Giá nông sản, hàng hóa đến tay người tiêu dùng thường cao bất thường so với giá do người sản xuất bán ra. Vấn đề có phải nằm ở khâu trung gian? Giải pháp nào để đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất và để hàng hóa đến tay người tiêu dùng ở mức hợp lý hơn?
Giảm bớt các chi phí trung gian để tăng lợi nhuận cho người sản xuất. |
Giá nông sản, hàng hóa đến tay người tiêu dùng thường cao bất thường so với giá do người sản xuất bán ra. Vấn đề có phải nằm ở khâu trung gian? Giải pháp nào để đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất và để hàng hóa đến tay người tiêu dùng ở mức hợp lý hơn?
Nông sản: bán giá thấp, mua giá cao
Thường mua rau củ, thịt cá của nhà vườn, tại chợ và siêu thị, chị Nguyễn Thanh Vân (Phường 4 - TP Vĩnh Long) cho biết, không ít lần chị giật mình vì giá bán tại chợ, nhất là siêu thị cao hơn nhiều, có khi cao gấp đôi so giá bán của nhà vườn.
Theo chị Vân, “dẫu biết qua nhiều khâu trung gian nên giá đội lên nhưng nếu quá cao là bất hợp lý, thiệt thòi cho cả nông dân và người tiêu dùng”.
Trong khi người tiêu dùng phải mua hàng hóa ở mức cao thì người sản xuất ra nông sản lại bán giá thấp, không có lợi nhuận...
Lo lắng khi giá vật tư nông nghiệp ở mức cao, chi phí thuê đất, nhân công đều đội lên so năm ngoái, anh nông dân Nguyễn Hữu Thông (ở xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm) - hiện đang trồng 20 công cam - cho rằng “cần có giải pháp bình ổn giá vật tư”.
Vì theo anh Thông, nông dân làm lụng vất vả nhưng lời ít, thậm chí không có lời hoặc lỗ lã, một phần do chi phí sản xuất quá cao, một phần do bị thương lái ép giá…
Do đó, bên cạnh bình ổn giá vật tư thì “cần có giải pháp kiểm soát các khâu trung gian như qua thương lái, các đầu mối thu mua… Bên cạnh, cần hỗ trợ nông dân để ổn định đầu ra và đảm bảo lợi nhuận”.
Ông Trần Thanh Lâm - Bí thư Đảng ủy TT Tân Quới cho biết, hiện nông dân mua phân thuốc qua đại lý, cửa hàng nhỏ lẻ; phần lớn nông sản làm ra được tiêu thụ qua thương lái…
Do đó, vừa qua thị trấn chủ trương thành lập HTX Thương mại - Dịch vụ - Xây dựng - Sản xuất nông nghiệp Tân Quới là để liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm của nông dân. HTX cũng gắn kết với đơn vị sản xuất để đưa phân thuốc về cho nông dân sử dụng.
Nếu nông dân thiếu vốn sẽ liên kết với các quỹ tín dụng, với ngân hàng cho vay… “Mục đích là cắt giảm các khâu trung gian để giảm chi phí, giúp nông dân có lợi nhuận cao nhất”- ông Lâm nói.
Công khai, minh bạch chuỗi cung ứng
Giá cả hàng hóa đến tay người tiêu dùng cần ở mức hợp lý hơn. |
Theo chuyên gia, cấp trung gian hưởng lợi quá nhiều, trong khi nông dân, nhà sản xuất chưa chắc đã lời nhiều và người tiêu dùng phải mua hàng giá đắt là “điểm nghẽn” cần có giải pháp tháo gỡ hiệu quả.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng vấn đề nằm ở chi phí logistics. Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để giảm chi phí này, nhất là chuyện liên quan đến giá cả, từ giá đầu cho đến giá cuối qua khâu trung gian.
Bên cạnh, văn hóa kinh doanh rất quan trọng. Khâu trung gian không thể ăn chênh lệch quá nhiều, ép giá người nông dân.
Theo đó, phải có biện pháp chế tài. Bên cạnh, cần công khai, minh bạch các khâu làm giá bị đội lên, khâu nào cần phải xử lý? Cũng theo ông Lực, chúng ta đang thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.
Đây là “cơ hội vàng” để giúp công khai, minh bạch. Cuối cùng, là sự vào cuộc của các cơ quan, bộ, ngành có liên quan để “giảm bớt những chi phí thủ tục hành chính còn quá cao, đương nhiên doanh nghiệp tính luôn vào giá thành”.
Còn theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, một số nước đã luật hóa về phân phối lợi nhuận trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và công khai, minh bạch để “không thể ai hưởng hơn”.
“Tôi nghĩ phải chăm chút đến người nông dân, người làm ra của cải vật chất trong chuỗi cung ứng, bởi vì nếu họ thua lỗ thì làm gì có sản phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống, xuất khẩu…”.
Theo ông Phú, cần xem lại toàn bộ chuỗi cung ứng và phải công khai, minh bạch - đó mới là cái gốc của sự phát triển bền vững.
Thiết nghĩ, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, bình ổn giá cả hàng hóa. Trong đó, cần kiểm soát tốt chuỗi cung ứng, nhất là các khâu trung gian để hàng hóa luôn ở mức hợp lý nhất khi đến tay người tiêu dùng. Đó cũng là cách để giải quyết dứt điểm tình trạng giá cả hàng hóa “té nước theo mưa” hay “lên nhanh, xuống chậm” như thời gian qua.
Bài, ảnh: SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin