Để phát triển bền vững chuỗi giá trị trái cây

07:07, 13/07/2022

Thời gian qua, việc cơ cấu lại sản xuất lĩnh vực trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị được người dân chú trọng; nhiều địa phương đã có chuyển dịch mạnh từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, việc phát triển chuỗi giá trị trái cây của tỉnh còn yếu. Vậy, cần làm gì để phát triển bền vững?

 

Vĩnh Long có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển chuỗi giá trị trái cây.
Vĩnh Long có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển chuỗi giá trị trái cây.

Thời gian qua, việc cơ cấu lại sản xuất lĩnh vực trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị được người dân chú trọng; nhiều địa phương đã có chuyển dịch mạnh từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, việc phát triển chuỗi giá trị trái cây của tỉnh còn yếu. Vậy, cần làm gì để phát triển bền vững?

Lắm tiềm năng nhưng còn nhiều hạn chế

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh, thời gian qua, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển
bền vững. Trong đó, việc sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, an toàn thực phẩm cũng ngày càng được quan tâm và diện tích áp dụng ngày càng gia tăng, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Nông dân cũng chủ động thực hiện cải tạo vườn tạp, vườn có hiệu quả kinh tế thấp.

Trong các tháng đầu năm, tình hình dịch hại trên cây trồng với mật số và tỷ lệ thấp và được nông dân phòng trị kịp thời nên các vườn cây ăn trái vẫn tiếp tục phát triển tốt. Một số địa phương thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây lâu năm có hướng ngày càng phát triển. Điển hình là phong trào trồng cây cam dưới đất ruộng tăng khá nhất, qua đó góp phần tăng diện tích và sản lượng cây lâu năm nhất là cây ăn trái tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.

Ông Hồ Phước Dư- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít, cho hay: Từ đầu năm đến nay, công tác bảo vệ thực vật luôn được chủ động, ngành đã tăng cường chuyển giao các biện pháp kỹ thuật, phòng trị sâu bệnh kịp thời. Trong đó, việc chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trong các mô hình, dự án đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, cho biết: Bên cạnh phong trào trồng cây cam dưới đất ruộng phát triển mạnh nhất, thì cây mít cũng là cây đang có tốc độ tăng khá mạnh. Nhìn chung, phong trào trồng cây lâu năm trên toàn tỉnh đang có xu hướng phát triển nâng cao về chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Song theo ông Nguyễn Văn Liêm, Vĩnh Long là một tỉnh có diện tích vườn cây ăn trái lớn tại ĐBSCL, với nhiều loại trái cây đặc sản của vùng và cả nước như: cam sành, bưởi, nhãn, xoài, sầu riêng, chôm chôm,... Tuy nhiên, số lượng vườn cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn được chứng nhận gắn với truy xuất nguồn gốc còn rất ít.

Ước diện tích trồng cây lâu năm trong 6 tháng đầu năm là 64.394ha, tăng 3,12% (hay tăng 1.947ha) so với cùng kỳ. Diện tích cây lâu năm tăng là do chuyển dịch từ đất lúa sang trồng cây lâu năm: cam sành, mít, dừa,.... Ước diện tích cây lâu năm cho sản phẩm 51.858ha, tăng 3,3% (hay tăng 1.644ha) so cùng kỳ năm trước. Ước sản lượng thu hoạch cây lâu năm 522.966 tấn, tăng 13,4% so cùng kỳ; trong đó sản lượng cam ước đạt 224.472 tấn, tăng 24,9% so cùng kỳ.

Chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu trái cây

Để phát triển chuỗi giá trị trái cây của tỉnh, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã tăng cường hướng dẫn nông dân theo dõi và kịp thời phòng trị các dịch bệnh trên vườn cây ăn trái; tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp thâm canh, tăng chất lượng và hiệu quả sản xuất trái cây chủ lực của tỉnh. Đồng thời, theo dõi tình hình sản xuất, kiểm tra bảo vệ cây trồng trước khí hậu khắc nghiệt, nắng hạn và nhiễm mặn bất thường.

Bên cạnh đó, cũng tăng cường phối hợp thực hiện hiệu quả công tác quản lý phân bón, vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, bố trí thời vụ sản xuất, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch phân vùng giống cây trồng theo định hướng của thị trường. Để tạo đầu ra cho nông sản nói chung và các loại trái cây nói riêng, ngành chức năng cũng thực hiện cầu nối giao thương, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, thu mua tiêu thụ hàng hóa nông sản,…

Song song đó, để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, mở rộng thị trường cung ứng, không ít hộ nông dân cũng chuyển đổi phát triển cây ăn trái theo chuỗi giá trị, phát triển thương hiệu và đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhằm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và cung cấp các loại trái cây chất lượng cao vào thị trường cao cấp trong nước.

Để nâng cao chuỗi giá trị nông sản, trong đó có mặt hàng trái cây, ông Hồ Phước Dư, cho biết: Các tháng cuối năm, Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao, ưu tiên những mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tăng cường xúc tiến, liên kết giúp người sản xuất tiếp cận được với các nguồn vốn, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp để đẩy mạnh hơn nữa vai trò cầu nối trong liên kết 4 nhà “Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông”, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

“Bên cạnh đó, kiến nghị Sở Nông nghiệp- PTNT hỗ trợ xây dựng dự án, mô hình ứng dụng công nghệ cao, mở rộng phát triển chứng nhận VietGAP; hỗ trợ đầu tư dự án nâng cao chất lượng sản xuất cây giống, cây ăn trái như: tập huấn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, vườn cây đầu dòng,…”- ông Hồ Phước Dư cho biết thêm.

Định hướng sắp tới, ông Nguyễn Văn Liêm cho hay, ngành nông nghiệp chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu, phát triển chỉ dẫn địa lý, xây dựng mã số vùng trồng; đầu tư sàn giao dịch thương mại điện tử mở rộng, đa dạng kênh tiêu thụ nông sản…

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT

Phát triển chuỗi giá trị trái cây của tỉnh còn rất yếu ở tất cả các khâu và chưa xứng với tiềm năng địa phương: Thiếu giống cây ăn trái mới, giống đặc sản (bưởi Năm Roi đang dần thoái hóa), khó kiểm soát việc nông dân tự phát gia tăng diện tích cây ăn trái không theo quy hoạch của ngành, quy trình sản xuất vẫn chưa loại bỏ hoàn toàn hóa chất bảo vệ thực vật và chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia bảo quản, tồn trữ và chế biến sản phẩm sau thu hoạch tại vùng nguyên liệu…

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu thị trường để từ đó định hướng phân khúc thị trường tiêu thụ ứng với từng chủng loại cây ăn trái chủ lực; đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào khâu bảo quản và chế biến đa dạng hóa sản phẩm.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh