Nâng cao giá trị nông sản từ việc chuyển hướng tư duy sang kinh tế nông nghiệp

05:07, 05/07/2022

Sản xuất manh mún, quy mô nhỏ lẻ, thiếu thông tin thị trường, thiếu liên kết,… khiến nhiều nông sản liên tục rơi vào thế khó, bí đầu ra khi vào mùa thu hoạch. Trong khi đó, công nghệ xử lý, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch còn yếu, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

(VLO) Sản xuất manh mún, quy mô nhỏ lẻ, thiếu thông tin thị trường, thiếu liên kết,… khiến nhiều nông sản liên tục rơi vào thế khó, bí đầu ra khi vào mùa thu hoạch. Trong khi đó, công nghệ xử lý, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch còn yếu, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Để nâng cao giá trị nông sản đòi hỏi phải tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn” bằng các giải pháp tổng thể, đồng bộ. Song song đó, việc thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; tập trung sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng cũng như chất lượng sản phẩm là hướng đi tất yếu.

Kỳ 1: Từ chuyện bỏ vụ khoai, lơi vụ lúa, đốn vườn xoài

Chế biến khoai lang tại Công ty TNHH Đông Phát Food. Ảnh: TRẦN PHƯỚC
Chế biến khoai lang tại Công ty TNHH Đông Phát Food. Ảnh: TRẦN PHƯỚC

Ngoài nỗi lo chi phí đầu vào tăng mạnh, nông dân hiện nay còn đang trong tình cảnh khó chồng khó khi nhiều loại nông sản như khoai lang, mít, xoài, lúa,… liên tục gặp khó đầu ra, lại thêm rớt giá sâu.

“Giận khoai”- ồ ạt lên liếp làm vườn

Thua lỗ, thậm chí nợ nần, nhiều nông dân ở “thủ phủ khoai lang” Bình Tân “giận khoai”, bỏ ruộng khoai, tính chuyện lên liếp trồng cây ăn trái với hy vọng “gỡ mùa sau”.

Thua lỗ gần 100 triệu đồng do khoai lang, chị Trần Thị Kim Chi (xã Tân Thành- Bình Tân), tâm tình: “Năm rồi tôi trồng 10 công khoai lang tím Nhật mà bán với giá rẻ bèo, chỉ 1.000- 1.100 đ/kg, lỗ 9- 10 triệu đồng/công. Nản quá nên đầu năm nay tôi lên liếp chuyển qua trồng mít Thái.

Ban đầu đã đầu tư vô gần 100 triệu đồng, chẳng biết sau này có ăn không nhưng tôi cũng trồng đại, tới đâu thì tính tới đó”.

Cũng vừa lên liếp 30 công khoai để trồng sầu riêng, chú Lê Văn Tư (xã Tân Thành), cho biết: “Tôi trồng khoai nhiều năm nay mà chưa thấy khi nào khoai lỗ liên tiếp như vậy, nản quá, tôi bỏ khoai lên liếp trồng sầu riêng”.

Thua lỗ liên tiếp cũng khiến ông Sơn Văn Luận- Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thanh Ngọc (xã Thành Trung, Bình Tân) nản khoai lang. Ông Luận cho hay, từ năm 2016- 2019, HTX có trên 200ha trồng khoai lang tím. Từ năm 2019 đến nay, diện tích trồng khoai giảm dần và hiện chỉ còn 2ha.

“Khoảng 2 năm nay khoai lang tím Nhật liên tục rớt giá, có thời điểm từ 1.500- 1.800 đ/kg, hiện giá khoai chỉ 120.000- 150.000 đ/tạ 60kg, với mức giá này không đủ để thuê người thu hoạch, còn chi phí đầu tư coi như mất trắng.

Vùng này trước đây toàn trồng khoai lang tím, nhưng giờ đã giảm hơn 90% diện tích. Nguyên nhân là do phía Trung Quốc không mua, khoai lang tím hiện chủ yếu tiêu thụ trong nước.

Giờ trong HTX chỉ còn tôi trồng khoai lang, nhưng đến thời điểm thu hoạch rồi mà không ai mua, còn để khoai ngoài đồng vì nếu dỡ khoai thì tốn thêm tiền công 2 triệu đồng/công, còn lỗ nặng thêm”- ông Luận chia sẻ.

Ông Lê Duy Minh- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, cho hay: Từ đầu năm đến nay, diện tích trồng khoai lang ở xã chuyển sang lên vườn để trồng cây ăn trái khoảng 6,6ha.

Đất ở Tân Thành được quy hoạch vùng khoai lang, song hiện nay đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh, nông dân đầu tư thua lỗ.

Từ đó, nông dân không còn mặn mà đầu tư trồng khoai lang nữa, mà lên vườn để trồng các loại cây ăn trái khác như mít Thái, ổi, sầu riêng, chanh,… nhưng chỉ là tự phát thôi! Với tình hình này, diện tích lập vườn trồng cây ăn trái dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tại xã Thành Trung, diện tích bỏ khoai lên vườn cũng tăng mạnh. Ông Bùi Thanh Việt- Chủ tịch UBND xã Thành Trung, cho biết: Diện tích trồng cây ăn trái của xã hiện tại trên 230ha, trong đó, đầu năm đến giờ nông dân chuyển đổi trên 120ha.

Nguyên nhân khiến nông dân bỏ khoai lên vườn là do giá khoai lang xuống thấp, trong khi giá cả vật tư lại tăng cao, không dám đầu tư vào cây màu.

Lơi vụ lúa, đốn vườn xoài

Nhiều ruộng khoai lang tại Bình Tân đã được lên liếp trồng cây ăn trái.
Nhiều ruộng khoai lang tại Bình Tân đã được lên liếp trồng cây ăn trái.

Không chỉ riêng nông dân trồng khoai bị thiệt hại nặng mà chi phí sản xuất tăng cao, nhất là giá phân bón tăng mạnh cũng đã khiến nhiều nông dân e dè sản xuất vụ lúa Hè Thu.

Không ít nông dân quyết định lơi vụ để tiết kiệm chi phí sản xuất, tránh rủi ro. Bởi vào vụ lúa này, thời tiết bất lợi do mưa gió, lúa đổ ngã, dịch bệnh nhiều... làm cho năng suất, chất lượng lúa thấp, lợi nhuận giảm sâu.

Huyện Bình Tân (Vĩnh Long) có vùng chuyên canh khoai lang nhất ĐBSCL, với diện tích sản xuất hàng năm trên 10.000ha, chủ yếu trồng giống khoai lang tím Nhật. Tuy nhiên, trong năm vừa qua, tình hình xuất khẩu mặt hàng này gặp nhiều khó khăn, khiến đầu ra hạn chế, giá cả giảm thấp. Vì vậy, nhiều diện tích trồng khoai lang trước đây được nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây khác, nhất là cây ăn trái lâu năm. Theo nhiều nông dân trồng khoai lang, từ năm 2021, giá khoai lang tím Nhật đã giảm sâu, có thời điểm chỉ còn từ 1.000- 1.500 đ/kg.

Chú Trịnh Văn Châu (xã Bình Phước- Mang Thít), cho hay: “Bỏ vụ lúa Hè Thu thì đất được nghỉ một thời gian, vụ sau sẽ giảm được lượng phân bón cho lúa; lợi nhuận vụ Hè Thu cũng chỉ tương đương với chi phí phân bón tiết kiệm được ở vụ sau, nên tôi quyết định không xuống giống vụ lúa này”.

Vài tháng gần đây, nông dân trồng mít Thái, xoài Đài Loan cũng khốn đốn bởi xoài rớt giá thảm, không có thương lái đến mua.

Anh Nguyễn Văn Bình (xã Trung Chánh, Vũng Liêm) cho hay: “Xoài rớt giá quá lại không ai mua, tự hái bán thì lỗ thêm tiền công, tiền vận chuyển nên tôi đốn bỏ, trồng cây khác”.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, nông dân sản xuất chủ yếu là theo kinh nghiệm truyền thống nên năng suất và chất lượng không đạt, dẫn đến giá thành sản xuất cao, khó cạnh tranh với các loại trái cây ngoại nhập, ngay cả trên sân nhà.

Chưa kể việc thiếu thông tin thị trường khiến nông sản thường xuyên rơi vào cảnh “được mùa mất giá”.

Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Liêm cho hay: Hiện nay sản xuất nông sản Vĩnh Long phần lớn còn nhỏ lẻ, rời rạc, thiếu tập trung và chưa có sự gắn kết để hình thành vùng nguyên liệu phục vụ cho khâu tiêu thụ dễ dàng.

Nhất là chưa có sự tham gia liên kết “bốn nhà” trong việc trồng, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại... nên tiêu thụ sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Đối với vấn đề giá cả nông sản, hiện nay, tuân thủ theo quy luật thị trường nên không thể quyết định giá cả đầu ra để tăng lợi nhuận, do đó cần phải liên kết lại với nhau hình thành HTX để mua được vật tư đầu vào với giá rẻ hơn, từ đó có thể tăng lợi nhuận từ việc tiết kiệm chi phí đầu vào.

Bên cạnh đó, nhà sản xuất nông nghiệp cũng cần chú trọng đến khâu chế biến sản phẩm. Đây là một trong những giải pháp để nâng cao giá trị nông sản.

* Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan: Đừng nghĩ thị trường là chợ, cứ đem ra bán thì có người mua

Chúng ta không để cảnh lúa chín vàng trên cánh đồng hay xoài, cam chín rộ rồi mới tìm thị trường, mà trước khi bắt đầu vụ đã cân đối, tìm kiếm thị trường kết nối. Chúng ta cần thông tin tới một hệ thống phân phối là các doanh nghiệp thu mua để phục vụ trong nước và xuất khẩu, cần thông tin trước để họ có thời gian chuẩn bị vốn liếng, kho bãi, hậu cần, thị trường. Đừng nghĩ thị trường là chợ, cứ đem ra bán thì có người mua.

Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng đang đứng trước 3 “chữ biến” là biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. Tương lai không xa, sản phẩm nông sản Việt Nam không chỉ phải đáp ứng kiểm dịch an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mà còn phải được dán nhãn sinh thái, và đây mới là khó khăn. Nông sản không chỉ phải ăn ngon, sạch mà phải được sản xuất theo quy trình không gây tác động xấu tới môi trường tự nhiên.

* Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT: Xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch gặp nhiều khó khăn, diện tích khoai lang sụt giảm nghiêm trọng

Giá khoai lang khoảng 2 năm trở lại đây sụt giảm ở mức thấp. Do hiện nay khoai lang chưa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và thủ tục vẫn còn kéo dài. Việc xuất khẩu tiểu ngạch cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, diện tích sản xuất khoai lang trong năm 2021 và đặc biệt là năm 2022 sụt giảm rất nghiêm trọng. Nếu so với trung bình nhiều năm, thì 1 năm có thể trồng từ 13.000- 14.000ha, nhưng năm nay trồng chỉ khoảng 1.000- 2.000ha. Với diện tích không trồng khoai lang, nông dân đã tự tìm cách chuyển đổi, trong đó, có một số diện tích chuyển sang trồng cây ăn trái. Đây là những diện tích trồng không đúng quy hoạch trong nông nghiệp, vì đây là vùng chuyên canh khoai lang. Tình trạng này kéo dài sẽ gây khó khăn cho việc quy hoạch vùng sản xuất, định hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới.

>>Kỳ 2: Chế biến sâu, đáp ứng đa dạng nhu cầu thị trường

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh