Những tháng đầu năm 2022, khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ, Vĩnh Long tiếp tục đẩy mạnh công tác tiếp xúc, thu hút đầu tư (ĐT). Đồng thời cụ thể hóa chủ trương để tận dụng thế mạnh, tạo sự khác biệt trong thu hút ĐT.
Kinh tế Vĩnh Long đang trong giai đoạn phục hồi, thu hút đầu tư nhiều dự án. |
(VLO) Những tháng đầu năm 2022, khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ, Vĩnh Long tiếp tục đẩy mạnh công tác tiếp xúc, thu hút đầu tư (ĐT). Đồng thời cụ thể hóa chủ trương để tận dụng thế mạnh, tạo sự khác biệt trong thu hút ĐT.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Theo UBND tỉnh, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng để khôi phục tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2021- 2025).
Trong những tháng đầu năm, nhiều hoạt động xúc tiến, thu hút ĐT được tích cực triển khai. Nổi bật là các hoạt động xúc tiến với các đối tác Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo đó, tỉnh đã tiếp xúc và làm việc với 32 lượt nhà ĐT đến tìm hiểu về môi trường ĐT, trong đó có 22 lượt nhà ĐT nước ngoài. Đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký ĐT cho 4 dự án với tổng số vốn đăng ký tương đương 932,6 tỷ đồng (trong đó, có 2 dự án FDI với số vốn 18,7 triệu USD) và 9 dự án ĐT mở rộng vốn đăng ký tăng thêm 891,36 tỷ đồng.
Tính đến trung tuần tháng 7, toàn tỉnh phát triển mới 256 doanh nghiệp đạt 54,48% kế hoạch năm, với tổng số vốn đăng ký 1.943 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng 33,97% (tăng 53 doanh nghiệp), số vốn đăng ký tăng 16,56% (tăng 276 tỷ đồng).
Các hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi, các doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động đã đăng ký hoạt động trở lại. Có 75 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại; có 178 chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh thành lập mới, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 23,69% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong tháng ước đạt 75,8 triệu USD, tăng 4,81% so với tháng trước và tăng 186,68% so với cùng kỳ. Nếu tính từ đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 528,2 triệu USD, tăng 22,97% so với cùng kỳ...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về thu hút ĐT để khẳng định những lợi thế, điều kiện vị trí địa lý, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ban hành Chương trình thu hút vốn ĐT giai đoạn 2021- 2025, đề ra các mục tiêu, phương hướng và giải pháp thu hút ĐT trong thời gian tới, để từ đó UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị.
“Phấn đấu huy động vốn ĐT phát triển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025 đạt 83.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 23% so với GRDP”- ông Lữ Quang Ngời cho biết.
Tận dụng lợi thế nội lực
Theo UBND tỉnh, Vĩnh Long ngày càng thu hút sự quan tâm của nhà ĐT do tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm của vùng ĐBSCL, trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước. Từ Vĩnh Long, có thể kết nối nhanh chóng, thuận tiện với các tỉnh trong vùng qua hệ thống giao thông thủy lẫn bộ.
Ngoài cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đã đưa vào hoạt động (rút ngắn thời gian đi lại từ Vĩnh Long đến TP Hồ Chí Minh chỉ còn khoảng 1,5 giờ). Hiện các dự án lớn như cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ (đi ngang qua tỉnh Vĩnh Long) đang khẩn trương thi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Bộ Giao thông- Vận tải cũng đang chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ và sẽ phối hợp với các địa phương để kêu gọi ĐT bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhằm tăng cường kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL, trong đó có tỉnh Vĩnh Long.
Bên cạnh đó, Vĩnh Long còn có nguồn nguyên liệu phong phú tại chỗ, nguồn lao động có tay nghề khá dồi dào.
Cùng với Cần Thơ, Vĩnh Long là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho cả vùng ĐBSCL với 3 trường ĐH và Phân hiệu ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cùng 3 trường CĐ và 1 trường trung cấp chuyên nghiệp… đáp ứng nguồn lao động qua đào tạo cho các nhà máy, xí nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Lữ Quang Ngời, yếu tố quan trọng giúp cho Vĩnh Long ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn chính là môi trường ĐT thông thoáng, minh bạch.
Trong thời gian qua, tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cải thiện môi trường ĐT, các chính sách hỗ trợ và xúc tiến ĐT, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch để tạo môi trường pháp lý ổn định cho việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ĐT...
Ngoài các chính sách của Trung ương, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 97/2018/NQ-HĐND nhằm hỗ trợ thêm cho các dự án ĐT tại tỉnh.
Ông Lữ Quang Ngời cho biết: Vĩnh Long sẽ tiếp tục chủ động mời gọi, thu hút nhà ĐT có tiềm lực vào các lĩnh vực, dự án trọng điểm.
Đồng thời có chọn lọc các dự án lớn, dự án có tác động đột phá, lan tỏa, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, nhất là các dự án phát triển công nghiệp trên nền tảng nông nghiệp, công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; công nghệ chế biến nông, thủy sản; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ hiện đại; du lịch gắn với nông nghiệp.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời: Vĩnh Long sẽ tiếp tục rà soát, ban hành danh mục các dự án mời gọi ĐT phù hợp với điều kiện và định hướng phát triển của tỉnh với xu hướng ĐT mới có tính khả thi cao, nhất là các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm khai thác thế mạnh từ nguồn tài nguyên, phù hợp với từng đối tượng nhà ĐT; khuyến khích, tạo điều kiện và tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp. Đồng thời vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách theo quy định của pháp luật để thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực ĐT phát triển. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội theo hướng tích hợp, lồng ghép đa mục tiêu, thích ứng với biến đổi khí hậu; từng bước hiện đại, kết nối đồng bộ, thông suốt với Cần Thơ và các tỉnh- thành vùng ĐBSCL. |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin