..."Sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!"

08:09, 01/09/2022

Người dân trong và ngoài nước, bè bạn khắp năm châu chia vui cùng Việt Nam nhân kỷ niệm 77 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh ngày 2/9.

 

 

Nhìn từ cầu Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2 trên tuyến đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận- Cần Thơ với trụ chính vượt sông đang hình thành.
Nhìn từ cầu Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2 trên tuyến đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận- Cần Thơ với trụ chính vượt sông đang hình thành.

Người dân trong và ngoài nước, bè bạn khắp năm châu chia vui cùng Việt Nam nhân kỷ niệm 77 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh ngày 2/9.

Lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”

77 năm- một chặng đường hơn 2/3 thế kỷ ấy, dưới sự cầm lái của Đảng quang vinh, con thuyền Việt Nam vượt qua bao thác ghềnh, giông bão: đánh thắng Pháp, Nhật, Mỹ và chư hầu, lật đổ chính quyền tay sai để non sông thu về một mối rồi đánh thắng cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, cuộc chiến biên giới Tây Nam, giúp nhân dân Campuchia lật đổ chính quyền diệt chủng phản động. Trên mặt trận an ninh và kinh tế đã làm tốt việc bảo vệ thành quả cách mạng trước lực lượng phản động trong, ngoài nước chống phá không ngừng, nhằm đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự xã hội trước sự bao vây cấm vận của kẻ thù để giữ vững hòa bình, xây dựng lại cuộc sống sau chiến tranh của Nhân dân. Bên cạnh, Đảng ta cũng sớm phát hiện và có giải pháp khắc phục hiệu quả một số khuyết điểm về nhận thức trong chính trị, trong chủ trương phát triển kinh tế,… để không sa vào sai lầm dẫn đến khủng hoảng.

Tất cả bắt nguồn từ tư tưởng, quan điểm tự chủ, độc lập. Quan điểm đó, tư tưởng đó lại bắt nguồn từ truyền thống dân tộc với chiều dài lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, của chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng hay nói dễ hiểu hơn là khát vọng độc lập tự do sau đêm dài, nhiều thế kỷ dân tộc phải chịu cảnh nô lệ ngoại bang, phong kiến với bao tầng áp bức. Khát vọng đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết trong bài kêu gọi toàn dân, toàn quân ra sức đánh giặc bởi vì đế quốc Mỹ đã leo thang chiến tranh khi dùng không quân đem bom pháo ồ ạt ném xuống miền Bắc năm 1966. Trong Lời kêu gọi, Bác Hồ viết:

- Gần đây, giặc Mỹ điên cuồng leo thang thêm một bước rất nghiêm trọng: chúng bắn phá ngoại ô Hà Nội và Hải Phòng. Đó là hành động tuyệt vọng của chúng, khác nào con thú dữ bị thương nặng, giãy giụa một cách hung tợn trước hơi thở cuối cùng.

Giônxơn (Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ-NV) và bè lũ phải biết rằng: chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng. Chúng càng hung hăng thì tội của chúng càng thêm nặng.

Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!

Thế rồi chỉ 7 năm sau (1973) dự báo thiên tài của Bác Hồ đã thành sự thật, Mỹ buộc phải ký vào bản Hiệp định Paris với cam kết rút quân ra khỏi miền Nam, công nhận Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam... Và 2 năm sau đó tức 1975, Tổng thống chính quyền miền Nam- Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng, chính quyền Sài Gòn sụp đổ, đất nước thống nhất sau 21 năm bị chia cắt tại Vĩ tuyến 17. Lịch sử diễn ra đúng như lời thơ chúc Tết Xuân 1969 của Bác Hồ “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Tiến lên chiến sĩ, đồng bào. Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn!”.

Trở lại nội hàm câu: “Không có gì quý hơn độc lập tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!” Tôi xin phép bàn và minh chứng vế thứ hai “… Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”

Đúng vậy, nhìn lại sau khi Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo toàn dân thực hiện sự nghiệp đổi mới theo Cương lĩnh chính trị được Đại hội VII thông qua năm 1991. Sau gần 20 năm thực hiện Cương lĩnh, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi hẳn bộ mặt và vị thế của đất nước. Những thành tựu đó khẳng định giá trị to lớn và sức sống mãnh liệt của Cương lĩnh năm 1991 và những bổ sung, phát triển giai đoạn sau, đồng thời cho chúng ta thêm nhiều bài học quý để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên nhằm đạt mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” đi lên chủ nghĩa xã hội.

… Xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!

Tại tỉnh Vĩnh Long, một tỉnh có bề dầy gần 300 năm thành lập với 190 năm danh xưng tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên, với gần 80 năm là thuộc địa của Pháp, Nhật; với 21 năm dưới sự “bảo trợ” của Hoa Kỳ thì nhìn lại kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tỉnh Vĩnh Long có được những gì? Tỉnh lỵ Vĩnh Long như thế nào trước 1975? Vậy mà, với thời gian chưa tới 50 năm, hay chính xác hơn kể từ thập niên 1990 tới nay chỉ khoảng 30 năm, thì quê hương Vĩnh Long thay đổi ra sao? Trong phạm vi bài này, xin minh chứng một số kết quả đạt được so với chiều dài thành lập tỉnh.

Về giao thông, sau ngày giải phóng đường đất chiếm đến 66,4% mạng lưới đường bộ trong tỉnh, đường cấp 4 trải đá chỉ có 19%; cầu trên các tuyến lộ đi huyện chủ yếu cầu sắt nhưng có đến 43,8% bị hư hỏng nặng. Về điện thắp sáng chỉ khoảng 10% hộ dân có điện thắp sáng, tiêu dùng nhưng chủ yếu khu vực tỉnh lỵ, huyện lỵ và phát điện bằng máy diezen, không có điện lưới quốc gia. Về nước máy tập trung cũng chỉ có tại trung tâm thị xã và một số thị tứ, còn lại đại bộ phận hộ dân sử dụng nước sông rạch, nước mưa và nước giếng. Về giáo dục, y tế thiếu trầm trọng trường, trạm, mỗi huyện chỉ có một trường phổ thông trung học với quy mô hơn chục phòng học cho dạy 2 ca, 3 ca/ngày.

Về đời sống nhân dân, mặc dù từ 1975- 1990, đảng bộ, chính quyền tỉnh có nhiều nỗ lực, nhiều giải pháp trong chỉ đạo khai hoang, phục hóa, làm thủy lợi, quyết liệt thâm canh, tăng vụ nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân nhưng đến năm 1991, vẫn còn tới 15% hộ nghèo. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt nên đến năm 1996, tỉnh cơ bản không còn hộ đói, năm 2000 tỷ lệ hộ nghèo còn 9,1% theo tiêu chí mới. Thu nhập bình quân đầu người từ 2,74 triệu đồng năm 1995 tăng lên 4,26 triệu đồng năm 2000 và đến năm 2018 hộ nghèo trên toàn tỉnh giảm còn 2,63% tổng số hộ. Gần đây, theo một điều tra toàn tỉnh năm 2021 thì tổng số hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021- 2025 là 5.906 hộ, chiếm tỷ lệ 2,01%/tổng hộ dân; tổng số hộ cận nghèo là 10.064 hộ chiếm tỷ lệ 3,42%/tổng hộ dân.

Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội có sự chuyển biến thật sự với các tuyến tỉnh lộ cơ bản được nâng cấp và nhựa hóa; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, 100% ấp có đường bê tông xe gắn máy lưu thông suốt năm; đa số cầu khỉ được thay bằng cầu ván, bê tông.

Năm 2000, cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền nối hai bờ Tiền Giang với Vĩnh Long chính thức thông xe. 10 năm sau, năm 2010 cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu nối hai bờ Vĩnh Long- Cần Thơ thông xe đã trở thành động lực phát triển không chỉ cho riêng tỉnh Vĩnh Long mà còn cho cả Tây Nam Bộ. Ước mơ “qua sông khỏi lụy đò” từ bao đời của người dân đồng bằng đã thành sự thật. Gần đây, theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ ưu tiên bố trí 7.187 tỷ đồng để đầu tư 4 dự án giao thông lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025 là cầu Mỹ Thuận 2, đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ, nâng cấp QL53 và QL57.

Trên nền đất sân bay Vĩnh Long chỉ phục vụ quân sự, chuyên mang bom đạn Mỹ bắn phá giết hại người dân, cán bộ kháng chiến thời chế độ Sài Gòn trước 1975 thì nay là khu hành chính, dân cư với các công trình dân sự to đẹp.
Trên nền đất sân bay Vĩnh Long chỉ phục vụ quân sự, chuyên mang bom đạn Mỹ bắn phá giết hại người dân, cán bộ kháng chiến thời chế độ Sài Gòn trước 1975 thì nay là khu hành chính, dân cư với các công trình dân sự to đẹp.

Với quyết tâm đưa điện lưới quốc gia phủ khắp địa bàn, tỉnh huy động nguồn lực lớn đầu tư trong đó có huy động sức dân. Kết quả năm 1995 hộ dân sử dụng điện đạt tỷ lệ 24% tổng số hộ, năm 1998 đạt 40% thì đến năm 2000 đã đạt 82%. Như vậy chỉ trong 5 năm đã tăng thêm 58% hộ dân có điện.Và đến năm 2010, cơ bản hoàn thành việc phủ điện tiêu dùng đến trên 98% hộ dân toàn tỉnh và đến 2019 tỉnh đạt trên 99,8% hộ dân có điện.

Trong niềm vui nhân ngày độc lập, hơn 1 triệu người dân trong tỉnh đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng đất nước ta sẽ vững bước tiến lên và cán đích những mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đề ra vào năm 2030, năm 2045. Riêng tỉnh Vĩnh Long sẽ thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020- 2025 do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI thông qua.

Bài, ảnh: HOÀNG KHẢI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh