Trong những tháng đầu năm 2022, các sở, ban ngành tỉnh đã thực hiện quyết liệt chủ trương về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", triển khai hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp về phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.
Nhiều doanh nghiệp dần phục hồi sản xuất kinh doanh khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát. |
(VLO) Trong những tháng đầu năm 2022, các sở, ban ngành tỉnh đã thực hiện quyết liệt chủ trương về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp về phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.
Còn nhiều khó khăn
Báo cáo tình hình kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm của UBND tỉnh cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại những hạn chế. Trong đó, tình hình giá cả nguồn nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Tiêu thụ nông sản cũng gặp khó, thu nhập của người nông dân sụt giảm; xuất hiện tình trạng buôn bán phân bón giả, phân bón kém chất lượng...
Trình bày những khó khăn về sản xuất nông nghiệp tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ- ông Nguyễn Chí Cường cho biết, người dân đang có xu hướng chuyển đổi đất lúa sang trồng cây lâu năm gây ảnh hưởng đến mục tiêu an ninh lương thực.
Kiến nghị UBND tỉnh đề xuất với Trung ương có những giải pháp đảm bảo quyền lợi, ổn định giá thành nguồn nguyên liệu đầu vào giúp cho người dân yên tâm canh tác, giữ đất trồng lúa và đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực.
Ông Lê Ngọc Đức- Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình cho biết, trước tình hình giá lúa giảm, năng suất lúa thấp thì nông dân có nhu cầu chuyển đổi đất lúa sang trồng cam.
Ngoài ra, địa phương cũng gặp khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới (NTM), xã NTM nâng cao, rất cần sớm triển khai hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí để địa phương có bước chuẩn bị kịp thời trong thời gian tới.
Trong khi đó, lãnh đạo UBND huyện Bình Tân cho biết, hiện diện tích đất trồng khoai lang đã giảm, nhưng năm nay nông dân trồng khoai lang lại rơi vào tình trạng lỗ nặng do tình hình giá khoai lang giảm rất thấp. Hiện giá khoai lang như diễn biến vừa qua, thì mỗi công trồng khoai, người nông dân sẽ lỗ trung bình hơn 10 triệu đồng.
Ngoài ra, các địa phương khác phản ánh một số vấn đề về đầu tư, xây dựng, giải phóng mặt bằng như: dự án kè Phường 5 (TP Vĩnh Long), bờ kè sông Chà Và (TX Bình Minh), đường từ Khu vượt lũ giai đoạn 1, Khu vượt lũ giai đoạn 2 (Long Hồ)... vướng mắc trong việc di dời, vận động, giải tỏa, đền bù.
Ngoài ra, lãnh đạo các địa phương phản ánh nhiều phụ huynh không đồng ý cho trẻ từ 1- 5 tuổi tiêm vắc xin do lo ngại về tác dụng phụ, tỷ lệ hộ gia đình lựa chọn cam kết không tiêm vắc xin và tự chịu trách nhiệm còn cao...
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- ông Lê Quang Trung cho rằng, để thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, các cấp, các ngành cũng cần quan tâm đến đời sống của người dân trong bối cảnh thu nhập giảm, giá cả thị trường tăng cao; theo dõi và triển khai các chính sách hỗ trợ cho vay nhà ở, vay vốn đối với người lao động trong tỉnh.
Ông Trương Thành Dãnh- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết, diện tích xuống giống lúa Hè Thu toàn tỉnh giảm 19,06% so cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do lượng mưa và giá vật tư nông nghiệp tăng cao.
Nếu người dân có nhu cầu chuyển đổi đất lúa sang cây trồng lâu năm, cây ăn trái thì địa phương phải có những hướng dẫn cụ thể theo đúng quy định của Chính phủ, trong đó người dân phải cam kết không gây phá vỡ hệ thống đê bao thủy lợi khi quay trở lại canh tác lúa.
6 tháng còn lại của năm 2022, cần nhiều giải pháp để ổn định và phát triển kinh tế- xã hội, chăm lo đời sống người dân (ảnh minh họa). |
Ông Trương Thành Dãnh còn thông tin thêm, Bộ Nông nghiệp- PTNT đang xây dựng đề án đào tạo chuyển đổi nghề nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL; nghiên cứu điều chỉnh chính sách, hỗ trợ đối với cá nhân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo; hỗ trợ thỏa đáng cho các địa phương, hộ nông dân giữ ổn định đất trồng lúa...
Ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, ngay từ bây giờ việc gì theo quy định mà chúng ta làm được thì phải làm ngay, làm sớm. Đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại, kiểm điểm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý Sở Nông nghiệp- PTNT chủ động tham mưu trong việc thực hiện các giải pháp mở rộng và quản lý vùng trồng nông sản chất lượng cao, tạo môi trường đầu tư thuận lợi phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ.
Đồng thời, xem xét xây dựng kế hoạch cụ thể theo dõi chặt chẽ việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng xã NTM, xã NTM nâng cao. Đồng thời, các địa phương cần chủ động phát huy nội lực để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, tránh tình trạng phụ thuộc và trông chờ.
Ngoài ra, ông Lữ Quang Ngời cũng chỉ đạo các sở, ban ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai các giải pháp phòng chống dịch COVID-19, đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc xin trong tỉnh, cảnh giác với biến chủng mới. Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục cho doanh nghiệp.
Đối với cải cách hành chính, ông Lữ Quang Ngời cho biết, qua đánh giá khách quan từ các Chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh (PAR Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh còn khá thấp so với cùng kỳ. Do đó, các ngành liên quan phải đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện chính quyền điện tử, chính quyền số, cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4; đảm bảo tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp theo dõi, giám sát và đóng góp ý kiến cho các dịch vụ hành chính công của tỉnh. |
Bài, ảnh: CÔNG NGÔN- THẢO TIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin