Kỳ 2: Đến năm 2030, cả nước có 1.000- 1.200 đô thị

06:06, 02/06/2022

Nghị quyết 06- NQ/TW ngày 24/1/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị (ĐT) Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị đã xác định các chỉ tiêu bình quân trên phạm vi cả nước về tỷ lệ ĐT hóa, số lượng ĐT, tỷ lệ đất xây dựng ĐT cho giai đoạn năm 2025 và năm 2030.

[links()]

Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 85% vào năm 2030. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 85% vào năm 2030. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH

(VLO) Nghị quyết 06- NQ/TW ngày 24/1/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị (ĐT) Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị đã xác định các chỉ tiêu bình quân trên phạm vi cả nước về tỷ lệ ĐT hóa, số lượng ĐT, tỷ lệ đất xây dựng ĐT cho giai đoạn năm 2025 và năm 2030.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhấn mạnh: “Đây là những chỉ tiêu quan trọng định hình tốc độ phát triển ĐT của cả nước. Các địa phương cần đánh giá đúng tình hình, đặt ra chỉ tiêu ĐT hóa phù hợp với khả năng phát triển thực tế trong giai đoạn tới”.

Nâng số lượng và chất lượng ĐT

Thông báo những nội dung chủ yếu của Nghị quyết 06, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, Nghị quyết đề ra một số chỉ tiêu: Tỷ lệ ĐT hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng ĐT trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5- 1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9 - 2,3%.

 Bên cạnh, số lượng ĐT toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950- 1.000 ĐT, đến năm 2030 khoảng 1.000- 1.200 ĐT. Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm ĐT cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp ĐT tương đương mức bình quân của các ĐT thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.

Đồng thời, kinh tế khu vực ĐT đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của các ĐT trực thuộc Trung ương đạt bình quân 25- 30% vào năm 2025, 35- 40% vào năm 2030.

Xây dựng được mạng lưới ĐT thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 - 5 ĐT có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.

Nghị quyết cũng đề ra tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, tỷ lệ ĐT hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và Châu Á. Cùng với đó, xây dựng được ít nhất 5 ĐT đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế.

Theo ông Dương Đức Tuấn- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, hiện nay phát triển ĐT hiện đại, thành phố thông minh, liên kết vùng ĐT trong phát triển của các tỉnh, thành phố, thủ đô đang là xu hướng chung của thế giới.

Tại Việt Nam, xu hướng phát triển ĐT hiện đại và thành phố thông minh đã và đang bắt đầu khởi sắc. Các thành phố trực thuộc Trung ương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ đã có những bước tiến quan trọng phát triển kinh tế, là trụ cột có tính lan tỏa liên kết vùng.

Đối với TP Hà Nội, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị sau hơn 10 năm phát triển, đến nay, TP Hà Nội đã và đang đóng vai trò là trung tâm quan trọng nhất của cả nước, có sức hút và tác động phát triển đối với quốc gia và khu vực Bắc Bộ. Đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng…

Để phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành ĐT hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa liên kết vùng ĐT theo tinh thần Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ, các bộ ngành trung ương liên quan xem xét một số vấn đề như: Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành luật các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; xem xét hợp nhất luật quy hoạch để đồng bộ, tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực…

6 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

Để đạt được các mục tiêu trên, Nghị quyết số 06 nêu rõ 6 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Đó là việc hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình ĐT hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển ĐT bền vững; nâng cao chất lượng quy hoạch ĐT đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển ĐT bền vững; tập trung xây dựng, phát triển hệ thống ĐT quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng ĐT đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền ĐT; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ĐT và chất lượng cuộc sống ĐT, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự ĐT; phát triển kinh tế khu vực ĐT; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển ĐT.

Trong đó, xây dựng các chiến lược, quy hoạch về phát triển ĐT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tập trung xây dựng các vùng ĐT, hành lang ĐT, dải ĐT ven biển trên cơ sở xác định rõ vai trò, chức năng của từng ĐT, nhất là các ĐT động lực của từng vùng và cả nước, ĐT kết nối khu vực và quốc tế.

Xác định phát triển ĐT là hạt nhân phát triển kinh tế- xã hội cấp vùng, tăng mật độ ĐT tại các vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, ĐBSCL.

Phát triển chuỗi các ĐT biển, ĐT hải đảo gắn với thực hiện Chiến lược kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh; quy hoạch các khu ĐT ven biển trên các địa bàn có nền móng vững chắc và cao độ ổn định, thuận tiện giao thông và cung cấp nước ngọt trong tương lai; kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc lấn biển để phát triển ĐT.

Đầu tư nâng cao khả năng chống chịu thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu của các ĐT ven biển, ĐBSCL và các vùng sinh thái dễ bị tổn thương.

Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 06 có tính mới rất phù hợp với TP Hồ Chí Minh. Đó là chọn một số ĐT có lợi thế đặc biệt để tập trung xây dựng thành ĐT có tầm ở khu vực và thế giới.

Trong vùng, trong mạng lưới ĐT thì chọn những ĐT để dẫn dắt cho phát triển ĐT của vùng. Đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Cơ chế tài chính, thu hút đầu tư cho phát triển hạ tầng, phát triển ĐT hay vấn đề phân cấp, phân quyền cho các địa phương, cho các ngành trong quy hoạch, trong quản lý và triển khai xây dựng hạ tầng ĐT. Đây là những điểm rất mới, rất thuận lợi cho TP Hồ Chí Minh”.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng bày tỏ mong muốn Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết này trong thời gian tới có sự tập trung cao độ để đạt được kết quả cao.

(Còn tiếp)

TUYẾT HIỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh