Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả

03:09, 01/09/2022

Thời gian qua, cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đã chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình mới, từng bước ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh được triển khai... đã đem lại thu nhập cao và ổn định cho nông dân.

 

 

Đồng khoai xanh mướt mắt.Ảnh: HÙNG HẬU
Đồng khoai xanh mướt mắt.Ảnh: HÙNG HẬU

Thời gian qua, cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đã chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình mới, từng bước ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh được triển khai... đã đem lại thu nhập cao và ổn định cho nông dân.

Chuyển dịch đúng hướng, hiệu quả

Sản xuất nông nghiệp luôn được xem là mặt trận hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tập trung phát triển chiều sâu, nâng chất lượng đối với các cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, nhìn chung, nông nghiệp có sự chuyển đổi phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong đó, từ đầu năm đến nay, nhiều diện tích đất gieo sạ lúa đã giảm và chuyển sang trồng màu và một số loại cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao. Tại một số địa phương, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây lâu năm có xu hướng ngày càng phát triển, điển hình là phong trào trồng cây cam dưới đất ruộng tăng khá nhất.

Phát triển kinh tế vườn.Ảnh: PHƯƠNG NAM
Phát triển kinh tế vườn.Ảnh: PHƯƠNG NAM

Cùng với ngành nông nghiệp, nhiều địa phương cũng đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, mạnh dạn đưa cây màu xuống ruộng thay thế dần diện tích lúa kém hiệu quả. Cụ thể, tại Mang Thít, ông Hồ Phước Dư- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT cho hay: Huyện đã xây dựng và đề ra kế hoạch thực hiện cụ thể gắn với thế mạnh của địa phương, chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lý, giảm diện tích lúa kém hiệu quả, tăng diện tích màu và cây ăn trái, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương thức canh tác thích hợp với điều kiện của mỗi xã.

Đồng thời, địa phương cũng thực hiện vùng chuyên canh và luân canh các loại màu chủ lực, nâng cao chất lượng gắn với thị trường góp phần tăng giá trị trên cùng diện tích đất canh tác, xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao.

“Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nhiều mô hình nông nghiệp đã đầu tư trước đó được duy trì, nhân rộng và mô hình do dân tự đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế khá tốt. Điển hình như: mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng vịt, mô hình nuôi lươn sinh sản, mô hình trồng nấm bào ngư và sản xuất sản phẩm Snack nấm, mô hình sản xuất khoai mỡ theo hướng VietGAP…”- ông Dư cho hay.

Tại Vũng Liêm, ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT cũng cho hay: Trên tinh thần chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp, nông dân chuyển đổi rất là tốt. Một số vùng tích cực chuyển đổi từ lúa qua cây màu và cây ăn trái. Song song đó, người dân cũng đã thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ giống, cơ giới hóa, quản lý dịch bệnh,…

Không chỉ chú trọng cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị, nông dân cũng quan tâm hơn đến an toàn thực phẩm, áp dụng sản xuất theo GAP. Từ đó tạo ra chuỗi sản xuất hợp lý, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Chuyển đổi mô hình trồng cam trên đất lúa, chú Nguyễn Văn Thành (xã Thới Hòa- Trà Ôn), chia sẻ: “Thời gian đầu không biết kỹ thuật nên sản xuất cam không hiệu quả. Sau đó, tôi được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật, tham gia những buổi hội thảo từ đó rút kết kinh nghiệm cho bản thân và vận dụng vào sản xuất, đem lại hiệu quả khả quan. Tôi cũng ứng dụng máy móc, thiết bị sản xuất tiên tiến hơn thay cho thủ công để tiết kiệm sức lao động, nâng chất và lượng sản phẩm hơn”.

Chuyển sản xuất từ lò gạch sang trồng nhãn, anh Trương Hoàng Phương (xã Nhơn Phú- Mang Thít), cho biết: “Vườn nhãn Ido của tôi đã lắp đặt hệ thống tưới tự động, có đường nước, đê bao riêng, đồng thời áp dụng bón phân hữu cơ. Với cách làm này, trái nhãn Ido ăn ngon, ngọt, an toàn, để lâu và không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”.

Hiện nay, anh Phương còn trồng xen thêm nhãn long tím, thanh nhãn và nhãn xuồng. Anh Phương cho hay: “Kế hoạch dài hạn là làm du lịch. Tôi còn trồng hoa thiên lý, thả nhiều loại cá dưới ao (tai tượng, cá chép, cá hường, cá trắm cỏ) và nuôi thêm ốc bươu đen để phục vụ du khách”- anh Phương chia sẻ.

Hướng đến nông nghiệp bền vững

Có thể thấy, thời gian qua, công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất nông nghiệp đã giúp nông dân thay đổi tư duy, phương thức canh tác. Trong đó, việc chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đã giúp ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả quan trọng, khi giá trị sản xuất trên một đơn vị trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đã tăng gần gấp 3 lần so với trước, ước đạt hơn 323 triệu đồng/ha.

Trong giai đoạn từ năm 1992- 2021, giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản của tỉnh đạt hơn 26.370 tỷ đồng, tăng bình quân 4,59%/năm. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để ngành nông nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả sản xuất, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng đến phát triển bền vững.

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đúng hướng đem lại thu nhập cao và ổn định cho nông dân.
Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đúng hướng đem lại thu nhập cao và ổn định cho nông dân.

Theo đánh giá của ngành chức năng, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa cây màu xuống ruộng theo đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc tăng giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm so với sản xuất lúa thâm canh như trước.

Theo dự báo, sản xuất nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn do tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp; đầu ra các mặt hàng nông sản ngày càng khó khăn do phải cạnh tranh với các mặt hàng nhập khẩu. Vì vậy, người dân cần chủ động hơn, thay đổi tư duy sản xuất, hình thành vùng chuyên canh với quy mô lớn và có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.

Được mùa.Ảnh: THANH SANG
Được mùa.Ảnh: THANH SANG

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, cho biết: Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, nông nghiệp công nghệ cao để góp phần gia tăng giá trị và bảo đảm tính cạnh tranh, bền vững.

Đồng thời, tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất; chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản; thực hiện cải tạo vườn tạp, vườn có hiệu quả kinh tế thấp.

Trong các tháng đầu năm 2022, diện tích lúa Đông Xuân, Hè Thu đã giảm từ 2,2- 9% so với năm trước. Nguyên nhân là do một số vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều ruộng lúa đã chuyển sang trồng màu và cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao. Do đó, ước diện tích trồng cây lâu năm tăng 3,12% so với cùng kỳ (chủ yếu là cam sành, mít, dừa,…).

THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh