Khởi nghiệp từ cây sâm bố chính

10:09, 29/09/2022

Có nhiều năm gắn bó với ngành y và nhận thấy nhân sâm là nguồn dược liệu quý có thể chữa được nhiều chứng bệnh, anh Võ Văn Dũng- Chủ Cơ sở Sản xuất trà thảo dược Võ Dũng (thị trấn Trà Ôn- Trà Ôn) đã nghiên cứu, mạnh dạn đầu tư trồng cây sâm bố chính với mong muốn tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe. Mô hình khởi nghiệp của anh Dũng bước đầu đã đạt được hiệu quả kinh tế.

 

Theo anh Dũng, thổ nhưỡng tại Vĩnh Long thích hợp trồng sâm.
Theo anh Dũng, thổ nhưỡng tại Vĩnh Long thích hợp trồng sâm.

Có nhiều năm gắn bó với ngành y và nhận thấy nhân sâm là nguồn dược liệu quý có thể chữa được nhiều chứng bệnh, anh Võ Văn Dũng- Chủ Cơ sở Sản xuất trà thảo dược Võ Dũng (thị trấn Trà Ôn- Trà Ôn) đã nghiên cứu, mạnh dạn đầu tư trồng cây sâm bố chính với mong muốn tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe. Mô hình khởi nghiệp của anh Dũng bước đầu đã đạt được hiệu quả kinh tế.

Mong muốn làm ra sản phẩm sạch, an toàn

Nói về cơ duyên đến với cây sâm bố chính, anh Võ Văn Dũng cho biết, khoảng 2 năm trước anh bị bệnh mất ngủ và cao huyết áp, tình cờ lúc này có trồng một ít cây sâm bố chính phía sau phòng khám. Sau khi lấy hoa lẫn củ sâm này nấu nước uống, không những anh ngủ được mà huyết áp cũng ổn định trở lại. Từ đó, anh ấp ủ ý định nhân rộng giống sâm này để bà con địa phương có điều kiện tiếp cận nhằm tạo nguồn nguyên liệu sản xuất dược liệu chữa bệnh.

Dám nghĩ dám làm, năm 2020, anh Dũng đến tỉnh Đồng Tháp mua hạt giống cây sâm bố chính về trồng trên diện tích 3.500m2 tại xã Hòa Tịnh (Mang Thít). Theo anh Dũng, sâm bố chính còn có các tên gọi khác là sâm thổ hào, sâm tiến vua. Đây là loại dược liệu quý, có nguồn gốc từ huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, loại cây này thích hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở ĐBSCL và thực tế đã trồng thành công ở nhiều địa phương, trong đó có các tỉnh như Đồng Tháp, Trà Vinh. Thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch không quá dài, cụ thể từ tháng thứ 2 có thể hái hoa và đến tháng thứ 8 là củ đạt tiêu chuẩn. Hiện cơ sở có 2 sản phẩm chủ lực là trà hoa sâm và trà túi lọc, hàng tháng cơ sở của anh Dũng cung ứng ra thị trường khoảng 600 hộp trà, với giá từ 70.000- 190.0000 đ/hộp, thì mỗi tháng anh Dũng có thu nhập khá cao.

Sản phẩm trà sâm được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển
 

Nhận thấy cây sâm bố chính trồng thành công tại địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế bước đầu cho gia đình, anh Dũng đã mạnh dạn mở rộng diện tích thêm 6.000m2 tại xã Lục Sĩ Thành (Trà Ôn) qua hình thức cung ứng giống cho người dân canh tác, thu mua lại hoa và củ làm nguyên liệu sản xuất.

Là người được anh Dũng hỗ trợ giống trồng sâm, anh Nguyễn Văn Út (ấp Phú Sung, xã Phú Thành- Trà Ôn), cho hay: “Trước đây tôi trồng cây ăn trái, hiệu quả chưa cao. Nhờ anh Dũng hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng, tôi tận dụng trồng sâm xen vào chanh, trồng thêm trong chậu. Qua 5 tháng trồng, hiện nay mỗi ngày tôi thu hoạch được 60- 70kg hoa sâm, bán lại cho anh Dũng, đem lại thu nhập khá cho gia đình. Tôi cũng tiếp tục dưỡng trái để bán hạt giống và nuôi củ”.

Tiềm năng phát triển

Bên cạnh những thuận lợi như tự tạo ra nguồn nguyên liệu, được người thân hỗ trợ kỹ thuật cũng như trang bị máy móc sản xuất, anh Dũng cho biết khó khăn lớn nhất gặp phải là đa số người dân chưa biết công dụng của trà sâm nên mất nhiều thời gian, công sức quảng bá sản phẩm. Song theo anh, tiềm năng phát triển của mô hình sản xuất này rất lớn vì hiện nay xu hướng người tiêu dùng chuộng các sản phẩm sạch, an toàn. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu “cây nhà lá vườn” của gia đình anh được trồng hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng phân thuốc hóa học và cả hoa, lá và củ của cây sâm bố chính đều tận dụng được.

Sản phẩm trà sâm được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển

Sản phẩm trà sâm được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển

 

Theo anh Võ Văn Dũng, muốn khởi nghiệp thành công thì điều đầu tiên phải tạo ra sản phẩm sạch, an toàn và tạo mọi điều kiện để người tiêu dùng có thể tiếp cận, đồng thời giới thiệu sản phẩm và bán hàng trên đa kênh gồm sàn thương mại điện tử và các trang mạng xã hội, nghiên cứu giá thành hàng hóa trên thị trường từ đó bán với giá hợp lý. Hiện sản phẩm của anh Dũng đã có mặt trên các trang thương mại điện tử, như Shoppee, Lazada, sàn giao dịch thương mại điện tử ngành công thương Vĩnh Long,…

Định hướng phát triển mô hình thời gian tới, anh Dũng cho biết nếu đăng ký sản phẩm đạt OCOP sẽ đưa vào các siêu thị. Khi có đầu ra ổn định mới mở rộng quy mô sản xuất, diện tích và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con có nhu cầu chuyển đổi canh tác từ các loại cây trồng kém hiệu quả, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu cũng như góp phần tạo thu nhập cho người dân địa phương. “Thời gian tới tôi sẽ tích cực tham gia các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại và tăng cường bán hàng qua Zalo, Facebook, trang Website,… để quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn, đồng thời, nghiên cứu, tìm tòi sản xuất sản phẩm mới để đa dạng mặt hàng, đáp ứng nhu cầu thị trường”- anh Dũng chia sẻ.

Đánh giá về mô hình khởi nghiệp của anh Dũng, ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn, cho hay: Đây là mô hình khởi nghiệp có tiềm năng, sản phẩm mới, chưa có ai thực hiện tại địa phương. Theo y học cổ truyền, sâm bố chính có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Cơ sở Sản xuất trà thảo dược Võ Dũng cũng đã tâm huyết tạo ra sản phẩm này. Hiện phòng cũng đã hỗ trợ cơ sở hoàn thành hồ sơ chấm điểm sản phẩm OCOP. Khi đạt chứng nhận, sản phẩm sẽ có thể phát triển hơn nữa. Thời gian tới, nếu thị trường tiêu thụ được mở rộng, địa phương sẽ phối hợp phát triển vùng nguyên liệu sâm, để cơ sở tăng sản lượng sản xuất. Qua đó, cũng giải quyết việc làm cho người dân ở huyện, góp phần phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

Bài, ảnh: PHI LONG

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh