Thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc

05:12, 10/12/2022

Ngày 10/12, Tổ điều hành diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Bộ Nông nghiệp - PTNT) tổ chức diễn đàn trực tuyến "Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc" .

 

Người dân, nhà sản xuất cần minh bạch hóa quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Người dân, nhà sản xuất cần minh bạch hóa quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ngày 10/12, Tổ điều hành diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Bộ Nông nghiệp - PTNT) tổ chức diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc” .

Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hiện nay, Việt Nam có 7 loại trái cây xuất khẩu truyền thống bao gồm xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và 5 loại xuất khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư là măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Hiện nay, Trung Quốc đưa ra 5 yêu cầu về vùng trồng xuất khẩu. Đó là phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP); Bộ Nông nghiệp - PTNT sẽ giám sát đối tượng kiểm dịch thực vật mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc quan tâm; phải không có các đối tượng kiểm dịch thực vật mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc quan tâm; phải được theo dõi và giám sát sinh vật gây hại bởi cán bộ kỹ thuật; phải lưu trữ hồ sơ giam sát và phòng trừ sinh vật gây hại.

Tại diễn đàn các đại biểu đã thảo luận các vấn đề về ứng dụng số hóa để quản lý mã số cơ sở chăn nuôi yến; minh bạch hóa quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP;

kiểm soát chặt mã số vùng trồng; sớm khuyến cáo về tiêu chuẩn phía Trung Quốc để thuận lợi cho việc xuất khẩu,…

Ông Lê Thanh Hòa - Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng: Các địa phương cần tăng cường phối hợp một cách chặt chẽ với Cục Bảo vệ thực vật để có thể minh bạch hóa từng thông tin cụ thể về mùa vụ. Từng vùng, từng địa phương từ Đắk Lắk, Đắk Nông đến Tiền Giang, Bến Tre cần minh bạch hóa thông tin về thời gian, sản lượng từng vụ để cung cấp thông tin. Từ đó Cục Bảo vệ thực vật cũng như Tổng cục Hải quan Trung Quốc có thể giám sát, thực hiện xuất khẩu nông sản theo đúng quy trình, mã số. Nếu không thực hiện nghiêm chỉnh, hoàn toàn có thể xảy ra khả năng phía Trung Quốc “tuýt còi”, qua đó ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.

Tin, ảnh: THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh