Trong những tháng đầu năm, tình hình giá cả nhiều hàng hóa có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ đã góp phần kiềm chế tốc độ tăng trưởng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Tuy nhiên, trong những tháng còn lại của năm 2022, sẽ có nhiều biến động và nỗi lo giá cả tăng mạnh, khó kiềm chế.
Trong những tháng đầu năm, tình hình giá cả nhiều hàng hóa có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ đã góp phần kiềm chế tốc độ tăng trưởng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Tuy nhiên, trong những tháng còn lại của năm 2022, sẽ có nhiều biến động và nỗi lo giá cả tăng mạnh, khó kiềm chế.
Trong những tháng đầu năm, nhiều giải pháp đồng bộ góp phần bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế- xã hội.Ảnh minh họa |
Nhiều mặt hàng có xu hướng tăng giá
Mặc dù nguồn cung gạo trong nước dồi dào do các địa phương đã và đang bước vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu nhưng giá gạo đang có xu hướng tăng. Nguyên nhân giá gạo trong nước tăng là do giá gạo xuất khẩu tăng và giá vật tư phân bón, nguyên liệu đầu vào sản xuất đang ở mức cao.
Anh Trần Long Đỉnh- chủ cửa hàng chuyên cung cấp phân bón hữu cơ (xã Chánh An- Mang Thít) cho biết, giá phân bón tại cửa hàng đã qua 4 lần điều chỉnh giá. Dù đã cố gắng duy trì giá phân ở mức bình ổn so với thị trường nhưng giá phân bón trong tháng 6 vẫn còn cao hơn 10% so với các tháng trước.
Qua tìm hiểu tại một số cửa hàng gạo, giá gạo tẻ thường dao động từ 12.200-14.500 đ/kg; gạo thơm Jasmine 15.000- 16.000 đ/kg; gạo Hương Lài 19.000 đ/kg; gạo Sóc thường 14.000 đ/kg; gạo thơm Thái 18.000- 19.000 đ/kg; gạo Nàng Hoa 17.500 đ/kg; gạo thơm Đài Loan 20.000 đ/kg;... Giá này theo các chủ cửa hàng đã tăng nhẹ so với những tháng trước đó và cho biết có khả năng sẽ còn tăng thêm.
Chị Đoàn Thị Bích Thủy- chủ cửa hàng kinh doanh gạo ở Phường 4 (TP Vĩnh Long) chia sẻ, tuy những ngày gần đây giá gạo các loại dao động liên tục tăng biến động, trung bình 100- 200 đ/kg. Tuy nhiên, đây là mặt hàng lương thực thiết yếu nên khách vẫn đến mua đều nhưng cũng chọn một số loại gạo có giá rẻ hơn thường ngày. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên lượng mua cũng giảm đi thấy rõ.
Tại chợ Vĩnh Long, giá vịt nuôi tại vườn các loại phổ biến khoảng 60.000- 70.000 đ/kg, giá gà tầm khoảng 100.000- 110.000 đ/kg... Giá này đã tăng khoảng 5.000- 10.000 đ/kg so với vài tháng trước. “Giá trứng gia cầm tuy đã bình ổn hơn so với thời gian trước nhưng vẫn còn ở mức khá cao, cụ thể giá trứng vịt dao động khoảng 38.000- 40.000 đ/chục, trứng gà từ 30.000- 35.000 đ/chục tùy loại, tùy cỡ”- chủ tiệm hột cô Phương tại chợ Vĩnh Long cho biết.
Anh Nguyễn Minh Vũ (ở Phường 4- TP Vĩnh Long) lao động tự do với thu nhập không ổn định nên rất lo ngại về giá các loại thực phẩm có xu hướng tăng từng ngày. “Bình thường nếu có ai thuê phụ hồ thì tui kiếm được khoảng 200.000 đ/ngày, nhưng nếu không có việc gì làm thì thu nhập chỉ còn dựa vào đồng lương phụ quán của vợ. Nhìn chung trong những năm qua, đồng lương không thấy tăng nhưng giờ ra chợ, cái gì cũng tăng chóng mặt, chắc chắn phải thắt lưng buộc bụng”- anh Vũ chia sẻ.
Là người kinh doanh bánh ngọt, chị Ngô Nguyễn Phượng Anh (Phường 1- TP Vĩnh Long) cũng không khỏi lo lắng trước tình hình tăng giá của một số nguyên liệu đầu vào như bột mì, trứng gà, bơ, sữa các loại.
“Vì đa số nguyên liệu làm bánh được chị mua sỉ nên dù giá nguyên liệu có tăng thì giá bánh của chị cũng không thay đổi nhiều. Nhưng riêng bột và trứng tăng thì chị lời ít hơn một chút. Còn nếu tình hình giá nguyên, nhiên liệu cứ tăng hoài thì chị cũng phải tăng giá cho các loại bánh để đảm bảo chất lượng”- chị Phượng Anh cho biết.
Cần hạ nhiệt thị trường
Theo Bộ Công Thương, đến nay, mặt bằng giá trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm khá lớn. Vì diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh phức tạp gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là giá xăng dầu tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân. Vậy nên công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt nhằm bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng CPI bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế- xã hội. Trong đó, các chính sách được ban hành kịp thời giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá.
Theo PGS.TS. Nguyễn Bá Minh- Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, dự báo trong 6 tháng cuối năm, thị trường, giá cả ở Việt Nam có những nhân tố làm tăng CPI như: Giá nhiều loại nguyên liệu, nhiên vật liệu, đặc biệt là giá xăng dầu, khí đốt, phân bón... Điều này dẫn tới chi phí sản xuất hàng hóa sẽ tăng theo và gây áp lực làm tăng giá của hầu hết các hàng hóa trên thị trường. Trong khi diễn biến COVID-19 trong nước còn diễn biến phức tạp, một số nguyên nhân khách quan sẽ ảnh hưởng rất lớn các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung- cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS. Nguyễn Bá Minh, những tháng cuối năm, giá cả ở Việt Nam cũng sẽ có những nhân tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI. Đặc biệt là cả hệ thống chính trị luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát...
Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. CPI tháng 6 tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, CPI của nhóm lương thực, thực phẩm tháng 6/2022 tăng lần lượt 0,16% và 0,98% so với tháng trước. Trong những tháng qua, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh với biên độ khá cao, đã tác động đến giá cả nhiều hàng hóa và dịch vụ góp phần làm tăng CPI. |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY- THẢO TIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin