Giá cả tiêu dùng hiện đang ở mức cao gây áp lực lên đời sống người dân. Do đó, công tác quản lý giá cả không chỉ là nhiệm vụ của ngành chức năng, mà còn là sự chung tay của các tổ chức, doanh nhiệp vì lợi ích chung của cả cộng đồng.
Giá nhiều mặt hàng rau đã tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: DUY TIÊN |
Giá cả tiêu dùng hiện đang ở mức cao gây áp lực lên đời sống người dân. Do đó, công tác quản lý giá cả không chỉ là nhiệm vụ của ngành chức năng, mà còn là sự chung tay của các tổ chức, doanh nhiệp vì lợi ích chung của cả cộng đồng.
Giá nhiều mặt hàng tăng mạnh
Theo nhận xét của một số tiểu thương tại chợ Long Châu (Phường 4, TP Vĩnh Long), giá nhiều loại rau củ quả đang ở mức cao, tăng từ 1.000- 5.000 đ/kg. Hiện nay, giá rau thơm các loại khoảng 30.000- 35.000 đ/kg, hẹ 15.000- 17.000 đ/kg, đậu cove có giá 18.000 đ/kg, khổ qua 16.000- 17.000 đ/kg, dưa leo, bí, bầu có giá 15.000 đ/kg. Trong khi đó, giá mướp được thương lái thu mua tại vườn ở mức 10.000 đ/kg và bán lẻ tại chợ 15.000 đ/kg… Theo các tiểu thương, giá rau tăng cao trong thời gian qua là do chi phí sản xuất tăng và điều kiện thời tiết thất thường đã ảnh hưởng đến năng suất.
Ngoài ra, các loại thủy- hải sản khác cũng tăng cao do ảnh hưởng chi phí vận chuyển, kho bãi, bảo quản. Một số mặt hàng như tôm, cá tra, mực, các mặt hàng gà đông lạnh,... cũng đã tăng 5.000- 10.000 đ/kg tùy loại. Đặc biệt, giá thịt heo tăng 20.000- 30.000 đ/kg. Theo chị Phượng, chủ một tiệm hủ tiếu trên đường Nguyễn Thị Út (Phường 1, TP Vĩnh Long), giá thịt heo tăng, các mặt hàng rau cũng tăng nên giá tô hủ tiếu cũng… tăng theo. “Hiện giá bán đã tăng khoảng 5.000đ, nhiều khách hàng cũng tỏ ra khó chịu nhưng biết làm sao được, không tăng thì không có lời. Phải tăng theo giá cả chung của thị trường”- chị Phượng cho biết.
Khoảng 3 tháng nay, do ảnh hưởng của nhiều mặt hàng theo chiều hướng tăng, cô Chín Gạch (xã Đồng Phú, huyện Long Hồ) cũng đã tăng giá đặt bàn tiệc. Nếu như lúc trước giá trung bình mỗi bàn khoảng 1,4 triệu đồng thì nay phải tăng lên 1,6- 1,8 triệu đồng. Nhưng đó là tình hình chung, chớ “đâu phải mình muốn tăng là tăng”- cô Chín Gạch phân trần.
Tuy gần tháng nay, giá các mặt hàng xăng, dầu, gas được điều chỉnh theo xu hướng giảm nhưng theo tìm hiểu, giá các mặt hàng tiêu dùng vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Điều này cho thấy sự bất công đối với người tiêu dùng khi “cái cớ tăng giá theo xăng, dầu, gas không còn phù hợp” bởi các mặt hàng này đã được điều chỉnh giảm.
Thể hiện trách nhiệm cộng đồng
Theo một chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh thực phẩm, xăng dầu hạ nhiệt là tín hiệu tích cực để giảm đà tăng của giá cả hàng hóa trên thị trường. Tuy nhiên, giá sẽ khó giảm bởi mỗi sản phẩm bao gồm nhiều chi phí. Trong đó, chi phí vận chuyển chiếm khoảng 15- 20% giá thành. Trong khi đó, theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh- Giảng viên Học viện Tài chính, giá xăng dầu giảm sẽ giúp giảm bớt gánh nặng chi phí, chi tiêu cho doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, giá hàng hóa giảm ngay sau khi điều chỉnh giá xăng dầu là điều khó xảy ra do thị trường phải có “độ trễ” nhất định.
Hàng hóa tăng giá tạo thêm nhiều áp lực cho người dân lao động nghèo. Ảnh: LÝ AN |
Ông Lê Thanh Thống- Phó Trưởng Ban Quản lý Chợ Vĩnh Long chia sẻ, hiện đơn vị chỉ quản lý về giá cả mà các tiểu thương có niêm yết. Có thể thấy, thời gian qua, giá cả nhiều mặt hàng tăng mạnh và chưa có dấu hiệu giảm theo giá xăng dầu, nhiên- nguyên liệu đầu vào. “Muốn quản lý giá một cách công bằng và chính xác cần có sự chung tay của cơ quan quản lý thị trường và sự hợp tác của người kinh doanh”- ông Thống chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, để giá cả không “tăng nhanh, giảm chậm” thì trước hết rất cần trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh, cùng chia sẻ gánh nặng với cộng đồng, người tiêu dùng. Đặc biệt là các cơ quan chức năng liên quan phải vào cuộc, sử dụng tối đa các công cụ nhằm quản lý, kiểm soát để “độ trễ” của quá trình giảm giá được nhanh hơn. Đồng thời có giải pháp bình ổn giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, vật tư xây dựng, chi phí vận tải, nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp…
Tại cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 7 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Quang Trung cũng chỉ đạo cần tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, nguyên liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo cung cầu hàng hóa. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm đối với các hành vi đầu cơ, găm hàng, gian lận thương mại.
Theo Cục Thống kê, từ đầu năm đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,62%, cao hơn tốc độ tăng CPI cùng kỳ 0,37 điểm phần trăm. CPI bình quân 7 tháng của 22/32 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng so với cùng kỳ tác động làm tăng CPI chung, trong đó ảnh hưởng lớn là: gas và các loại chất đốt khác tăng 22,91%; nhóm giao thông tăng 18,02%; điện và dịch vụ điện tăng 7,28%; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 2,93%; thuốc hút tăng 2,55%; ăn uống ngoài gia đình tăng 2,48%; hàng hóa và dịch vụ cho cá nhân tăng 2,31%; nhóm nhà ở tăng 2,27%; lương thực tăng 1,26%;… |
KHÁNH DUY- THẢO TIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin