Người xưa, cứ mỗi mùa lúa chín là lúc trời sang thu, lòng cứ bâng khuâng nhung nhớ. Nhớ gì không rõ, nhớ dáng cô thôn nữ, nhớ đồng lúa vàng… nhớ đủ thứ, lòng cứ hoài niệm khôn nguôi, ấy là sầu!
Sầu riêng musang king. |
Người xưa, cứ mỗi mùa lúa chín là lúc trời sang thu, lòng cứ bâng khuâng nhung nhớ. Nhớ gì không rõ, nhớ dáng cô thôn nữ, nhớ đồng lúa vàng… nhớ đủ thứ, lòng cứ hoài niệm khôn nguôi, ấy là sầu!
Không rõ từ bao giờ người ta mang từ “sầu” chỉ trạng thái để định danh cho một loại cây có trái trông dễ sợ: cây sầu riêng.
Người ở quê kiêng kỵ, sầu riêng không trồng trước cửa, không trồng gần nhà vì chữ “sầu” nó ám gia, xói mòn tâm hồn con người. Nó phải khuất xa xa, đứng ở một góc vườn.
Thuở nhỏ, tôi chẳng mấy khi được ăn sầu riêng, nếu có, chỉ là vương vất từ trong bánh có vị sầu riêng. Hương sầu riêng cứ thế đi vào ký ức tuổi thơ…
Thời học trường làng, ngày hai bận đi về tôi phải qua con đường sầu riêng dài khoảng 200m. Sầu riêng thân cỡ người ôm, có cây cao vút, cây thì chết đọt, nhánh sà ngang đường tạo bóng mát tự nhiên. Mùa sầu riêng có trái, đi ngang, cứ sờ sợ khi nghĩ đến trái rụng trên đầu nên chân bước hơi nhanh. Nào có biết sầu riêng chỉ rụng về đêm.
Mấy mươi năm đi qua, con đường sầu riêng không còn, thay thế bằng những ngôi nhà và vườn nhãn san sát. Có mấy bận ngang đây, tôi vẫn nhớ về tà áo trắng thấp thoáng dưới bóng sầu riêng…
Nghề vườn xứ cù lao phát triển, theo từng thời kỳ và nhu cầu thị trường, nông dân chọn canh tác một vài loại cây ăn trái chủ lực. Nhiều nhà trúng mùa liên tiếp mấy năm, đời sống trở nên khấm khá. Đường đất được thay bằng đường bê tông, người ta không còn đi bộ để thơ thẩn như những đứa con trai con gái mới lớn chúng tôi ngày xưa…
Mấy năm qua, dịch bệnh kéo dài, khiến nhiều nông dân hoài nghi sự lựa chọn của mình. Giá nông sản lùi về âm so giá vốn nhưng vẫn không bán được, lỗ lã tan tác… Khắp vườn bốc lên mùi chua chua, ruồi nhặng cứ thế mà sinh sôi. Người người thẫn thờ nhìn gió lay cây, trái rụng ngập lối…
Dịch lắng xuống, nông dân vào vụ mới. Nhưng giá vật tư nông nghiệp đã tăng vọt. Thiếu chăm sóc, có nơi như thành vườn hoang đầy cây dại. Người ta thưa đi chợ hơn, mắt rụt rè khi nhìn thấy món hàng mình muốn, tay nâng lên lại bỏ xuống, mấy lần…
Thời điểm này mưa nhiều. Một số nhà vườn chật vật thu hoạch trái chạy mưa. Xoài cát Hòa Lộc tại vườn bán ra trên dưới 10.000 đ/kg. Sầu riêng vào vụ giá dưới 50.000 đ/kg, trong khi năm ngoái, giá gấp đôi và hơn nữa.
Gần nhà tôi, có vườn 6 công sầu riêng cho trái năm thứ hai với 140 cây mong thong. Vụ này vợ chồng nông dân Nguyễn Văn Đa đã nở nụ cười, vì có được 7 tấn sầu riêng với giá bán hợp đồng 50.000 đ/kg.
Ông thu lại 60% vốn đầu tư trong 4 năm. Thấy giá bình dân tôi mua mấy trái…
Lẫn trong vườn sầu riêng mong thong, ông Đa trồng thêm 20 cây sầu riêng musang king, mùa này có 1 cây ra trái. Nếu tính tuổi, cây mới hơn 2 năm. Ra bông đậu trái là việc ngoài ý muốn, do ảnh hưởng thuốc từ xử lý sầu riêng mong thong. Bởi cây muốn để trái phải từ 3 năm tuổi trở lên. Nhưng ông chủ vườn cứ để thử xem sao.
Tôi đã nhận ra cây đặc biệt này khi vào vườn mua sầu riêng chín. Chủ vườn bảo, bạn hàng đã đặt bao giá 250.000 đ/kg. Tôi nghĩ bụng: Giá hơi cao!
Tình cờ đọc thông tin trên báo, biết rằng ở xứ Phong Điền, Cần Thơ có nông dân bán sầu riêng trái rụng trong vườn với giá 800.000 đ/kg. Một trái sầu riêng từ 2- 3kg, bình quân có giá trên 2 triệu bạc. Tôi giật mình, nhớ về trái sầu riêng của ông Đa. Sau cân nhắc nhiều lần tôi bấm số điện thoại…
Cơm sầu riêng musang king. |
Gia đình tôi- trừ vợ tôi- quây quần bên bàn tròn. Con rể nhận nhiệm vụ “khai đao”. Những người còn lại chăm chú nhìn, để được ngửi mùi thơm và chờ lắng nghe cảm giác của mình khi lần đầu nếm một loại trái có giá “cao cao tại thượng”.
Những múi sầu riêng béo ngậy, thơm lừng… rồi cũng đi qua, thoáng chút tiếc nuối khi nghe phảng phất hương từ mớ vỏ sau hè. Tôi thì thực tế hơn, bắt đầu hoạch định chuyển đổi giống cây trồng, từ nhãn sang sầu riêng.
Tôi cũng kịp tậu cho mình 225 cây giống sầu riêng musang king, bắt đầu quy trình chăm sóc. Hẹn 3 năm sau nói chuyện sầu riêng với… vui chung!
Bài, ảnh: LÊ MINH HÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin