Tại hội nghị kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản, hàng công nghiệp tỉnh Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh năm 2022, đã có nhiều bản ghi nhớ, ký kết thỏa thuận giữa Sở Công Thương Vĩnh Long- Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh- Tổng Công ty Thương mại Saigon- TNHH MTV Satra cho các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.
Nông sản Vĩnh Long thu hút được nhiều sự quan tâm. |
(VLO) Tại hội nghị kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản, hàng công nghiệp tỉnh Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh năm 2022, đã có nhiều bản ghi nhớ, ký kết thỏa thuận giữa Sở Công Thương Vĩnh Long- Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh- Tổng Công ty Thương mại Saigon- TNHH MTV Satra cho các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.
Việc ký kết này mở ra nhiều cơ hội cho các sản phẩm của tỉnh có thể thâm nhập thị trường TP Hồ Chí Minh với hơn 10 triệu dân.
Nhiều bản ghi nhớ được ký kết
Hội nghị có nhiều doanh nghiệp là các nhà phân phối hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối, các sàn thương mại điện tử tại TP Hồ Chí Minh, 73 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Tại đây, các đại biểu tham dự đã trực tiếp “thấy tận mắt, sờ tận tay” những sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh với nhiều tiềm năng thâm nhập vào các đầu mối phân phối và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh và nhiều thị trường khác trong cả nước.
Ông Nguyễn Văn Liệt- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết hội nghị là dịp để các doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Vĩnh Long quảng bá thương hiệu, giao lưu học tập kinh nghiệm và ký kết thỏa thuận hợp tác, hợp đồng kinh tế, thiết lập các kênh phân phối nhằm mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm hàng hóa của tỉnh Vĩnh Long đến tay người tiêu dùng cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển kinh tế trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế…
Hội nghị cũng đã có nhiều bản ghi nhớ, ký kết thỏa thuận giữa Sở Công Thương Vĩnh Long- Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh- Tổng Công ty Thương mại Saigon- TNHH MTV Satra, đại diện cung ứng và tiêu thụ với sàn thương mại điện tử Lazada- Tiki- Sendo- Posmart- Voso với chợ đầu mối Thủ Đức (chuyên trái cây), chợ Hóc Môn (chuyên thịt gia cầm, trái cây), chợ Bình Điền (chuyên hải sản, cá, trái cây); Công ty MM Mega Market; Công ty Central Retail với hệ thống phân phối Go! Big C &Tops Market và các đơn vị liên quan. Các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu ký kết tiêu thụ sản phẩm…
Theo Sở Công Thương, có 3 chợ đầu mối, 7 hệ thống phân phối và 4 sàn thương mại điện tử sau khi tham gia hội nghị đã có văn bản ký kết với Sở Công Thương. Qua đó góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất việc thu mua nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP Vĩnh Long trong thời gian tới.
Khẳng định sức cạnh tranh
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương- Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, địa phương có khả năng tiêu dùng rất lớn. Đây là điều kiện để nông sản, các sản phẩm chế biến từ nông sản,… của các tỉnh ĐBSCL nói chung, Vĩnh Long nói riêng mở rộng kênh tiêu thụ.
“Tuy nhiên, nhìn mặt bằng chung, các sản phẩm của các tỉnh- thành ở khu vực này ít có điểm khác biệt. Do vậy, để thâm nhập được và sâu vào các khu chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử,… thì cần phải có cái riêng, điểm đặc biệt cần phải nghiên cứu.
Theo đánh giá, các sản phẩm của Vĩnh Long rất có tiềm năng được thị trường lớn như TP Hồ Chí Minh tiêu thụ”- ông Nguyễn Nguyên Phương chia sẻ. Để dẫn chứng thêm, ông Phương còn khẳng định với số lượng tổng đàn heo hiện nay của Vĩnh Long, thì chỉ đủ cho TP Hồ Chí Minh tiêu thụ trong vòng… 3 tuần.
Đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn- TNHH MTV Satra cho biết, đơn vị đang tiếp tục mở rộng hệ thống ở khu vực ĐBSCL. Đặc biệt ở Vĩnh Long. Doanh nghiệp đang tiếp tục tìm đơn vị, đối tác có nguồn hàng để phân phối và sẽ mở một số cửa hàng. Đơn vị cũng đã có bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm của tỉnh trong thời gian tới.
Ông Võ Quốc Tuấn- Trưởng nhóm thu mua (Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam) cho biết, khi tham quan các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh tham gia trưng bày, có thể khẳng định, các sản phẩm này đủ sức cạnh tranh trên thị trường và có tiềm năng rất lớn.
“Dự tính đơn vị sẽ ký 11 bản ghi nhớ, và sẽ tiến hành khảo sát, trao đổi, tìm kiếm đối tác để phân phối các sản phẩm của tỉnh Vĩnh Long vào hệ thống Mega Market. Tôi công khai số điện thoại trong hội nghị để mọi nhu cầu có thể liên hệ trực tiếp”- ông Võ Quốc Tuấn hào hứng chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Bình Phương- Phó Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, cho biết, chợ tiêu thụ khoảng 2.500 tấn sản phẩm trên 1 ngày/đêm. Khẳng định đây là thị trường mở nên nông dân, các cơ sở chế biến của Vĩnh Long có thể liên hệ trực tiếp.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bình Phương, điều cần thiết là phải đảm bảo số lượng hàng hóa lớn, thường xuyên để tạo thương hiệu, hoạt động mua bán hàng nông sản của Vĩnh Long ở chợ được lâu dài, hiệu quả và đạt kinh tế cao…
Ông Bùi Văn Nghiêm- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, mong muốn và tin tưởng các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại ở TP Hồ Chí Minh, các sàn thương mại điện tử, người nông dân, cơ sở sản xuất ở Vĩnh Long có tiếng nói chung để cùng đạt hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ nghiên cứu, ghi nhận những khó khăn liên quan đến quản lý nhà nước để sẵn sàng sửa đổi, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, hiệu quả…
Tỉnh Vĩnh Long có khoảng 35 ngành hàng thuộc nhóm sản phẩm OCOP, việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm theo các đẳng cấp từ 3 sao đến 4 sao sẽ tạo điều kiện phát triển các sản phẩm theo các chiều hướng thích hợp. Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, hiện toàn tỉnh có 49 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Cụ thể, có 13 sản phẩm đạt 4 sao, 36 sản phẩm đạt 3 sao. |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin