xây dựng chợ Vĩnh Long kinh doanh các ngành hàng thực phẩm đạt tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm theo các quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu văn minh thương mại, thuận tiện cho quá trình mua, bán góp phần tăng cường hiệu quả kinh tế, xã hội của chợ.

“Đề án sẽ tăng cường sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ, nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ, nhân viên trong việc quản lý, hướng dẫn, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm trong phạm vi chợ, ứng dụng công nghệ quản lý, công nghệ số trong quản lý, khai thác hiệu quả hơn.

Đồng thời góp phần xây dựng chợ Vĩnh Long theo hướng văn minh và an toàn thực phẩm, tăng dần thu nhập cho các hộ tiểu thương. Tập trung thực hiện các ngành hàng thực phẩm nhằm thúc đẩy, nâng cao khả năng cạnh tranh cho các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ Vĩnh Long” - ông Phạm Thanh Tùng - Trưởng Ban quản lý chợ Vĩnh Long chia sẻ.

Thanh toán thông minh, hiện đại

Hoạt động mua bán và thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được ưa chuộng ở chợ Vĩnh Long (ảnh: Người tiêu dùng đang quét mã QR để thanh toán).
Hoạt động mua bán và thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được ưa chuộng ở chợ Vĩnh Long (ảnh: Người tiêu dùng đang quét mã QR để thanh toán).

Thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số ở các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh về cơ bản đã được tuyên truyền để tiểu thương và người tiêu dùng nắm rõ. Đơn cử như tại chợ Vĩnh Long, Sở Công Thương và Viettel Vĩnh Long cũng đã phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai mô hình thanh toán không dùng tiền mặt.

Là chợ hạng 1 của tỉnh, hiện nay, có khoảng gần 200 tiểu thương tại chợ đã đăng ký trở thành điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Nhiều cửa hàng đã có bảng hướng dẫn quét mã QR để thanh toán. Hình thức này đang nhận được nhiều phản hồi tích cựa từ cả người mua lẫn người bán.

Chị Cao Thị Mỹ Huệ - tiểu thương buôn bán trái cây tại chợ cho hay, thanh toán như vầy sẽ rút ngắn thời gian mua sắm, nếu khách quên đem tiền mặt cũng có thể dùng điện thoại để thanh toán, đơn giản mà tiện lợi.

Theo ông Trần Nhựt Thanh - Phó Giám đốc Sở Công Thương, trong giai đoạn hiện nay, xu hướng tất yếu đòi hỏi các chợ truyền thống không ngừng đổi mới để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ, từng bước ứng dụng và thích ứng với các hoạt động chuyển đổi số để góp phần xây dựng chợ ngày càng văn minh, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng.

“Ngành công thương đã triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Qua đó thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng trước mắt là ở chợ Vĩnh Long và các chợ truyền thống khác trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để tiểu thương và người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại”- ông Thanh cho biết.

Hiện tại, Sở Công Thương cũng đã ra mắt mô hình “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt” được triển khai tại khu vực nhà lồng chợ C và dãy trái cây đường 3/2 ở chợ Vĩnh Long.

Theo ông Trần Nhụt Thanh - Phó Giám đốc Sở Công thương, mô hình “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt” tại chợ Vĩnh Long là mô hình đầu tiên được triển khai xây dựng tại chợ truyền thống. Do đó, thông qua mô hình này, ngành công thương kỳ vọng thời gian tới, các tiểu thương, cơ sở, doanh nghiệp cung cấp hàng hoá, dịch vụ cần tăng cường thực hiện chuyển đổi số, thực hiện kết nối với các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử trong giao dịch cung ứng hàng hoá, dịch vụ.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY - THẢO TIÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh