Kỳ cuối: Biến tiềm năng thành động lực phát triển

09:01, 09/01/2023

Trong năm 2022, bên cạnh sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp (DN), tỉnh Vĩnh Long cũng kịp thời thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phục hồi kinh tế, các khu vực kinh tế đều có tốc độ tăng cao hơn cùng kỳ năm 2021.

Trong năm 2022, bên cạnh sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp (DN), tỉnh Vĩnh Long cũng kịp thời thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phục hồi kinh tế, các khu vực kinh tế đều có tốc độ tăng cao hơn cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, kinh tế của tỉnh vẫn còn hạn chế là chưa phát triển ngang với tiềm năng, chưa có nhiều đột phá. Vĩnh Long cần phải làm gì để nắm bắt cơ hội và phát huy các tiềm năng thành động lực phát triển?

Doanh nghiệp cần nghiên cứu để phát huy thế mạnh.
Doanh nghiệp cần nghiên cứu để phát huy thế mạnh.

Tăng trưởng cao ở các khu vực kinh tế

Theo đánh giá của UBND tỉnh, năm 2022, Vĩnh Long có 20/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phục hồi kinh tế được tập trung thực hiện kịp thời, các khu vực kinh tế đều có tốc độ tăng cao hơn cùng kỳ năm 2021.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I) là 36,72%; ngành công nghiệp và xây dựng (khu vực II) là 17,51%; các ngành dịch vụ (khu vực III) là 40,51% và thuế trừ trợ cấp sản phẩm là 5,26%. So năm 2021, tỷ trọng khu vực I giảm 3,16 điểm %; khu vực II tăng 2,26 điểm %; khu vực III tăng 1,16 điểm %.

Đáng chú ý, các nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế, các DN chủ động và đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều dự án đầu tư mới, mở rộng, đặc biệt là các dự án công nghiệp chế biến chế tạo… Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng sau thời gian bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 tăng 29,21%.

Các cấp, các ngành đã có những chỉ đạo quyết liệt và liên tục đối với công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và được cộng đồng DN tiếp tục ghi nhận và đánh giá cao.

Các chính sách hỗ trợ về thuế, bảo hiểm, khoản vay đối với DN theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ được thực hiện kịp thời. Cụ thể, ngành thuế đã triển khai thực hiện việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho người nộp thuế trên 456 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP trên 384 tỷ đồng.

Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 1.115 khách hàng với dư nợ 681 tỷ đồng; miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 7.615 khách hàng với số lãi được miễn giảm là 16,55 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với thời điểm trước khi dịch bệnh COVID-19 cho 4.511 khách hàng với doanh số cho vay đạt 24.217 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ với 4 khách hàng với dư nợ 27,6 tỷ đồng, số tiền lãi suất được hỗ trợ là 83 triệu đồng.

Ông Cao Minh Quốc - Giám đốc Công ty TNHH Quốc Thảo cho rằng: “Thời gian qua, lãnh đạo địa phương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN, trong đó, địa phương tạo điều kiện cho DN phát triển vùng nông nghiệp địa phương và hỗ trợ quỹ đất giúp DN thuận lợi mở rộng sản xuất”.

Còn ông Nguyễn Tấn Thụ - Giám đốc Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Putin cũng nhận xét: “Chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động DN. Sự kết nối, hỗ trợ từ cộng đồng DN, giúp DN có thêm khát vọng lớn hơn”.

Số liệu của UBND tỉnh cũng cho thấy, trong năm 2022 hoạt động của DN ổn định, đăng ký thành lập mới DN tiếp tục duy trì tốc độ phát triển. Đến cuối năm 2022, số DN đăng ký thành lập mới là 440 DN, tăng 106 DN; đạt 3.900 DN đang hoạt động.

Bên cạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy DN phục hồi, mở rộng quy mô, nâng cao sản lượng sản xuất kinh doanh.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh để khuyến khích đầu tư vào tỉnh; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trong và ngoài nước để tận dụng tốt các cơ hội phát triển.

Phải biến tiềm năng thành động lực

Nhiều DN cho rằng, Vĩnh Long cần đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cũng như hỗ trợ về nguồn vốn giúp DN khôi phục sản xuất. Theo ông Vũ Văn Năng - Giám đốc Công ty Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nhật Quỳnh, bên cạnh sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, chính DN cũng cần linh hoạt, chủ động tìm cách khôi phục sản xuất.

DN cần phân tích lại thế mạnh, điểm yếu của sản phẩm, cơ hội và thách thức đối với sản phẩm của mình, từ đó xác lập lại khách hàng mục tiêu, kênh phân phối hiệu quả hơn, tìm giải pháp duy trì và đa dạng kênh bán hàng trong bối cảnh thị trường thu hẹp và sức mua thấp.

Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV cho rằng: Thời gian tới, giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu còn nhiều bất ổn làm nhu cầu lương thực tăng cao. Do đó, đây là cơ hội để các DN xuất khẩu nắm bắt, tiếp cận và mở rộng các thị trường mới. Các DN cần nghiên cứu để phát huy thế mạnh nhóm sản phẩm theo từng phân khúc khác nhau để tiếp cận các thị trường đa dạng.

Trong năm 2023, tỉnh Vĩnh Long quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các nghị quyết; các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025; triển khai hiệu quả chương trình phòng, chống dịch COVID-19, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; bảo đảm an sinh, ổn định xã hội.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long vào tháng 11/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các chỉ tiêu mà Vĩnh Long đạt được năm 2022, kinh tế phục hồi tốt. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp được chú trọng; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sinh thái, giá trị gia tăng cao và hiệu quả. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, hạn chế lớn đối với Vĩnh Long là chưa phát triển ngang với tiềm năng của tỉnh.

Thủ tướng cho rằng, Vĩnh Long cần bản lĩnh hơn, kiên trì, kiên định, quyết tâm hơn nữa. Phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc để vượt qua khó khăn, huy động mọi nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững.

Tỉnh cần quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 13-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL; Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Cần vận dụng sáng tạo, linh hoạt, có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế với tinh thần mạnh mẽ, tự tin, bản lĩnh, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa, tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Tận dụng, phát huy tối đa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh để phát triển nhanh, bền vững. Chú trọng phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời khẳng định: Tỉnh sẽ luôn đồng hành sát cùng DN, nhà đầu tư, cam kết sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp của DN, nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các DN, nhà đầu tư phát triển ổn định, bền vững, với phương châm “Thành công của các DN tại tỉnh Vĩnh Long chính là sự thành công của chính quyền tỉnh trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của tỉnh Vĩnh Long”.

 

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC - THẢO LY

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh