Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

06:09, 16/09/2022

Nhằm đạt được các mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong giai đoạn 2021- 2025, ngày 4/5/2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 894 ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813 ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

 

 

Nhiều người tiêu dùng chuộng thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhiều người tiêu dùng chuộng thanh toán không dùng tiền mặt.

Nhằm đạt được các mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong giai đoạn 2021- 2025, ngày 4/5/2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 894 ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813 ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Tiện lợi khi chuyển khoản, quẹt thẻ

Em Nguyễn Thị Thanh Hằng- sinh viên một trường ĐH tại TP Vĩnh Long cho biết, em vừa chuyển khoản đóng tiền học phí. “Khi chuyển khoản thành công thì chụp màn hình tự lưu lại, không cần rút tiền mang tới trường đóng”- Hằng vui vẻ nói.

Cũng vừa chuyển khoản đóng tiền bán trú hàng tháng, tiền bảo hiểm năm học cho con, chị Nguyễn Thị Kim Hoa (xã Tân Hạnh- Long Hồ) cho biết, chỉ thao tác trên app điện thoại, không cần tranh thủ mang tiền mặt đến trường nên chủ động thời gian.

Chợt nhớ chưa trả tiền gạo, tiền trái cây mua trước đó mấy ngày, chị Lê Thị Thanh Lan (xã Song Phú- Tam Bình) mở app điện thoại chuyển khoản ngay. Chị gửi màn hình chuyển khoản thành công cho người bán qua Zalo và chờ phản hồi đã nhận được tiền. Chị Lan cho biết: Khi cần mua chị nhắn tin hoặc gọi cho người bán, xem mẫu, lựa chọn sản phẩm muốn mua qua điện thoại luôn. “Chốt” xong thì bên người bán giao tận nhà. Các mối quen thoải mái “khi nào rảnh chuyển khoản sau, không cần gấp” nên rất thuận tiện.

Vừa thanh toán các chi phí khám bệnh, mua thuốc cho người thân tại bệnh viện bằng thẻ tín dụng, anh Nguyễn An Hữu (xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân) cho rằng, thanh toán bằng thẻ như vậy rất nhanh gọn và hiện đại, còn góp phần phòng chống dịch bệnh vì hạn chế tiếp xúc. Anh cho biết, hiện quầy thu ngân hay nhà thuốc nhiều bệnh viện đều có thể quẹt thẻ (tín dụng, thẻ ATM…) nên người đến khám chữa bệnh không lo tìm chỗ rút tiền, giữ tiền mặt. Anh Hữu cho biết thêm, ngay cả việc mua thuốc ở các nhà thuốc hiện nay cũng rất tiện lợi, chỉ cần “alo”. Nếu có kết bạn với Zalo nhà thuốc càng tiện: “Chỉ cần gửi tên thuốc cần mua, nhân viên nhà thuốc sẽ chuẩn bị sẵn để người mua đến lấy là có ngay, thậm chí giao đến tận nhà. Thanh toán thì chuyển khoản, quét mã QR có khi kèm chương trình khuyến mãi, giảm giá…”.

Anh Trần Tuấn An (xã Hòa Phú- Long Hồ) thì cho biết, anh thật sự cảm thấy rất tiện lợi khi mà chị bán tạp hóa, trái cây gần nhà cũng nhận chuyển khoản chớ không cần nhất thiết phải trả tiền mặt. Anh cho biết thêm, trong thời gian phòng chống dịch bệnh COVID-19, gia đình anh tăng cường TTKDTM khi mua hàng hóa, hiện đã thành quen nên rất hạn chế dùng tiền mặt so với trước đây. Tuy nhiên, theo anh, việc sử dụng TTKDTM ở các xã nông thôn chưa phổ biến, nhiều người mua bán nhỏ lẻ không có tài khoản ngân hàng để nhận chuyển khoản.

Ông Nguyễn Văn Lăng- Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, thời gian qua, các cấp, các ngành, đã phối hợp hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… Trong đó có hỗ trợ, triển khai TTKDTM. Theo ông Lăng, nguyên nhân việc TTKDTM ở vùng nông thôn chưa phổ biến là do thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt, khi tiếp cận phương thức thanh toán hiện đại, tâm lý sợ rủi ro bị mất tiền. Dẫn đến việc ứng dụng thanh toán điện tử, thanh toán trực tuyến còn
hạn chế.

Phát triển TTKDTM

Quyết định số 894 ngày 4/5/2022 của UBND tỉnh nhằm phát huy vai trò chủ động, tích cực của các đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1813 của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực về TTKDTM với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện TTKDTM thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn; giảm chi phí liên quan đến tiền mặt. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ TTKDTM, đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Vĩnh Long làm đầu mối chủ trì, phối hợp đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện cung ứng các sản phẩm TTKDTM hiệu quả, chất lượng. Khuyến khích các tổ chức tín dụng trên địa bàn phát triển mạng lưới điểm cung ứng dịch vụ tài chính, mạng lưới ATM, POS về khu vực nông thôn; tạo điều kiện cho các tổ chức không phải ngân hàng có mạng lưới rộng khắp hoặc có địa bàn hoạt động tại khu vực nông thôn triển khai hoạt động đại lý thanh toán (sau khi có quy định về mô hình đại lý thanh toán). Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm, dịch vụ TTKDTM; triển khai công tác truyền thông, giáo dục về các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong TTKDTM, thanh toán điện tử.

Tại hội thảo “Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt” mới đây, bà Winnie Wong- Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam cho biết, điểm mấu chốt để phát triển TTKDTM là phải làm sao duy trì niềm tin của người tiêu dùng vào thanh toán điện tử. Do đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán cần ưu tiên đảm bảo và duy trì an toàn và bảo mật trong mọi giao dịch tài chính điện tử. Điều này yêu cầu sự đồng hành và nỗ lực chung của Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ, ban ngành và các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực.

Theo Quyết định số 894 ngày 4/5/2022 của UBND tỉnh, mục tiêu đến cuối năm 2025 giá trị TTKDTM gấp 20 lần GRDP; TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50%. Bên cạnh, 70- 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; 100% siêu thị, trung tâm mua sắm, các điểm cung cấp hàng hóa, dịch vụ lớn có các điểm chấp nhận TTKDTM; tăng số lượng chấp nhận TTKDTM lên trên 3.000 điểm; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%. Đồng thời, từ 90- 100% cơ sở giáo dục chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức TTKDTM. Từ 90- 100% cơ sở khám, chữa bệnh tại đô thị chấp nhận TTKDTM...

Bài, ảnh: SÔNG HẬU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh