Còn khoảng 3 tháng đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hiện tại, ngành công thương đang triển khai kế hoạch để doanh nghiệp đăng ký tham gia bình ổn giá. Các đơn vị, doanh nghiệp, HTX, các cơ sở sản xuất của tỉnh cũng đưa ra kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong thời gian tới.
Còn khoảng 3 tháng đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hiện tại, ngành công thương đang triển khai kế hoạch để doanh nghiệp đăng ký tham gia bình ổn giá. Các đơn vị, doanh nghiệp, HTX, các cơ sở sản xuất của tỉnh cũng đưa ra kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong thời gian tới.
Ngành chức năng cũng đã có nhiều giải pháp nhằm ổn định giá cả thị trường. |
Chủ động bình ổn giá
Theo Cục Thống kê, với tác động của tình hình dịch COVID-19 thời gian qua đã làm cho giá cả các loại nguyên vật liệu đầu vào, giá cả hàng hóa nhập khẩu đều tăng. Tuy nhiên, giá xăng, dầu liên tiếp được điều chỉnh, bình quân tháng 10 chỉ số giá xăng dầu giảm 5,8% so với tháng trước. Trong khi đó, giá gas cũng được điều chỉnh giảm, giá hầu hết các mặt hàng rau cải, thủy hải sản tươi sống, thịt và trứng gia cầm cũng có xu hướng giảm… đã tác động làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 giảm nhẹ so với tháng trước.
Hiện tại, theo khảo sát thị trường, giá cả nhiều loại hàng hóa tương đối bình ổn, không có dấu hiệu tăng, giảm “đột xuất”. Theo một tiểu thương kinh doanh ngành hàng thịt heo ở chợ Vĩnh Long, giá heo hơi tương đối ổn định do nguồn cung đảm bảo, có thời điểm, giá thịt heo giảm nhẹ, qua đó góp phần giảm gánh nặng về giá cho người tiêu dùng. Trong khi đó, giá các mặt hàng trái cây, lương thực, trứng gia cầm đều ổn định. Theo các tiểu thương ngành hàng rau củ, giá có tăng nhẹ do ảnh hưởng của bão lụt, nguồn cung bị hạn chế.
Để đảm bảo ổn định thị trường, đặc biệt là dịp cuối năm, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.
Theo đó, lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, tham gia công tác bình ổn giá; phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lợi bất chính.
Đồng thời, giám sát phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hóa lưu thông trên thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu nhận thức đúng và tích cực tham gia chương trình bình ổn giá tại địa phương đặc biệt là lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch…
Đảm bảo hàng hóa dịp Tết
Dịp cuối năm là lúc các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất phục vụ nhu cầu mua sắm, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh cũng đã lên phương án sản xuất, đảm bảo nguồn cung hàng hóa.
Bà Lê Trúc My - Giám đốc Công ty TNHH MTV My Tỷ Mai cho biết, đa phần các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu cuối năm, đặc biệt là hiện nay dịch COVID-19 đã được kiểm soát. Tuy nhiên, có thể nhận định giá cả đầu vào nguyên liệu sẽ tăng nên chi phí sản xuất tăng, giá sản phẩm cũng sẽ tăng theo. “Giá sản phẩm có thể tăng chút ít so với năm 2021, do đó thị trường tiêu thụ rất có thể được dự báo sẽ giảm hoặc bằng so với mọi năm”- bà My chia sẻ.
Cũng theo bà My, hiện tại, đơn vị đã có phương án sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường Tết sắp tới, đảm bảo nguồn cung. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đang lo lắng vì thị trường tiêu thụ dịp cuối năm nay rất khó đoán. Đồng thời cũng gặp khó trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, theo ông Văn Quốc Hoàng - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long, hiện đơn vị đang tổng hợp nhằm đánh giá nhu cầu thị trường cuối năm. Qua đó làm cơ sở để tham gia chương trình bình ổn giá cả của tỉnh, cũng như có kế hoạch đảm bảo nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm. “Giá cả hàng hóa cũng sẽ được dự đoán tăng nhẹ, đảm bảo nguồn cung nên không lo thiếu nguồn hàng, gây sốt giá cục bộ”- ông Hoàng cho biết.
Hiện tại, Sở Công Thương tỉnh đã thông báo đến các đơn vị, doanh nghiệp, HTX đăng ký tham gia bình ổn thị trường Tết. Hiện toàn tỉnh có 114 chợ, 2 siêu thị và hơn 50 cửa hàng tiện lợi, tình hình giao thương, trao đổi, mua bán hàng hóa ổn định, đảm bảo cung ứng hàng hóa đủ nhu cầu của người dân.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 giảm 0,2% so với tháng trước, hầu hết các nhóm hàng hóa đều giảm giá nhẹ hoặc ổn định so với tháng trước. Tuy nhiên, sau 10 tháng CPI tăng 3,1%, cao hơn tốc độ tăng CPI cùng kỳ 0,78 điểm phần trăm. CPI bình quân tăng 2,72% so với cùng kỳ, cao hơn 0,76 điểm phần trăm so với số liệu tương ứng của năm 2021; 25/32 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng so với cùng kỳ tác động làm tăng CPI chung. |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin