Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ở các chợ

06:12, 15/12/2022

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số (CĐS) ở một số chợ truyền thống của tỉnh đã và đang có nhiều bước phát triển nhất định. Việc ứng dụng và thích ứng với các hoạt động CĐS ở chợ góp phần xây dựng nét văn minh, hiện đại cho các hoạt động ở chợ.

Các hoạt động chuyển đổi số ở các chợ được tuyên truyền rộng rãi, phục vụ cho việc mua bán được thuận lợi.
Các hoạt động chuyển đổi số ở các chợ được tuyên truyền rộng rãi, phục vụ cho việc mua bán được thuận lợi.

(VLO) Thời gian qua, công tác chuyển đổi số (CĐS) ở một số chợ truyền thống của tỉnh đã và đang có nhiều bước phát triển nhất định. Việc ứng dụng và thích ứng với các hoạt động CĐS ở chợ góp phần xây dựng nét văn minh, hiện đại cho các hoạt động ở chợ.

Từng bước xây dựng các hoạt động CĐS

Tại chợ Vĩnh Long, Sở Công Thương và Viettel Vĩnh Long đã phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai mô hình thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là một hoạt động tạo tiền đề nhằm đẩy mạnh việc CĐS ở chợ Vĩnh Long cũng như các chợ khác của tỉnh trong thời gian tới.

Theo Sở Công Thương, hoạt động mua bán tại các chợ thời gian qua đã đóng góp chung vào tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh.

Trong đó, chợ Vĩnh Long giữ một vai trò rất quan trọng, là chợ hạng 1 của tỉnh, đồng thời cũng là trung tâm giao lưu kinh tế lớn giữa Vĩnh Long và các tỉnh, thành phố khác trong khu vực ĐBSCL.

Theo ông Trần Nhựt Thanh - Phó Giám đốc Sở Công Thương, trong giai đoạn hiện nay, xu hướng tất yếu đòi hỏi các chợ truyền thống không ngừng đổi mới để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ, từng bước ứng dụng và thích ứng với các hoạt động CĐS để góp phần xây dựng chợ ngày càng văn minh, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng.

“Ngành công thương đã triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 tại Vĩnh Long. Qua đó, thúc đẩy hoạt động CĐS và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng.

Trước mắt là ở chợ Vĩnh Long và các chợ truyền thống khác, tạo điều kiện để tiểu thương và người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, kích thích hoạt động mua sắm trong thời gian tới”, ông Thanh cho biết.

Hiện tại, Sở Công Thương đã ra mắt mô hình “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt” được triển khai tại khu vực nhà lồng chợ C và dãy trái cây đường 3 Tháng 2 ở chợ Vĩnh Long. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 200 tiểu thương tại chợ Vĩnh Long đã đăng ký trở thành điểm chấp nhận thanh toán của Viettel Money.

Thuận lợi mua bán

Trải nghiệm việc kinh doanh khi Sở Công Thương ra mắt mô hình chợ 4.0, nhiều tiểu thương đã sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt rất vui mừng vì có thể chủ động lựa chọn phương thức thanh toán hiện đại, an toàn hơn.

Cô Huệ - chủ sạp trái cây Huệ trên đường 3 Tháng 2 (Phường 1, TP Vĩnh Long) cho biết, việc khách hàng sử dụng tiền mặt đến chợ gặp nhiều rủi ro như làm mất tiền, tiền rách, tiền giả,…

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghiệp 4.0.
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghiệp 4.0.

Đây là nỗi lo của cả người tiêu dùng lẫn tiểu thương. Tham gia mô hình chợ 4.0, thật sự có rất nhiều tiện ích không chỉ trong việc giao dịch mua bán, mà còn các dịch vụ khác như đóng tiền mặt bằng, thuế, điện, nước…

“Sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt rõ ràng sẽ có lợi cho cả người bán lẫn người mua, thao tác dễ dàng, nhanh chóng, bảo mật, không lo đổi tiền lẻ mỗi ngày… Quan trọng nhất là góp phần xây dựng chợ văn minh, hiện đại, phát triển chợ truyền thống ổn định, lâu dài”, cô Huệ nói.

Chị Nguyễn Thị Trúc Ly (Phường 1, TP Vĩnh Long) chia sẻ, chị vừa cài đặt phần mềm để thanh toán sử dụng hàng ngày. Theo chị, ứng dụng công nghệ vào việc thanh toán là một xu hướng tất yếu.

“Thời đại số, người dân sẽ ít mang tiền trong người mà chỉ cần một chiếc điện thoại là đủ để thực hiện nhiều giao dịch có sử dụng tiền hàng ngày.

Thực tế, nếu có nhiều giải pháp thanh toán trong giao dịch sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho người bán, người mua, nhất là các hoạt động giao dịch có sử dụng số tiền lớn”, chị Ly cho biết.

Hoạt động thanh toán chỉ bằng một cách quét mã QR hay chuyển tiền qua số điện thoại hiện nay không còn xa lạ. Tuy nhiên, đối với các chợ, đây vẫn là kênh thanh toán còn tương đối mới mẻ, xa lạ và thật sự chưa được nhiều người biết đến, nhất là ở các vùng nông thôn.

Theo ông Thanh, mô hình “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt” tại chợ Vĩnh Long là mô hình đầu tiên được triển khai xây dựng.

Thông qua mô hình này, ngành công thương kỳ vọng các tiểu thương, cơ sở, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cần tăng cường thực hiện CĐS, thực hiện kết nối với các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử trong giao dịch cung ứng hàng hóa, dịch vụ.

“Thời gian tới, ngành công thương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của viên chức, nhân viên ban quản lý chợ, tiểu thương trong việc tiếp cận với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, các hoạt động CĐS. Vì đây là xu hướng chung với nhiều lợi ích”, ông Thanh cho biết.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh