Mấy năm trước, Hai Lúa tui có dịp đi lên miệt biên giới ngay những ngày mùa nước nổi đang bắt đầu dâng lên. Lúc đó, toàn hệ thống đê bao của khu vực Tháp Mười, thì vẫn còn một diện tích rất lớn nằm bên ngoài với những vành đai đê thứ yếu khá mong manh. Nhưng đó cũng là thời điểm nhiều nông dân quyết "ăn thua" với vụ 3 nhằm tăng sản lượng lúa trong năm trên diện tích đất.
Mấy năm trước, Hai Lúa tui có dịp đi lên miệt biên giới ngay những ngày mùa nước nổi đang bắt đầu dâng lên. Lúc đó, toàn hệ thống đê bao của khu vực Tháp Mười, thì vẫn còn một diện tích rất lớn nằm bên ngoài với những vành đai đê thứ yếu khá mong manh. Nhưng đó cũng là thời điểm nhiều nông dân quyết “ăn thua” với vụ 3 nhằm tăng sản lượng lúa trong năm trên diện tích đất.
Có một số nông dân từ các địa phương khác đến thuê những dây đất liền mí đầu tư lớn, con số vài trăm mẫu, vì đất thuê nên họ càng có lý do làm thêm vụ dù khá rủi ro nếu nước chụp trong đêm mà bờ bao bị vỡ thì trắng tay.
Tầm 2- 3 giờ sáng đã nghe tiếng la hét hoảng loạn, thì ra một đoạn bờ bao sạt lở. Rất đông người tập trung hỗ trợ, lúc sau có cả những chiếc xáng, những chiếc xe cạp đất tập trung hàn đoạn đê lở, nhưng đến sáng thì hoàn toàn thất bại, nước cuồn cuộn từ ngoài sông tràn vào như thác đổ. Chẳng mấy chốc cả cánh đồng lúa vừa ôm bông trở mình chìm lút trong biển nước. Nhiều người khóc lóc, xỉu lên, xỉu xuống, trong đó Hai Lúa tui có gặp vợ chồng nông dân nọ từ tỉnh khác đến thuê hơn 100 mẫu canh tác, họ không khóc nổi luôn, chỉ đứng lặng im như chết đứng. Ngay lập tức đã có lực lượng bộ đội biên phòng hỗ trợ giúp dân cắt lúa đang ngập nước. Phần thu hoạch được chẳng đáng là bao.
Đó là cái cảnh hoàn toàn không hề có trong lịch sử mùa nước nổi đồng bằng ngày xưa. Cái thời mà người dân chỉ trồng lúa một vụ, lúa cứ phởn phơ vươn mình cùng nước nổi, cứ nước lên bao nhiêu, lúa sẽ trườn mình mọc dài ra bấy nhiêu. Còn nông dân mùa nước cứ tập trung vào những công việc mưu sinh cùng mùa nước nổi, mặc sức thu hoạch cá mắm, dành lại ăn dần cho cả năm. Rồi khi chuyển sang lúa 2 vụ câu chuyện cũng chưa đến đỗi, vì đất và người vẫn còn thời gian ngơi nghỉ 3 tháng trời. Nhưng sau đó, con người quyết “ăn thua đủ” ngăn chặn mùa nước tràn đồng, be bờ, bao vây đồng ruộng, ngăn chặn dòng chảy mùa nước tràn đồng làm lúa vụ 3 để tăng năng suất bằng mọi giá.
Sau bao nhiêu năm sản lượng lúa đồng bằng tăng bắt ham, xuất khẩu thế giới lượng gạo hàng hóa lớn, thử hỏi nông dân mình đã giàu chưa? Nhưng câu chuyện đất đai “nghèo” đi xơ xác là hậu quả đã thấy, nhưng câu chuyện “quay đầu” thay đổi cách sản xuất thông minh hơn hình như quá khó. Giờ đây, đồng bằng đối diện câu chuyện nước biển dâng, mà nước biển dâng lên một, thì chính đồng bằng đang sạt lở và sụt lún gấp 4 lần. Đó là câu chuyện nhân tai chớ không phải thiên tai.
Nguồn thủy sản dồi dào không còn nữa, hệ thống bưng lung cũng dần biến mất, chỉ còn lại một số khu ngập nước được bảo tồn. Hệ sinh thái cây bản địa bị hủy diệt quá nhiều, đặc biệt những loài cây đặc hữu mùa nước nổi đã bị diệt vong. Mà hột lúa thì quá rẻ. Sự đánh đổi này liệu có đáng không?
Hailua@.com
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin