Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài với chủ đề "Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: "Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam".
Chủ tịch UBND tỉnh - Lữ Quang Ngời làm việc với Tập đoàn The Heus (Hà Lan) hồi tháng 5/2022. |
Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài với chủ đề “Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam”.
DN cam kết mở rộng đầu tư
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh COVID-19 (2020- 2021), Việt Nam vẫn là một trong số ít nền kinh tế tăng trưởng dương, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát kiểm soát ở mức thấp. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2022, tình hình phát triển kinh tế- xã hội tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực; nhiều DN, tập đoàn sản xuất lớn đã quay trở lại hoạt động 100% công suất và mở rộng đầu tư. Chỉ số phục hồi COVID-19 của Nikkei xếp Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới; các tổ chức như Moody’s và S&P đều xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam ở mức “ổn định” và “tích cực”.
Theo khảo sát nhanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thực hiện trong tháng 9/2022 về hoạt động sản xuất kinh doanh của các NĐT nước ngoài: trên 90% DN đạt hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính ở mức trung bình và cao. Phần lớn các DN đều bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng đối với Việt Nam và cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh lâu dài; trong đó khoảng 66% DN dự kiến mở rộng đầu tư trong năm 2023; 76% DN đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ.
Ông Nakajima Takeo- Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội cho biết, kết quả khảo sát của JETRO năm ngoái cho thấy, 55% DN Nhật Bản tại Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng hoạt động. Đây là con số cao nhất trong các nước ASEAN. Một khảo sát khác của JETRO với hơn 1.700 công ty mẹ của các công ty Nhật Bản cho thấy Việt Nam xếp thứ hai trong hạng mục câu trả lời “là nơi mà các quốc gia muốn mở rộng đầu tư” bên cạnh Hoa Kỳ. “Kỳ vọng vào Việt Nam hiện nay rất cao”- ông Nakajima Takeo nói và cho biết thêm, các DN FDI đang tiếp tục tuyển dụng và mở rộng. Một số DN cắt giảm kế hoạch đầu tư do thiếu công nhân. Do đó, sẽ rất hữu ích nếu chính quyền địa phương khuyến khích đào tạo công nhân và cung cấp chỗ ở, phương tiện đi lại. Bên cạnh, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là rất quan trọng. “Chúng tôi đang rất cần những trung tâm về logistic cũng như là các trung tâm dữ liệu”.
Đại diện Eurocham thì chia sẻ: Thật khó tin là cách đây đúng một năm, nhiều thành phố của Việt Nam vẫn đang cách ly toàn diện, nền kinh tế bị đứt gãy và tốc độ tăng trưởng GDP giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua. Rất nhanh ngay khi tỷ lệ bao phủ vắc xin tăng lên, Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp kịp thời nhằm phục hồi và phát triển kinh tế. Từ đó Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy vậy, bất ổn vẫn ngày càng gia tăng, tình trạng lạm phát trên toàn cầu, tình hình phức tạp ở Ukraine và chính sách zero- COVID của Trung Quốc đã tác động sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các DN châu Âu. Vì vậy, nhiều NĐT châu Âu vẫn trong trạng thái chờ đợi và xem diễn biến tiếp theo như thế nào trước khi quyết định đầu tư mở rộng, trong đó có đầu tư vào Việt Nam. “Chúng tôi có thể đầu tư cơ sở hạ tầng như năng lượng, đường sá, hàng không, tuy nhiên có một số lĩnh vực đầu tư ở Việt Nam mà chúng tôi vẫn còn ngại ngần. Chúng tôi cũng lo ngại về thủ tục hành chính mà chúng tôi tin rằng sẽ làm giảm mức độ cạnh tranh của Việt Nam”- đại diện Eurocham nói vậy và cho rằng “Việt Nam cần mở cửa mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, để gây ấn tượng với các NĐT chất lượng cao, bảo đảm vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Các NĐT châu Âu đã, đang và sẽ tiếp tục cam kết phối hợp với Việt Nam để đạt được mục đích này”. Theo đó, cần có chính sách đầu tư công bền vững trong một số lĩnh vực chính như: khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh giao thông đô thị, khoa học và công nghệ và chuyển đổi xanh. Về chuyển đổi số, ông cho rằng, mặc dù Việt Nam đã làm tốt thời gian qua nhưng cần tiếp tục tăng cường chuyển đổi số…
Tạo mọi điều kiện để có
môi trường thuận lợi
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng từ khoảng 4 tỷ USD khi bắt đầu đổi mới lên khoảng 400 tỷ USD trong năm nay. Thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.
Thủ tướng cho biết, 8 tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhìn chung có lạm phát cao và tăng trưởng thấp, thì Việt Nam đạt được những kết quả khá tích cực, lạm phát được kiểm soát và tăng trưởng có xu hướng cao, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm... Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các NĐT nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Thủ tướng đề nghị các NĐT, DN đẩy mạnh xây dựng, áp dụng những mô hình quản lý mới, thực hiện đổi mới mô hình hướng tới kinh doanh xanh, công nghệ xanh và phát triển bền vững. Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển; đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề mới có giá trị gia tăng cao; công nghệ kỹ thuật, khoa học hiện đại.
“Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để các DN nước ngoài đầu tư kinh doanh hiệu quả, thành công và bền vững tại Việt Nam với tinh thần “Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát toàn diện; có kế hoạch kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, khắc phục hạn chế, bất cập trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài. |
Bài, ảnh: SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin