Gỡ nút thắt, tạo đà phát triển vùng đồng bằng

07:12, 10/12/2022

ĐBSCL vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn như biến đổi khí hậu, nguồn nguyên liệu chưa đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu, hạ tầng logistics còn yếu…Do đó, việc khơi thông những "điểm nghẽn" tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ sẽ giúp phát triển vùng ĐBSCL toàn diện theo hướng sinh thái, bền vững,...

 

Các địa phương, doanh nghiệp vùng ĐBSCL cần nỗ lực vượt khó khăn, thách thức.
Các địa phương, doanh nghiệp vùng ĐBSCL cần nỗ lực vượt khó khăn, thách thức.

Sở hữu nhiều thế mạnh, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã tận dụng những lợi thế để đưa ra chính sách xây dựng vùng nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, nhiều vùng nguyên liệu đã dần hình thành. Song, ĐBSCL vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn như biến đổi khí hậu, nguồn nguyên liệu chưa đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu, hạ tầng logistics còn yếu…

Do đó, việc khơi thông những “điểm nghẽn” tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ sẽ giúp phát triển vùng ĐBSCL toàn diện theo hướng sinh thái, bền vững, mang bản sắc sông nước trong bối cảnh mới.

Những điểm nghẽn trong phát triển thế mạnh

Là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng cả nước, ĐBSCL được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển. Bởi đây là một trong những đồng bằng phì nhiêu nhất Đông Nam Á và thế giới, giữ vai trò sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước...

Bên cạnh, ĐBSCL có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và nhiều vườn cây, rừng cây rộng lớn, sở hữu tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo, có vị trí kết nối giao thương quan trọng, một số tuyến cao tốc được Nhà nước đầu tư: Trung Lương - Mỹ Thuận; Mỹ Thuận - Cần Thơ; Cầu Mỹ Thuận 2; Cảng Cái Cui có khả năng tiếp nhận tàu 20.000 tấn...

Tuy nhiên, ông Trần Thanh Mẫn- Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhận định: Bên cạnh những thế mạnh rõ rệt, ĐBSCL đang đối diện với nhiều thách thức lớn nằm ở 3 phương diện là kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, hiện đại hóa nền nông nghiệp còn chậm, hạn chế về nguồn vốn đầu tư, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ.

Song song đó, nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận khoa học công nghệ còn thấp; các công trình thủy điện thượng nguồn làm giảm đáng kể lượng phù sa và cát, hệ quả là gây ra sạt lở bờ sông và làm đất bạc màu, nước mặn từ biển xâm lấn làm hơn một nửa diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn…

Chia sẻ về những “nút thắt” và thách thức trong việc xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều tỉnh ở đồng bằng có lợi thế rất lớn trong sản xuất nông nghiệp nhưng lại gặp tình trạng chung là nông sản được sản xuất ra chưa theo kịp tín hiệu thị trường.

Trong đó, khâu chế biến, dự trữ, bảo quản nông sản còn nhiều hạn chế vì tình trạng thiếu hệ thống kho lạnh, kho bảo quản, hạ tầng logistics còn nhiều yếu kém khiến chi phí logistics còn rất cao. Song song đó, nông sản mang tính mùa vụ cao lại khó bảo quản để giữ phẩm cấp, chất lượng càng khó đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đáng nói, thị trường tiêu thụ nông sản chưa bền vững, chưa có những dự báo phân tích thị trường kịp thời về sản lượng và giá bán. Tư duy sản xuất của người dân chưa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường khiến tình trạng “được mùa mất giá” diễn ra thường xuyên, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch đang ở mức rất cao - đây là “điểm nghẽn” lớn trong phát triển thế mạnh nông nghiệp của các tỉnh.

Cần triển khai đồng bộ các giải pháp

Xuất phát từ những thách thức mà ĐBSCL đang gặp phải, bà Lý Kim Chi kiến nghị một số giải pháp gắn với việc xây dựng vùng nguyên liệu: Đầu tư hoặc liên kết đầu tư vào phát triển vùng nguyên liệu, sơ chế, chế biến nông thủy sản, xây dựng kho lạnh phục vụ bảo quản, dự trữ nguyên liệu.

Chính quyền các tỉnh cần tăng cường tuyên truyền cho người dân việc tuân thủ nghiêm các nội dung cam kết trong hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã ký với doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường giám sát, quản lý vùng nguyên liệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến; tổ chức hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại…

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ông Trần Việt Trường nhấn mạnh: “Liên kết, hợp tác để cùng phát triển” - là một trong các chìa khóa quan trọng để dẫn đến thành công trong phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Cần có sự liên kết hợp tác giữa các địa phương, giữa các đối tượng trong chuỗi sản xuất, chế biến, phân phối, từ đó vận dụng và phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của các bên và cùng đạt được mục tiêu đề ra với hiệu quả cao nhất.

Với tầm quan trọng của vùng ĐBSCL, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cũng nhấn mạnh rằng: Liên kết vùng không nằm trên chủ trương, trên giấy mà phải bằng hành động thật. Nhất là cần nâng chất liên kết - tích hợp, áp dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo từ cuộc chuyển đổi số, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và chú trọng chế biến nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản.

ĐBSCL có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt mang lại nhiều tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo.
ĐBSCL có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt mang lại nhiều tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo.

Theo ông Nguyễn Hoàng Giang - Thứ trưởng Bộ KH - CN, thời gian qua, hoạt động khoa học công nghệ ở khu vực ĐBSCL cũng còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế. Do đó, thời gian tới, ĐBSCL cần chủ động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng vừa phục vụ trong nước vừa xuất khẩu.

Đồng thời, hoàn thiện cơ chế chính sách, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp, tạo giá trị gia tăng và nhiều cơ hội việc làm tại chỗ cho người dân vùng ĐBSCL. Đồng thời, cần xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm đồng bộ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu vùng ĐBSCL...

Ông Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội

Tin tưởng rằng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL sẽ phát huy truyền thống cách mạng, khí phách anh hùng, phẩm chất cao quý và tốt đẹp của người miền Tây; cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp trong cả nước, nhất là TP Hồ Chí Minh và toàn Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh theo tinh thần “Cả nước vì ĐBSCL - ĐBSCL vươn lên cùng cả nước và vì cả nước”.

Bài, ảnh: THẢO LY - THẢO TIÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh