Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) vẫn chủ yếu phát triển ở khu vực thành thị, trong khi vẫn còn số lượng lớn người dân ở khu vực nông thôn chưa được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, chưa có thói quen sử dụng các phương thức TTKDTM.
Thanh toán không dùng tiền mặt mang đến nhiều tiện ích cho người tiêu dùng. |
(VLO) Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) vẫn chủ yếu phát triển ở khu vực thành thị, trong khi vẫn còn số lượng lớn người dân ở khu vực nông thôn chưa được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, chưa có thói quen sử dụng các phương thức TTKDTM.
Để tìm giải pháp, mới đây, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến “Giải pháp tăng cường dịch vụ TTKDTM ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa”.
Tiềm năng lớn
Theo ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), đến nay, có rất nhiều phương tiện TTKDTM với nhiều dịch vụ thanh toán mới. Các hoạt động TTKDTM ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã được quan tâm và đạt được những kết quả nhất định.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các thông tư, hướng dẫn mở tài khoản định danh khách hàng điện tử theo eKYC, mở thẻ theo định danh khách hàng eKYC. Theo đó, khách hàng không cần đến ngân hàng mà vẫn có thể mở được các tài khoản thanh toán và mở được thẻ để thực hiện giao dịch.
Từ năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho một số đơn vị phát triển hình thức TTKDTM tại khu vực nông thôn, bằng hình thức hợp tác giữa ngân hàng thương mại với một số tổ chức khác.
Bên cạnh, dịch vụ mobile money - dịch vụ thanh toán nhỏ lẻ, tiện lợi dành cho khách hàng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chỉ cần có sóng điện thoại - có gần 72.000 điểm giao dịch, cung cấp dịch vụ.
Trong đó, có 39.000 điểm giao dịch ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. 9 tháng đầu năm 2022, có gần 14 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ này, trong đó 37,5% khách hàng ở nông thôn với giá trị giao dịch là 167.680 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quá trình triển khai các hoạt động TTKDTM gặp không ít khó khăn do thói quen sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại khi tiếp nhận công nghệ mới, lo ngại an ninh an toàn khi thanh toán trực tuyến.
Bên cạnh, mạng lưới và cơ sở hạ tầng thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ đa phần tập trung ở khu vực đô thị; một số sản phẩm dịch vụ TTKDTM chưa được thiết kế phù hợp với nhu cầu của người nông thôn...
Ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Chủ tịch Chi hội thẻ Hiệp hội Ngân hàng, kiêm Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho rằng, tiềm năng rất lớn với dân số khu vực nông thôn chiếm 68%, tương đương khoảng 61 triệu người. Ông cũng cho rằng, việc người dân nông thôn chọn TTKDTM “chỉ là vấn đề về thời gian”.
Ông Nguyễn Hoàng Long- Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia (NAPAS) cho biết, 2 - 3 năm gần đây, có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ của giao dịch TTKDTM.
Thay vì rút tiền mặt, người dân thực hiện giao dịch thanh toán bằng thẻ hoặc chuyển khoản liên ngân hàng qua hệ thống của NAPAS. Năm 2021, rút tiền mặt qua hệ thống của NAPAS chiếm 12%, trong khi cách đây 5 - 6 năm rút tiền mặt tới 60 - 70%. Đến năm 2022, ước tính chỉ còn 6%.
Cùng với đó, số lượng giao dịch thanh toán qua hệ thống của NAPAS cũng tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng. Hiện trung bình một ngày có 12 - 15 triệu giao dịch chuyển khoản chạy qua hệ thống của NAPAS với số tiền tới 150 - 170 ngàn tỷ đồng.
Chủ yếu vẫn là ở những thành phố lớn nhưng vẫn có sự giao thương của các đơn vị nông thôn và ở vùng sâu, vùng xa.
Ông Nguyễn Hoàng Long cho biết thêm, gần đây, NAPAS đã sử dụng dịch vụ liên thông giữa hệ thống ngân hàng, tài khoản ngân hàng để chuyển tiền đến các ngân hàng, các tài khoản mobile money. Đây sẽ là bước thúc đẩy để các tệp khách hàng sử dụng mobile money ở vùng sâu vùng xa có thể thực hiện giao dịch, thanh toán, chuyển khoản.
Thúc đẩy TTKDTM
Khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. |
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, đưa ra các phương án cụ thể để phát triển TTKDTM như hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách; thúc đẩy việc triển khai các dịch vụ thanh toán hiện đại hơn nữa, đặc biệt là các dịch vụ ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo an ninh tiền tệ cũng như an ninh trong hệ thống thanh toán.
Bên cạnh, để thúc đẩy các hoạt động TTKDTM khu vực nông thôn, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung triển khai các giải pháp để đa dạng các tổ chức cung ứng dịch vụ TTKDTM.
Cụ thể là phát triển các đại lý thanh toán tại vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, hệ thống mobile money sẽ góp phần rất nhiều trong việc thúc đẩy TTKDTM.
Ông Nguyễn Minh Tâm chia sẻ, các ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi số cũng như ứng dụng các phương tiện thanh toán đa dạng và tiện ích nhằm phát triển ngày càng nhiều điểm thanh toán nhỏ lẻ nhất, để khuyến khích người dân sử dụng thanh toán.
Ông đề nghị có thể xem lại mức phí ưu đãi đối với khu vực vùng nông thôn hoặc có thể miễn giảm thuế, ưu đãi thuế đối với các đại lý chấp nhận TTKDTM.
Đồng thời, ông cho biết thêm: “Chúng tôi cũng đã liên kết với VNPost phát triển các điểm thu hộ tiền mặt để phục vụ cho các hoạt động phía sau thanh toán. Ở các vùng có thể không phủ sóng hết các điểm giao dịch của các ngân hàng thì có thể phát triển thông qua liên kết với VNPost”.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Tâm, cần tăng cường tuyên truyền, trong đó, cần gia tăng tiếp cận với công nhân bởi nếu công nhân sử dụng 100% TTKDTM thì số lượng người dùng kéo theo - người thân của họ ở nông thôn cũng rất cao.
Bài, ảnh: SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin