Chủ động đấu tranh, ngăn chặn vi phạm, ổn định thị trường

06:07, 01/07/2022

Cùng với lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước, từ khi thành lập đến nay, Cục QLTT Vĩnh Long đã tổ chức tinh gọn bộ máy, hướng tới chính quy, hiện đại.

 

Bộ máy quản lý thị trường được tinh gọn, hướng tới chính quy, hiện đại.
Bộ máy quản lý thị trường được tinh gọn, hướng tới chính quy, hiện đại.

(VLO) Cùng với lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước, từ khi thành lập đến nay, Cục QLTT Vĩnh Long đã tổ chức tinh gọn bộ máy, hướng tới chính quy, hiện đại.

Đồng thời, chủ động nắm thông tin địa bàn, tăng cường đấu tranh, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm… Qua đó, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính.

Góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh

Sau hơn 3 năm chuyển đổi mô hình hoạt động theo ngành dọc, đến nay Cục QLTT Vĩnh Long đã được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao hiệu quả hoạt động để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Với vai trò thành viên BCĐ 389 của tỉnh, Cục QLTT đã tham mưu cơ quan thường trực xây dựng các kế hoạch, tham gia thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Ông Lê Thanh Phong- Cục trưởng Cục QLTT, cho biết: Cục QLTT tỉnh đã triển khai hiệu quả công tác phòng, chống, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; vi phạm chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại;… Các Đội QLTT luôn đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Kết quả từ năm 2019 đến nay đã tiến hành kiểm tra 2.341 vụ, phát hiện và xử lý 1.005 vụ vi phạm, phạt hành chính và tịch thu hàng hóa vi phạm, với số tiền trên 15 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, lực lượng QLTT còn tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với hình thức đa dạng, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại cho tổ chức, cá nhân, từ đó góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ hoạt động thương mại hợp pháp và lợi ích người tiêu dùng.

Từ những kết quả thực tế về công tác phòng chống vi phạm thời gian qua, cho thấy, việc tinh giản đội QLTT không làm giảm đi vai trò chủ công trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên thị trường mà còn tạo sự chuyển biến tích cực rõ rệt trong công tác điều hành, quản lý.

Nhiều vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả,… đã được lực lượng QLTT phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định của pháp luật.

Quyết liệt đấu tranh, ngăn ngừa vi phạm

Nhiều vụ việc vi phạm được ngành quản lý thị trường phát hiện và xử lý kịp thời.
Nhiều vụ việc vi phạm được ngành quản lý thị trường phát hiện và xử lý kịp thời.

Theo Cục QLTT tỉnh, thời gian qua, tình hình cung- cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa hay tăng giá đột biến.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục QLTT Vĩnh Long kiểm tra 214 vụ, phát hiện và xử lý 157 vụ vi phạm; xử phạt hành chính gần 2,4 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 3,4 tỷ đồng.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, trước tình trạng giá xăng dầu biến động, để góp phần ổn định thị trường xăng dầu, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, các Đội QLTT cũng thường xuyên thực hiện giám sát hoạt động của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, để kịp thời phát hiện dấu hiệu đầu cơ, găm hàng, vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu.

Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Phong, tình hình vi phạm trong kinh doanh, thương mại vẫn còn xảy ra, các hành vi vi phạm phổ biến như: Kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, hàng giả không giá trị sử dụng công dụng, hàng giả nhãn hiệu, hàng vi phạm nhãn, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng, sử dụng nhân viên trực tiếp đứng bán xăng dầu không được đào tạo nghiệp vụ bảo vệ môi trường, sử dụng trụ bơm xăng có tem kiểm định hết hạn, vi phạm về niêm yết giá hàng hóa…

Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là thuốc lá điếu, đồ điện, thực phẩm đóng gói, thực phẩm bổ sung, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, túi xách, mắt kính, quần áo may sẵn, giày dép, nón bảo hiểm, phân bón... Các vụ việc vi phạm phát hiện đều được xử lý kịp thời, đúng theo quy định pháp luật.

Về định hướng trong thời gian tới, ông Lê Thanh Phong cho hay: Cục QLTT tiếp tục thực hiện các giải pháp trong công tác đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thương mại; chống các hành vi sản xuất, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại và trốn lậu thuế, trong đó, sẽ chú trọng việc kiểm tra hàng hóa kinh doanh qua mạng.

Nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tạo bước đột phá trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng QLTT. Qua đó, góp phần tạo sự ổn định, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, bảo vệ doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng.

Ông Lê Thanh Phong cho biết: “Thời gian gần đây, tỷ lệ gian lận thương mại, xâm phạm trí tuệ có xu hướng tăng, trong đó có các hành vi gian lận thương mại mới. Đặc biệt là tình trạng gian lận thương mại trên môi trường mua sắm online, thương mại điện tử, gian lận phổ biến về xuất xứ hàng hóa”.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh