Thu nhập thêm từ cà na Thái

08:08, 07/08/2022

Không chỉ là loài cây dại mọc ven sông để "giữ mé", ngày nay cà na còn giúp bà con ở cù lao An Bình (Long Hồ) tăng thêm thu nhập.

 

 

 Con đường rợp bóng cà na ở ấp An Thới, xã An Bình.
Con đường rợp bóng cà na ở ấp An Thới, xã An Bình.

Không chỉ là loài cây dại mọc ven sông để “giữ mé”, ngày nay cà na còn giúp bà con ở cù lao An Bình (Long Hồ) tăng thêm thu nhập.

Trên 5 công đất trồng chuyên canh nhãn xuồng, vài năm nay, vợ chồng chị Nguyễn Thị Phượng và anh Nguyễn Thanh Phương ở ấp An Thới (xã An Bình- Long Hồ) trồng thêm hơn 30 gốc cà na Thái. “Hồi trước, cà na dại mọc nhiều ở ven sông chỉ để giữ mé chứ không ai trồng để bán. Sau này, có mấy hộ trong xóm mua về trồng giống cà na Thái cho trái to, thịt nhiều và ít chát. Người ta rủ nhau chiết cành bán, tới giờ thì hầu như nhà nào ở An Thới cũng có trồng cà na, nhiều thì vài chục cây, ít thì cũng 2- 3 cây” - chị Phượng cho biết.

Tuy không phải là cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính, nhưng “giống cà na Thái dễ trồng, không tốn công chăm sóc, trồng khoảng 2 năm có trái. Cà na cho trái quanh năm. Tuy giá trái tươi gần đây có giảm, nhưng nhìn chung vẫn kiếm thêm được chút đỉnh thay vì để đất trống”- chị Phượng chia sẻ.

Hiện nay, giá giống cà na Thái loại chiết nhánh 25.000- 30.000 đ/nhánh, cây con 50.000- 75.000 đ/cây. Giá trái từ 15.000- 20.000 đ/kg, giá này đã giảm gần phân nửa so với trước.

Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp An Thới, chị Phượng không chỉ chia sẻ kinh nghiệm trồng, chiết cành và chăm sóc cây cà na Thái, còn nhiệt tình hướng dẫn chị em trong chi hội cách chế biến cà na để có “đồng vô đồng ra” và thêm tươi ngon, thấm vị. “Nhiều lúc đơn hàng cà na nhiều quá làm không xuể”- chị Phượng nói.

Vị cà na chua chua, chát chát, thêm miếng muối ớt mặn mặn, cay cay thì chỉ có “ghiền”.
Vị cà na chua chua, chát chát, thêm miếng muối ớt mặn mặn, cay cay thì chỉ có “ghiền”.

Các món chế biến từ cà na không chỉ giúp cà na có thêm “đầu ra”, mà còn đáp ứng nhu cầu… ăn vặt được nhiều khách hàng ưa thích, trở thành món tráng miệng không thể thiếu trong đám tiệc ở đất cù lao. Gia công thêm khâu chế biến cho trái cà na đã giúp nhiều nhà vườn tăng thêm nguồn thu nhập đáng kể. Cụ thể, các món cà na đập, cà na ngâm, cà na ngào từ 70.000- 80.000 đ/kg.

“Muốn giữ được sắc- hương- vị đặc trưng của cà na, phụ thuộc rất nhiều vào tài khéo của phụ nữ xứ vườn”- chị Phượng chia sẻ. Cà na sau khi thu hoạch nên chế biến ngay để giữ được màu xanh đẹp mắt. Từng món đòi hỏi khác nhau. Như món cà na đập, ngoài màu sắc xanh tươi còn phải làm sao để trái cà na không bị nát; cà na ngào, cà na ngâm thì vị đặc trưng là chua nhẹ và ngọt nhiều, nên khâu luộc trước khi chế biến rất quan trọng. Bởi luộc chín quá thì cà na sẽ mềm, mất màu; luộc không tới thì còn vị chát sẽ không ngon.

Theo ông Nguyễn Nhựt Tường- cán bộ công tác tại Đảng ủy xã An Bình: Tuy cà na Thái không phải là cây trồng thế mạnh của xã, nhưng cũng mang lại thu nhập thêm cho nhiều hộ dân nhờ trồng xen chôm chôm, nhãn... Nhờ có bộ rễ bám sâu nên cây cà na cũng giữ bờ, giữ bãi.

Bài, ảnh: THẢO TIÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh