Trước tình hình xăng, dầu, gas được điều chỉnh giảm dần thời gian gần đây, giá cả một số mặt hàng cũng bắt đầu "hạ nhiệt" theo. Tuy nhiên, theo ghi nhận, đây chỉ là một số mặt hàng và việc giảm giá cũng rất "dè dặt".
Giá một số mặt hàng đã “hạ nhiệt” so với trước, tuy nhiên vẫn còn ở mức cao. Ảnh minh họa |
(VLO) Trước tình hình xăng, dầu, gas được điều chỉnh giảm dần thời gian gần đây, giá cả một số mặt hàng cũng bắt đầu “hạ nhiệt” theo. Tuy nhiên, theo ghi nhận, đây chỉ là một số mặt hàng và việc giảm giá cũng rất “dè dặt”.
Một số mặt hàng giảm giá
Theo Cục Thống kê, tác động của dịch COVID-19 thời gian qua đã làm cho giá cả các loại nguyên vật liệu đầu vào, giá hàng hóa nhập khẩu đều tăng.
Từ đầu năm đến nay, giá nhiều mặt hàng thực phẩm, rau củ quả tươi sống, trứng gia cầm cũng có xu hướng tăng, một số đồ dùng và trang thiết bị gia đình cũng tăng giá,… Điều này kéo theo làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Tuy nhiên, trong tháng 7/2022, giá xăng, dầu liên tiếp được điều chỉnh giảm với biên độ khá sâu, giá gas giảm nhẹ cũng đã góp phần kiềm chế tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng.
Nếu như tháng 7, giá cả nhiều mặt hàng còn ở mức cao mặc dù giá xăng, dầu đã giảm thì nay, theo ghi nhận, một số mặt hàng đã “giảm nhẹ”. Điều này đã góp phần giảm gánh nặng tiêu dùng của người dân.
Theo cô Đẹp- chủ sạp trứng gia cầm ở chợ Vĩnh Long, giá các mặt hàng hột vịt hiện đã được điều chỉnh giảm từ 5.000- 7.000 đ/chục tùy loại.
“Nếu như tháng trước, giá 1 chục hột loại lớn là 42.000đ thì nay chỉ còn 35.000đ, giá hột nhỏ chỉ còn 32.000đ. Tuy nhiên, giá hột gà vẫn còn ở mức cao do thiếu nguồn cung”- cô Đẹp cho biết.
Trong khi đó, ở mặt hàng thịt heo, theo một chủ sạp ở chợ Vĩnh Long, giá mặt hàng này cũng giảm nhẹ và giữ ổn định từ đầu tháng 8. Theo chủ sạp, các loại thịt như thăn, cốt lết, đùi,… giá giảm nhẹ. Nhưng các loại ba rọi mỡ, xương,… giá giảm mạnh từ 5.000- 10.000 đ/kg.
“Hiện nay, chúng tôi cũng rất mong giá heo hơi giảm xuống để thịt bán ra giá rẻ cho người dùng. Tuy nhiên, một vấn đề hiện nay là lượng heo nuôi trong dân còn rất ít, chủ yếu là nguồn heo từ các trại, các công ty lớn nên giá bán do họ quyết định.
Giảm được phần nào hay phần đó, bởi giờ nhiều mặt hàng đều tăng giá, ảnh hưởng đến đời sống người dân”- chủ sạp này chia sẻ.
Theo khảo sát ở chợ Vĩnh Long, chúng tôi ghi nhận giá một số mặt hàng như cá, dầu ăn, hải sản,… giảm nhẹ từ 5- 8%. Tuy có giảm nhưng hiện nay, giá cả của nhiều mặt hàng vẫn còn rất cao. Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành công điện về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Trong đó, Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Cô Nguyễn Thị Sỹ (Phường 5- TP Vĩnh Long) cho biết, từ khi có dịch COVID-19, gia đình đã tập làm quen với chi tiêu tiết kiệm. Đặc biệt là lúc nhiều loại hàng hóa tăng giá, nhất là khi giá xăng, dầu, gas tăng mạnh. Tuy nhiên, vài ngày trở lại đây, mỗi khi đi chợ cũng được “nhẹ người” vì một số hàng hóa thiết yếu như thịt heo, cá tép, dầu ăn, rau củ,… bắt đầu giảm.
“Không cần giảm nhiều vì hàng hóa cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, người dân chỉ mong hàng hóa được bán đúng giá, đúng chất lượng và không có chuyện hàng hóa tăng kiểu… té nước theo mưa”- cô Sỹ cho biết.
Không để tình trạng giá hàng hóa “neo cao”
Tại buổi tọa đàm “Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm- Thực trạng và giải pháp” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 4/8, ông Cấn Văn Lực- chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm” là do một số mặt hàng chịu tác động của giá xăng dầu, khi điều chỉnh giá giảm cần có thời gian, độ trễ để các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là các đơn vị có mặt hàng chịu tác động trực tiếp đến giá xăng dầu rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá.
Cần quản lý giá và có những giải pháp vĩ mô nhằm “hạ nhiệt” hàng hóa theo cơ chế thị trường. Ảnh minh họa |
Thông thường các doanh nghiệp cũng tính toán rằng là khi giá xăng dầu giảm như vậy và giả sử họ giảm ngay các mặt hàng khác có liên quan thì sau này họ lại sợ rằng là tăng lên lại cực kỳ khó. Ông Lực đồng ý với độ trễ nhưng không thể trễ tới hàng tháng hay vài tháng, mà rõ ràng chỉ sau một vài tuần phù hợp thì cần điều chỉnh ngay.
Để giải quyết vấn đề trên cũng như bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng trong vấn đề bình ổn giá, bà Đinh Thị Nương- Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tăng cường, đẩy mạnh quản lý điều hành giá kịp thời, tránh để xảy ra tình trạng người dân gặp khó khăn, kiến nghị nhiều mà không được xử lý.
Trước việc giá xăng dầu giảm trong thời gian vừa qua và giá một số mặt hàng vẫn neo cao thì Bộ Tài chính đã tham mưu các biện pháp tăng cường quản lý điều hành giá và đã trình Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ giá cả hàng hóa, dịch vụ khi giá xăng dầu giảm trong các kỳ điều hành vừa qua.
Hiện, Bộ Tài chính cũng đã và đang trình Chính phủ phương án điều chỉnh thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu và thuế nhập khẩu đối với xăng động cơ không pha chì nhằm giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu; tăng cường rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu, trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu các đơn vị thực hiện kê khai giá kịp thời để giảm giá.
“Đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chịu ảnh hưởng gián tiếp từ xăng dầu và có tác động đến chỉ số CPI cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người dân và các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả thị trường và tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh của các tổ chức sản xuất kinh doanh để có biện pháp điều hành giá và bình ổn giá phù hợp”- bà Đinh Thị Nương chia sẻ.
Theo Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,17% so với tháng trước; trong đó khu vực thành thị tăng 0,06%, khu vực nông thôn tăng 0,21%. Sau 7 tháng (tức tháng 7/2022 so với tháng 12/2021), CPI tăng 2,62%, cao hơn tốc độ tăng CPI cùng kỳ 0,37 điểm phần trăm. CPI bình quân trong 7 tháng năm 2022 tăng 2,61% so với cùng kỳ, cao hơn 1,13 điểm phần trăm so với số liệu tương ứng của năm 2021. CPI bình quân 7 tháng của 22/32 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng so với cùng kỳ tác động làm tăng CPI chung, trong đó ảnh hưởng lớn là: gas và các loại chất đốt khác tăng 22,91%; nhóm giao thông tăng 18,02%; điện và dịch vụ điện tăng 7,28%; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 2,93%; thuốc hút tăng 2,55%; ăn uống ngoài gia đình tăng 2,48%; hàng hóa và dịch vụ cho cá nhân tăng 2,31%; nhóm nhà ở tăng 2,27%; rượu bia tăng 2,21%; lương thực tăng 1,26%;… |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin