"Sắm máy thổi đi làm thuê, tạo sự nghiệp"

03:07, 21/07/2022

Đó là chia sẻ của chị Thạch Thị Li Na (SN 1979) ở ấp Sóc Ruộng (xã Tân Mỹ- Trà Ôn). Từ chiếc "máy thổi" ban đầu, hiện vợ chồng chị Li Na có trong tay hàng chục công đất, làm nông cho lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm.

Đó là chia sẻ của chị Thạch Thị Li Na (SN 1979) ở ấp Sóc Ruộng (xã Tân Mỹ- Trà Ôn). Từ chiếc “máy thổi” ban đầu, hiện vợ chồng chị Li Na có trong tay hàng chục công đất, làm nông cho lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm.

Chị Li Na cho rằng, làm nông cần có sự nghiên cứu, tìm tòi và cần phải biết tính toán.
Chị Li Na cho rằng, làm nông cần có sự nghiên cứu, tìm tòi và cần phải biết tính toán.

Chị Li Na cho biết, Sóc Ruộng là ấp có nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, là một xã vùng sâu nên đời sống của người dân trước đây còn gặp nhiều khó khăn. Bản thân chị cũng “gặp nhiều khó khăn, vất vả nên cố gắng để vươn lên”.

Chị Li Na chia sẻ: “Hồi lúc đám cưới, vợ chồng tôi được cha mẹ cho mấy chục triệu và bán vàng cưới để sắm một máy thổi (máy suốt lúa nhỏ) để đi làm thuê”. Chồng chị miệt mài đi suốt lúa đồng này sang đồng khác. Chị vừa quán xuyến việc nhà, mua bán nhỏ, “lặn lội” đem cơm cho chồng… Vừa làm vừa cải tiến máy móc, vừa nghiên cứu, linh hoạt áp dụng các cách làm nông hiệu quả. Tích lũy được một số vốn, anh chị mua thêm một máy trục đất, dần dần mua 12 công đất trồng lúa. Qua thời gian, nhận thấy trồng sen cho hiệu quả kinh tế cao nên chuyển từ lúa sang trồng 10 công sen. “Tâm huyết với nghề nông và vì làm có hiệu quả, gia đình quyết định chọn nghề nông để phát triển kinh tế”- chị Li Na bộc bạch.

Sau đó, chị tiếp tục mua thêm được 5 công ruộng và 1 máy xới đất nhỏ, 1 máy cày “để cày đất nhà và cày đất bà con xung quanh”. Với 20 công đất (mua 17 công, cha mẹ cho thêm 3 công) và nhiều máy móc, vợ chồng chị Li Na tất bật không ngơi tay. Tuy nhiên, tùy từng thời điểm, anh chị còn mở rộng chăn nuôi bò, gà và vịt xiêm để tăng thu nhập. Hiện có 4 công đất chuyển sang trồng màu, chị tâm đắc cho biết, vừa qua, trồng xen dưa leo và mướp cho hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận khoảng hơn 250 triệu đồng/năm.

Chị Li Na chia sẻ: “Khó khăn là lúc hai con còn nhỏ, lúc đó vợ chồng bảo ban nhau quyết tâm cùng nhau vượt khó”. Nhờ chí thú làm ăn và biết tính toán, lợi nhuận làm ra tăng từng năm: Năm 2017 lợi nhuận hơn 700 triệu đồng, năm 2018 hơn 800 triệu đồng, năm 2019 gần 1 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2020 và 2021 dù nhiều hoạt động đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID- 19 nhưng lợi nhuận “cán mốc” hơn 1 tỷ đồng. Gia đình chị còn tạo việc làm thường xuyên cho lao động tại địa phương và giới thiệu việc làm hơn 55 lao động, cho thu nhập từ 2.000.000- 4.000.000 đ/tháng.

Hăng say lao động, vươn lên với nghề nông, nhiều năm nay, chị Li Na còn tích cực tham gia công tác ở ấp như: tham gia tổ y tế, dân số, trẻ em, kế hoạch hóa gia đình và Ban Thường vụ Hội Nông dân xã nhiệm kỳ 2012- 2017 đến nay. Tháng 2/2014, chị kiêm thêm Chi hội trưởng Hội Khuyến học, đến năm 2019 kiêm Chi hội trưởng Hội Phụ nữ, Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản, đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2021- 2026. Dù luôn tất bật, chị phấn đấu hết mình hoàn thành tốt các mặt công tác nên nhận nhiều giấy khen, bằng khen…

Vừa chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị vừa nuôi dạy 2 con chăm ngoan. Nhắc đến các con, chị Na vui vẻ cho biết: Con gái lớn là học sinh giỏi 12 năm liền, đang học ở Học viện An ninh Nhân dân (Hà Nội), con gái thứ 2 đang học lớp 10, vừa đạt học sinh giỏi nhất lớp.

Chị Li Na bên rẫy dưa leo cho lợi nhuận cao hàng năm.
Chị Li Na bên rẫy dưa leo cho lợi nhuận cao hàng năm.

Hôm chúng tôi đến, chị Li Na đang đi thăm đồng. Quệt mồ hôi nhễ nhại, chị cười tươi chia sẻ: đối với nghề nông, bên cạnh cần cù, siêng năng, cần luôn tìm tòi học hỏi và phải biết tính toán. “Trồng cây gì, nuôi con gì đều phải có sự nghiên cứu, không vội vã chạy theo phong trào, thấy mô hình hay thì cần học hỏi, đến tận nơi chia sẻ kinh nghiệm. Tích lũy được tiền thì không vội mua sắm trang hoàng mà cần tính toán mua thêm máy móc, phương tiện để… hái ra tiền, cho lợi nhuận”. Cũng theo chị Li Na, một khi vận dụng kiến thức, cách làm nông thì cũng phải khoa học và sao cho hiệu quả. Đạt được kết quả tốt thì đó là động lực thúc đẩy để gia đình mình tiếp tục cố gắng, làm gương cho con cháu trong nhà và tiếp thêm động lực, tích cực hỗ trợ cho bà con xóm giềng cùng phấn đấu vươn lên.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh