Đầu năm mới, Google, Facebook… đã nộp thuế 1.800 tỉ đồng

Cập nhật, 20:46, Chủ Nhật, 29/01/2023 (GMT+7)

Ngay từ ngày làm việc đầu tiên năm mới Quý Mão, các nhà cung cấp nước ngoài như Google, Facebook... đã kê khai, nộp thuế trực tiếp cho cơ quan thuế Việt Nam với 1.800 tỉ đồng qua cổng thông tin điện tử.

Ngay ngày làm việc đầu tiên của năm mới, các nhà cung cấp nước ngoài gồm Google, Facebook, Apple... đã kê khai và nộp thuế 1.800 tỉ đồng cho Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngay ngày làm việc đầu tiên của năm mới, các nhà cung cấp nước ngoài gồm Google, Facebook, Apple... đã kê khai và nộp thuế 1.800 tỉ đồng cho Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thông tin mới nhất từ Tổng cục Thuế, hôm 27/1, các nhà cung cấp nước ngoài gồm Google, Facebook, Apple... đã kê khai và nộp 1.800 tỉ đồng tiền thuế cho Việt Nam qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. 

Cụ thể, Meta (Facebook) nộp 34,5 triệu euro; Google nộp 28,8 triệu USD; Apple nộp 174 tỉ đồng...

Sau hơn 8 tháng triển khai, hiện đã có 45 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai và nộp thuế trực tiếp qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam.

Tổng cục Thuế đánh giá số thuế nói trên thể hiện sự nghiêm túc chấp hành pháp luật thuế của các nhà cung cấp nước ngoài đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số trên lãnh thổ Việt Nam.

Còn tính đến cuối năm 2022, tổng số thuế thu được qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài là 3.444 tỉ đồng.

Đáng chú ý, sáu nhà cung cấp gồm Google, Facebook, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple - những đơn vị nắm giữ phần lớn thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam - đã đăng ký, khai và nộp thuế tại Việt Nam.

Đây cũng là những nhà cung cấp có số thuế nộp lớn nhất như Facebook là 1.748 tỉ đồng, Google là 979 tỉ đồng…

Tuy nhiên, bên cạnh những con số nêu trên thì việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số vẫn còn nhiều thách thức đối với ngành thuế.

Cụ thể, theo Cục Thuế thành phố Đà Nẵng, hiện nay các loại hình mua bán các app (phần mềm tiện ích) trên các chợ ứng dụng App Store, Google Play… kinh doanh phần mềm là tài sản vô hình trên các nền tảng công nghệ như game, các ứng dụng cho thiết bị điện thoại, các ứng dụng dịch vụ cho tổ chức, cá nhân sử dụng mục đích quản lý, kinh doanh và tiêu dùng cá nhân trên các nền tảng công nghệ số có phát sinh thu nhập từ YouTube, Google, Facebook…

Tuy nhiên, cơ quan thuế rất khó quản lý thuế do không quản lý được các nền tảng công nghệ như Google, Facebook...

Để xác định được tất cả các nguồn thu nhập phát sinh từ nước ngoài chuyển về của các tổ chức, cá nhân trong nước, Cục Thuế TP.HCM cho rằng cần thông qua các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Do đó, cơ quan thuế rất cần sự hỗ trợ của các ngân hàng thương mại.

"Tổng cục Thuế nên có văn bản gửi tất cả các ngân hàng thương mại trên cả nước về việc cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế hoặc số chứng minh nhân dân của các tổ chức, cá nhân nhận thu nhập phát sinh từ các tổ chức nước ngoài (Google, Facebook, Apple...) từ đó chuyển cho các cục thuế địa phương để khai thác xử lý" - Cục Thuế TP.HCM đề nghị.

Theo Lê THANH/TTO