Giải pháp cứng hay mềm?

10:08, 12/08/2022

Thời gian qua, giá xăng dầu trong nước đã giảm khá sâu do giá xăng dầu thế giới giảm và Việt Nam tiến hành cắt giảm các loại phí, thuế. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn cao.

(VLO) Thời gian qua, giá xăng dầu trong nước đã giảm khá sâu do giá xăng dầu thế giới giảm và Việt Nam tiến hành cắt giảm các loại phí, thuế. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn cao.

Người tiêu dùng đang nóng lòng, thậm chí là “cảm thấy phi lý”, bởi khi giá xăng lên mức trên 30.000 đ/lít thì nhiều loại hàng hóa, dịch vụ ăn uống đồng loạt tăng giá theo; nhưng khi giá xăng đã nhiều lần giảm thì giá nhiều mặt hàng vẫn “đủng đỉnh trên cao”.

Lấy ví dụ, giá một gói xôi từ 5.000đ đã tăng lên 7.000- 10.000đ; tô phở, hủ tiếu, cháo lòng,… tăng từ 2.000- 5.000 đ/tô khi giá xăng tăng, nhưng hiện nay vẫn không có dấu hiệu giảm theo giá xăng.

Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh cho rằng khi họ mua hàng đầu vào thì mua với giá cao, bây giờ họ phải bán hết số hàng đó với giá cao và nhập hàng mới về thì mới bán giá thấp được, còn nếu giảm ngay theo giá xăng dầu thì sẽ chịu thua lỗ. Đồng ý doanh nghiệp cần có “độ trễ” trong điều chỉnh giá cả phù hợp với giảm giá xăng dầu.

Tuy nhiên “độ trễ” này, theo các chuyên gia kinh tế, chỉ nên kéo dài từ 1- 2 tuần, nhiều là 3 tuần, còn nếu kéo dài hơn nữa là rất phi lý và phải được các cơ quan có trách nhiệm xem xét, xử lý. Ví dụ, giao thông vận tải là ngành có ảnh hưởng và tác động gián tiếp đến giá hàng hóa, vì xăng dầu chiếm 30- 35% trong vận tải.

Cho nên, ngành này phải trở thành “đầu tàu” giảm giá sớm, kê khai giá nhanh, nếu để độ trễ quá lâu thì rất khó chấp nhận. Còn đối với các loại hàng hóa khác, qua quan sát trên thị trường trong vòng 10 ngày qua cho thấy cũng đã thấy dầu ăn, đường, thịt… giảm giá. Nhưng giảm có tương xứng hay không thì lại là câu chuyện khác.

Để kiểm soát giá cả hàng hóa, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, trong đó đã giao Bộ Công Thương đẩy mạnh theo dõi sát diễn biến thị trường, thực hiện đảm bảo cân đối cung- cầu.

Trong bối cảnh đó, ngày 4/8 Bộ Công Thương đã có công văn chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường và quản lý thị trường các địa phương tăng cường công tác giám sát quản lý thị trường.

Chỉ thị của Bộ Công Thương nêu rất rõ, đó là phải kiểm soát giá, niêm yết giá, không lợi dụng thời cơ này để bán trội giá. Đặc biệt, những đơn vị bị tác động từ giá xăng, dầu tăng cao đã điều chỉnh giá bây giờ phải giảm theo tiến độ giá.

LÝ AN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh