Tới năm 2030, tỉ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp của Việt Nam lên 60% kim ngạch, với 25% mang nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice.
Tới năm 2030, tỉ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp của Việt Nam lên 60% kim ngạch, với 25% mang nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice.
Công nhân cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang đưa gạo lên tàu xuất khẩu - Ảnh: BỬU ĐẤU |
Đó là một trong những mục tiêu trong dự thảo quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 đang được Bộ Công Thương xây dựng và lấy ý kiến.
Thêm nhiều gạo xuất khẩu có logo "Vietnam Rice"
Với mục tiêu tăng tỉ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp lên 60% kim ngạch, với 25% mang nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice vào năm 2030, dự thảo được Bộ Công Thương xây dựng đưa ra nhiều giải pháp về thúc đẩy cầu thông qua đàm phán, mở cửa thị trường, nhằm tận dụng cơ hội mở cửa thị trường và lộ trình cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu.
Đến giai đoạn 2025, tỉ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chỉ chiếm không quá 15%, gạo phẩm cấp cao và gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm 40%, các loại gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, sản phẩm chế biến chiếm 5%.
Bộ Công Thương nhận định hoàn thiện thể chế chính sách tập trung vào việc thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún để thu hút đầu tư, cơ giới hóa, công nghệ cao trong sản xuất. Phát triển giống lúa, tăng tỉ lệ chế biến sâu các sản phẩm từ gạo, sử dụng hiệu quả thương hiệu và nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice.
Vấn đề tiêu chuẩn gạo được chú trọng trên cơ sở xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng. Hỗ trợ sản phẩm OCOP mang tính đặc thù, có tính cạnh tranh cao, đạt tiêu chuẩn cả trong nước lẫn tiêu chuẩn của các thị trường khó tính như Liên minh châu Âu.
Với giải pháp về nguồn cung, Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 sẽ tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và các định hướng giải pháp về sản xuất, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hướng đến thực hiện sản xuất nông nghiệp sạch.
Đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng gạo nhập khẩu thông qua áp dụng các biện pháp phi thuế quan, hàng rào kỹ thuật...
Bắt đầu từ liên kết doanh nghiệp - nông dân
Ông Nguyễn Thành Phước - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng - cho rằng việc xây dựng chiến lược thương hiệu gạo Việt là một việc làm đúng, tuy có muộn màng. "Việt Nam trồng lúa và xuất khẩu gạo nhiều năm, nhưng chưa có loại gạo nào trở thành thương hiệu quốc gia là một thiệt thòi, nhất là nông dân", ông Phước chia sẻ.
Theo ông Phước, tay nghề trồng lúa của nông dân đã nâng tầm, không khó trong việc sản xuất các giống lúa chất lượng.
"Vấn đề khi làm được hạt gạo ngon, chất lượng... ai sẽ mua và giá cả như thế nào. Vừa qua, nhiều doanh nghiệp khoe xuất khẩu gạo vào thị trường khó tính được giá cao, trong khi nông dân bán lúa vẫn thấp tè, không sòng phẳng với người sản xuất", ông Phước cho biết.
Ông Phước đề xuất muốn có sản lượng lớn, chất lượng ổn định, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tham gia hợp tác, chia sẻ với nông dân. "Chỉ có đầu tư quy mô cánh đồng lớn, quản lý quy trình, bao tiêu... gạo Việt mới đủ sức cạnh tranh. Không thể để nông dân sản xuất manh mún, mạnh doanh nghiệp đi thu gom, chế biến rồi xuất khẩu", ông Phước nói.
Ông Võ Công Thức - trưởng phòng quản lý chất lượng ngành lương thực thuộc Tập đoàn Lộc Trời - cho biết muốn giải bài toán nâng cao tỉ trọng xuất khẩu gạo thương hiệu Vietnam Rice thì đầu tiên phải đi từ nông dân và doanh nghiệp.
Thời gian qua Lộc Trời nhận thấy tín hiệu tích cực từ thị trường châu Âu nên đã đầu tư ngược lại cho nông dân. Việc này giữ doanh nghiệp và nông dân phải đặt lợi ích song hành với nhau. Vì nếu nông dân không thực hiện đạt tiêu chuẩn lúa xuất khẩu châu Âu thì doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại khi không đáp ứng đủ lúa gạo cho đối tác.
Sự tuân thủ của nông dân quyết định rất lớn trong bài toán xây dựng hạt gạo chất lượng cao và tăng giá trị gạo xuất khẩu trên thế giới. Do đó cần một giải pháp tổng thể từ nông dân đến doanh nghiệp và Nhà nước cả ba cùng thực hiện.
"Trong chuyện này doanh nghiệp đi đầu rồi cùng với nông dân làm sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng để bán sản phẩm đó ra, có thị trường chấp nhận thì được công nhận. Có giai đoạn, Lộc Trời chấp nhận thua lỗ 1.000 đồng/kg để giúp nông dân thực hiện sản xuất lúa gạo bền vững theo quy trình canh tác, để tạo dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao", ông Thức kể.
Ông Huỳnh Ngọc Nhã - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng - cho biết trong cơ cấu sản xuất lúa, Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 80% diện tích gieo trồng các giống lúa đặc sản và lúa thơm. "Hiện diện tích canh tác nhóm giống lúa chất lượng của tỉnh đạt khoảng 50%.
Qua nhiều vụ, giá lúa thường có lúc biến động bấp bênh, nhưng với các giống lúa thơm, đặc sản rất ổn định và được giá cao, nông dân rất mặn mà. Sóc Trăng đang tập trung nguồn lực để phát triển diện tích trồng các giống lúa chất lượng, nâng chuỗi giá trị cho hạt gạo", ông Nhã cho biết.
Kỳ vọng gạo ST
"Cha đẻ" gạo ST25 ngon nhất thế giới năm 2019 - ông Hồ Quang Cua - cho biết các nước xuất khẩu gạo có chiến lược xây dựng thương hiệu rất bài bản, do vậy đã có thành tựu đáng kể. Nhắc đến quốc gia đó, người ta liền liên tưởng ngay đến một loại gạo cụ thể, không cần nhiều, không cần chạy theo số lượng.
"Do vậy, tôi và các cộng sự đang tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc để bảo tồn và giữ chất lượng ổn định cho gạo ST25. Nếu có chiến lược đầu tư bài bản, gạo Việt đủ sức cạnh tranh", ông Cua cho biết.
Theo NGỌC AN - KHẮC TÂM - BỬU ĐẤU/Báo điện tử Tuổi trẻ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin