Hàng Việt "được lòng" người Việt

Cập nhật, 09:57, Thứ Năm, 29/12/2022 (GMT+7)
Hàng hóa sản xuất trong nước ngày càng được quan tâm về chất lượng, mẫu mã “bắt mắt” hơn.
Hàng hóa sản xuất trong nước ngày càng được quan tâm về chất lượng, mẫu mã “bắt mắt” hơn.

Thời gian qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có nhiều hoạt động hiệu quả. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước, kích cầu tiêu dùng và tăng thị phần tiêu thụ.

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Theo UBND tỉnh, thời gian qua, các địa phương, đơn vị đã tích cực quan tâm và hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong việc tuyên truyền, triển khai và vận động đến nhân viên, người lao động.

Các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn được các doanh nghiệp (DN) tích cực hưởng ứng tham gia, góp phần kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện để người tiêu dùng (NTD) có cơ hội tiếp xúc và nâng cao ý thức sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao.

Các DN trong tỉnh đã quan tâm hơn đến công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, chọn hàng hóa, sản phẩm đặc trưng, thế mạnh để quảng bá, xây dựng và phát triển thương hiệu, góp phần cung cấp cho NTD các sản phẩm, hàng hóa chất lượng.

Trong đó, đáng chú ý, ngành công thương đã phối hợp với các ban, ngành chức năng, các DN trong và ngoài tỉnh tổ chức hội chợ, phiên chợ để đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ DN tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh.

Qua đó, tạo điều kiện để các DN gặp gỡ giao thương, nâng cao quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường tiêu thụ trong nước, tạo lòng tin cho NTD đối với hàng Việt.

Ngoài ra, nhiều chương trình xúc tiến thương mại, các chương trình, hội thảo về sản phẩm OCOP, các cuộc thi,… cũng được tổ chức, góp phần cung cấp các giải pháp xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; hỗ trợ các DN và nông dân hoạt động hiệu quả, cũng như các thương hiệu nông sản tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo ông Hồ Trung Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Vĩnh Long (Sở Công Thương), trong khuôn khổ các hội chợ trong nước, DN Vĩnh Long còn được hỗ trợ tham gia các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa với DN các tỉnh bạn.

Qua các cuộc hội nghị kết nối cung cầu, các DN, cơ sở trong tỉnh đã có những cuộc tiếp xúc trực tiếp với các đối tác là nhà phân phối, hệ thống siêu thị để giới thiệu sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin về đơn vị và ký kết được hợp đồng cung ứng, tiêu thụ hàng hóa.

Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như có những giải pháp nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ.

Nâng chất lượng hàng hóa, thị phần

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì còn có những khó khăn từ năng lực cạnh tranh của DN trong tỉnh còn hạn chế, nhất là bao bì mẫu mã sản phẩm, truy xuất nguồn gốc,... nên chưa đáp ứng yêu cầu của nhà phân phối trong các đợt tham gia kết nối.

Theo ông Văn Quốc Hoàng - Giám đốc Co.opmart Vĩnh Long, nếu như trước kia, mẫu mã, bao bì của sản phẩm trong nước chưa “bắt mắt” thì nay, các DN đã chú trọng hơn trong khâu này, từng bước thay đổi và nâng cao hiệu quả.

Đặc biệt là chất lượng hàng hóa không ngừng được nâng lên, từ đó gây ấn tượng tốt đối với NTD trong nước.

“Hiện nay, NTD cũng lựa chọn rất kỹ sản phẩm tiêu dùng hàng ngày. Nếu muốn hàng Việt Nam được ưu tiên thì DN phải liên tục thay đổi mẫu mã, chất lượng cũng như đáp ứng các nhu cầu của khách hàng.

Hưởng ứng cuộc vận động, dịp Tết Nguyên đán 2023, đơn vị cũng sẽ tổ chức 3 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tại xã Hiếu Thành (huyện Vũng Liêm), TT Tam Bình và chợ Tết Công đoàn (KCN Hòa Phú)”, ông Hoàng chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Tường Nam - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long, hiện nay, hàng hóa trong nước từ các mặt hàng nông sản, sản phẩm chế biến,… rất đa dạng, phong phú. Do đó, có thể nói là đáp ứng đủ cho nhu cầu trong nước.

Tuy nhiên, muốn hàng hóa sản xuất trong nước được ưu tiên sử dụng thì cần nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã hàng hóa. Tuy nhiên, một điều rất quan trọng chính là khâu quảng bá, vận dụng và đa dạng hóa các kênh phân phối.

Đặc biệt là khâu chăm sóc khách hàng, công tác kiểm tra, giám sát tình trạng gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng cần được phối hợp thực hiện hiệu quả, từ đó xây dựng lòng tin cho NTD đối với các sản phẩm sản xuất trong nước…

Theo đánh giá của UBND tỉnh, nhìn chung, những thuận lợi của cuộc vận động từ chương trình xúc tiến thương mại được linh hoạt thay đổi trong quá trình triển khai thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của DN cũng như yêu cầu của thị trường tại từng thời điểm. Các DN trong tỉnh đã quan tâm hơn đến công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, chọn hàng hóa, sản phẩm đặc trưng, thế mạnh để quảng bá, xây dựng và phát triển thương hiệu. Góp phần cung cấp cho NTD các sản phẩm, hàng hóa chất lượng…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY