Thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp

Cập nhật, 14:45, Thứ Ba, 08/11/2022 (GMT+7)

 

Nông dân đưa công nghệ số vào sản xuất.
Nông dân đưa công nghệ số vào sản xuất.

Tại Diễn đàn “Kết nối ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (NN)”, theo Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, việc chuyển đổi số (CĐS) sẽ góp phần mạnh mẽ trong việc hạ giá thành, nâng cao giá trị nông sản. Công cuộc CĐS đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng vẫn còn đó những hạn chế. Do đó, phải xác định, CĐS, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất NN là một hành trình, một cuộc tìm kiếm và áp dụng không bao giờ có điểm dừng.

Áp dụng CĐS sớm sẽ mang lại hiệu quả cao

Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, có hai mặt hàng đang ứng dụng CĐS mạnh là lúa và cà phê. Tiếp đó là ngành nuôi trồng thủy sản. Trung tâm khuyến nông các tỉnh cũng đang tích cực hỗ trợ nông dân bán hàng online, đào tạo online. Mỗi năm, cơ quan khuyến nông tổ chức khoảng 240 lớp đào tạo online, tạo điều kiện cho nhiều người cùng lúc tiếp cận tài liệu. Ngành hàng xuất khẩu đi Trung Quốc, EU, Mỹ cũng đang áp dụng CĐS, dần dần từng bước nhưng đảm bảo vững chắc.

Ông Nguyễn Đức Tùng - Tổng Thư ký Hiệp hội NN số Việt Nam (VIDA) chia sẻ: Đề án CĐS trong NN và ứng dụng công nghệ số tại Việt Nam đang được Bộ NN - PTNT triển khai đã đề ra được mục tiêu, lộ trình và hướng đi của NN Việt Nam trở thành nền kinh tế thực thụ. Trong đó, đảm bảo các thành phần như: tri thức, công nghệ, lực lượng lao động, phương tiện lao động, thị trường,… được liên kết chặt chẽ bởi “chuỗi liên kết” minh bạch, bình đẳng và cùng có chung một mục đích là tạo ra những sản phẩm NN có giá trị thương phẩm cao nhờ ứng dụng công nghệ số.

Theo đó, trong nhiều lĩnh vực của NN đều đang áp dụng công nghệ số như quản lý đồng ruộng, sử dụng mobile app (phần mềm trên điện thoại di động), drone (thiết bị bay điều khiển từ xa), hệ thống cảm biến nhiệt, cảm biến thức ăn, tự động hóa vệ sinh chuồng trại. Đây là xu thế tất yếu, phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc. Tổ khuyến nông cộng đồng cũng đang được thí điểm ở 13 tỉnh với 26 tổ, số hóa ngay từ khâu đầu chuỗi sản xuất cho bà con nông dân. Trung tâm đang cố gắng kết hợp với các đơn vị liên quan để tài liệu thật dễ hiểu, ngắn gọn.

Tại Vĩnh Long, theo Sở NN - PTNT, thời gian qua, ngành NN đã quan tâm và tích cực thực hiện các nội dung trọng tâm ứng dụng CĐS của ngành như: quản lý và thực hiện CĐS; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông sản; xây dựng kênh thông tin diễn biến thị trường trên nền tảng di động; thực hiện truy xuất nguồn gốc... Đến nay, những hoạt động này đã mang đến những giá trị mới, bền vững cho sản xuất NN và cho thấy tầm quan trọng, tính cấp thiết của quá trình này như: giúp nông dân sản xuất với chi phí thấp nhất, nhưng bán ra với giá cao nhất. Người sản xuất được kết nối trực tiếp, đưa nông sản tới tay người tiêu dùng mà không qua khâu trung gian. Đồng thời, giúp mọi người kết nối với nhau dễ dàng, thuận lợi hơn.

Từng bước khắc phục hạn chế, đẩy mạnh ứng dụng CĐS

Tuy đã có lộ trình và hướng đi cụ thể, nhưng theo ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp, HTX và nông dân ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất NN vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong chính các thành phần của lộ trình như: chính sách chưa được đồng bộ; hạ tầng công nghệ chưa theo kịp với nhu cầu; doanh nghiệp và nông dân chưa được đào tạo, định hướng về việc đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn của thị trường xuất, nhập khẩu;…

TS Từ Minh Thiện - Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến - TP Hồ Chí Minh (nguyên Phó Ban Quản lý NN công nghệ cao TP Hồ Chí Minh) cho rằng, dư địa ứng dụng công nghệ cao trong NN của Việt Nam đang rất lớn, song chúng ta mới chỉ triển khai được 3/10 ứng dụng chính về tiếp cận thị trường và chuỗi giá trị; ứng dụng để tăng năng suất cây trồng vật nuôi; cải thiện tính an toàn sản phẩm và truy xuất nguồn gốc nông sản. Các ứng dụng nhằm quản lý chuỗi cung ứng; tiếp cận dịch vụ tài chính; quản lý rủi ro; quản lý đất đai; cải thiện hệ thống sáng kiến hay hỗ trợ các nông hộ quy mô nhỏ… gần như chưa triển khai được.

“Tiếp cận công nghệ không khó, quan trọng áp dụng công nghệ đó sao cho có hiệu quả. Chúng ta phải làm sao để sản phẩm công nghệ cao sản xuất ra tiêu thụ được hết; để người tiêu dùng phân biệt được giá giữa NN công nghệ cao và sản xuất thông thường, từ đó gia tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích” - TS Từ Minh Thiện nhấn mạnh.

Để CĐS và ứng dụng khoa học công nghệ không phụ thuộc vào thị trường và mang tính tự phát cao, theo ông Nguyễn Đức Tùng, việc xây dựng chương trình đào tạo phát triển nhóm lao động có tri thức cao để hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân là rất cấp thiết. Nhóm chủ chốt này sẽ đẩy nhanh quá trình tiếp cận, ứng dụng công nghệ cho các quy trình canh tác, nuôi trồng, chế biến,… trong sản xuất NN. Qua đó, thay đổi vị thế của nông dân trong nền NN nước nhà bằng CĐS.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN - PTNT) cho rằng: CĐS trong NN nói riêng, và áp dụng khoa học công nghệ nói chung, là để giải mã, khắc phục những “hố đen” trong sản xuất, trong tư duy. Thực tế còn có những khó khăn nhất định trong áp dụng CĐS, ví dụ về việc hiện có nhiều phần mềm khác nhau. Cùng là mã số vùng trồng, mã số thức ăn chăn nuôi, song mỗi nơi một cách hiểu, một cách làm. Khi có cách tiếp cận trúng, đầy đủ, sẽ có cách làm đúng. Mong là Hiệp hội NN số Việt Nam kết nối nhiều hơn nữa với các sở NN địa phương, tạo chỗ dựa vững chắc cho nông dân.

Ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở NN - PTNT: Tính đến thời điểm hiện tại, việc CĐS trong NN ở Vĩnh Long vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc, các mô hình trình diễn này chỉ mới ở mức quy mô nhỏ, tỷ lệ ứng dụng đại trà công nghệ số còn nhiều hạn chế và hầu hết dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ từng phần. Vì vậy, trong thời gian tới cần được quan tâm tháo gỡ và đầu tư nhiều hơn để giúp công tác CĐS này ngày càng lan tỏa mạnh mẽ hơn. Trong đó, cần tập trung sản xuất với quy mô lớn, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản, gắn với phát triển công nghệ chế biến và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG