Thúc đẩy phát triển tín dụng xanh vùng ĐBSCL

05:08, 25/08/2022

Theo các chuyên gia kinh tế, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang bắt đầu tác động đến khu vực ĐBSCL- vùng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước BĐKH. Trong đó, tình trạng xâm nhập mặn và lũ lụt ngày càng phổ biến, đang có tác động tàn phá đến người dân nơi đây.

Phát triển tài chính xanh nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.
Phát triển tài chính xanh nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.

(VLO) Theo các chuyên gia kinh tế, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang bắt đầu tác động đến khu vực ĐBSCL- vùng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước BĐKH. Trong đó, tình trạng xâm nhập mặn và lũ lụt ngày càng phổ biến, đang có tác động tàn phá đến người dân nơi đây.

Do đó, tài chính xanh có thể giúp ngăn chặn BĐKH bằng cách tài trợ cho các dự án năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo, cũng như hỗ trợ phát triển các công trình xanh. Ngoài ra, ngân hàng xanh có thể giúp nâng cao nhận thức về BĐKH và phát triển bền vững, đồng thời khuyến khích mọi người áp dụng các thực hành thân thiện với môi trường hơn.

Vai trò quan trọng của tín dụng xanh

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân- Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh: Có mối quan hệ chặt chẽ giữa ngân hàng xanh và BĐKH ở ĐBSCL. Mực nước biển dâng cao, lũ lụt gia tăng và các hiện tượng thời tiết cực đoan hơn đều được cho là sẽ có tác động lớn đến khu vực ĐBSCL.

Điều này sẽ tác động trực tiếp đến lĩnh vực ngân hàng, vì các ngân hàng sẽ phải đối mặt với rủi ro gia tăng đối với hoạt động và tài sản của mình. Bằng cách tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ và thúc đẩy các hoạt động ngân hàng bền vững, các ngân hàng có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH.

Ngoài ra, BĐKH sẽ tác động không nhỏ đến nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng ở ĐBSCL. Khi khu vực trở nên dễ bị tổn thương hơn bởi BĐKH, người dân sẽ ngày càng cần được tiếp cận với các dịch vụ tài chính có thể giúp họ đối phó với các tác động của BĐKH.

Điều này sẽ tạo cơ hội mới cho các ngân hàng trong việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

“Do đó, ngân hàng xanh nếu được thực hiện tốt sẽ có tác dụng ngăn chặn các ngành công nghiệp gây ô nhiễm lớn ngay từ khi các dự án mới hình thành, và được xem là một giải pháp hữu hiệu để chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang nền kinh tế xanh ở Việt Nam”- ông Huân cho hay.

Trong khi đó, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Vĩnh Long Lý Nhật Trường cho biết: Tín dụng xanh được hiểu là các tổ chức tín dụng cho vay đối với các nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất kinh doanh mà không gây rủi ro đến môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái chung.

“Theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ về BĐKH COP26 thì đến năm 2050 lượng phát thải ròng của Việt Nam là bằng 0. Vì vậy, ngay từ bây giờ cần hành động quyết liệt hơn, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất và đời sống hướng vào mục tiêu thân thiện với môi trường.

ĐBSCL- vùng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu.
ĐBSCL- vùng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu.

Phát triển xanh, tăng trưởng bền vững, giảm dần sử dụng các nguyên liệu hóa thạch và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong phát triển kinh tế đang là xu thế và hướng đi của nhiều nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển để ứng phó có hiệu quả với những tác động tiêu cực của BĐKH.

Thúc đẩy phát triển tín dụng xanh

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, việc thúc đẩy tăng trưởng xanh của các ngân hàng tại ĐBSCL còn nhiều thách thức do chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của tín dụng xanh trong sự phát triển bền vững của ngân hàng, cũng như chưa có những quy định pháp lý chặt chẽ liên quan tới bảo vệ môi trường.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Long Lý Nhật Trường khuyến nghị: Vĩnh Long là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, công nghiệp chế biến, tỉnh này có tiềm năng bức xạ khoảng 4,67 kWh/m2 ngày, thời gian chiếu sáng bình quân năm đạt 2.550- 2.700 giờ... Do đó, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có liên quan xây dựng các dự án, đề án nhằm để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo nhằm làm cơ sở cho hệ thống ngân hàng đầu tư vốn tín dụng.

Chia sẻ về rủi ro môi trường trong hoạt động tín dụng tại ĐBSCL, ThS. Nguyễn Quốc Bình- Khoa Tài chính Ngân hàng Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh phân hiệu Vĩnh Long cho rằng: Tại ĐBSCL, các hoạt động kinh tế vẫn còn phụ thuộc vào khai thác tài nguyên và sử dụng lao động giá rẻ; chưa có những yếu tố hấp dẫn như năng lực kỹ thuật và môi trường đầu tư tốt để thu hút các dự án công nghệ cao.

Nhiều địa phương hiện nay vẫn chủ yếu đặt các ưu tiên cho phát triển kinh tế ngắn hạn hơn là mục tiêu dài hạn mang tính bền vững gắn với vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

“Thực tế, tín dụng xanh chỉ tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; nước sạch và vệ sinh môi trường; du lịch sinh thái.

Mặt khác, dư nợ tín dụng xanh chỉ tập trung tại một số ngân hàng lớn như Agribank, BIDV, Vietcombank nhưng đối với các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn chưa mạnh dạn đẩy mạnh cho vay, một phần là do lo ngại rủi ro cao”- ông Bình chia sẻ.

Còn theo ông Lý Nhật Trường, cho vay lĩnh vực tín dụng xanh về cơ bản chưa có sự khác biệt với các khoản vay khác của ngân hàng, chưa có cơ chế ưu đãi rõ ràng, trong khi chi phí đầu tư rất lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài, về lãi suất cho vay các dự án xanh chưa có sự khác biệt nhiều so với một số lĩnh vực ưu tiên khác.

Trong khi đó, nhận thức và năng lực của các tổ chức tín dụng trong phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu và còn hạn chế,...

Để thúc đẩy phát triển tín dụng xanh trong thời gian tới, ông Lý Nhật Trường cho rằng: Ngân hàng sẽ chú trọng nâng cao nhận thức về phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh trong ngành ngân hàng, doanh nghiệp và người dân để phối hợp triển khai thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh và tiêu dùng xanh.

Song song đó, cần sự phối hợp của các ngành, các cấp trong việc quy hoạch, phát triển đồng bộ các lĩnh vực nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh, thương mại dịch vụ xanh... tạo nền tảng vững chắc cho tín dụng xanh phát triển.

Đây là vai trò chính của chính quyền địa phương các cấp, căn cứ vào các chính sách của Chính phủ để tham mưu thực hiện quy hoạch, phát triển các dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Trên cơ sở các quy định tín dụng hiện hành, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện cho vay các lĩnh vực tín dụng xanh như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, cho vay tiêu dùng xanh.

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến 30/6/2022, dư nợ tín dụng xanh trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 700 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào 2 lĩnh vực chính là nông nghiệp sạch và năng lượng tái tạo.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh