Sản xuất công nghiệp tiếp tục ổn định, phát triển

09:06, 16/06/2022

Trong những tháng đầu năm 2022, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng khá nhờ tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt. Một số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động từ đầu năm đã từng bước gia tăng sản lượng sản xuất, tình hình sản xuất công nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển.

 

Vĩnh Long tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư giúp doanh nghiệp an tâm đầu tư và phát triển.  Ảnh minh họa
Vĩnh Long tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư giúp doanh nghiệp an tâm đầu tư và phát triển. Ảnh minh họa

Trong những tháng đầu năm 2022, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng khá nhờ tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt. Một số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động từ đầu năm đã từng bước gia tăng sản lượng sản xuất, tình hình sản xuất công nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển.

Sản xuất công nghiệp ổn định

Theo Cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tính chung tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành tăng khá như: khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất, phân phối điện, khí đốt.

Một số ngành công nghiệp có mức sản xuất tăng khá so với cùng kỳ như: Sản xuất trang phục, thoát nước và xử lý nước thải; sản xuất đồ uống; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất chế biến thực phẩm; sản xuất, truyền tải và phân phối điện; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic… Ước 6 tháng đầu năm, IIP tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, tính từ đầu năm đến nay, một số chỉ tiêu chủ yếu đã thực hiện đạt và vượt. Cụ thể, về quy hoạch phát triển KCN, hiện có hơn 50% diện tích KCN Đông Bình đã được kiểm đếm; KCN Bình Tân đã trình cấp thẩm quyền xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thẩm định dự án đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận (đạt 50% kế hoạch); KCN Định An hiện Ban Quản lý Các KCN đang phối hợp với nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ xin chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (đạt 50% kế hoạch); KCN Hòa Phú (giai đoạn 3) đang tập trung phối hợp với đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư đưa vào tích hợp quy hoạch của tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Trong khi đó, những tháng đầu năm đã thu hút đầu tư được hơn 58 triệu USD (đạt 116% kế hoạch); xuất khẩu đạt trên 266,8 triệu USD (đạt trên 53% kế hoạch); môi trường, lao động, cải cách hành chính đều đạt từ 87- 100% so kế hoạch…

Theo ông Phạm Thành Khôn- Trưởng Ban Quản lý Các KCN tỉnh, trong những tháng đầu năm, tiến độ thu hút dự án và vốn đầu tư vào các KCN tiếp tục thuận lợi, có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư vào KCN Bình Minh, KCN Đông Bình. Ngoài ra, còn có một số dự án đã đầu tư quyết định tăng vốn để mở rộng quy mô hoạt động. “Nhiều doanh nghiệp đang từng bước phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh thu, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và lực lượng lao động đều tăng hơn so với cùng kỳ năm 2021”- ông Phạm Thành Khôn chia sẻ.

Tiếp tục hỗ trợ các hoạt động sản xuất công nghiệp

Theo Ban Quản lý Các KCN tỉnh, trong những tháng cuối năm, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, thường xuyên cập nhật các thông tin về KCN và các chính sách đầu tư của Trung ương và địa phương trên website của đơn vị, tiếp tục gửi thông tin về KCN cho các nhà đầu tư tiềm năng; tiếp tục hỗ trợ, phối hợp và cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh, Ban Quản lý Các KCN tỉnh sẽ theo dõi hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh, phấn đấu trong 6 tháng cuối năm, giá trị sản xuất công nghiệp là 7.800 tỷ đồng, tính chung cả năm là 16.000 tỷ đồng, tăng 33,87% so với cùng kỳ năm 2021.

Đồng thời, Ban Quản lý Các KCN tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ như: Hỗ trợ doanh nghiệp tuyển lao động (dự kiến đến 31/12/2022) có khoảng 53.600 người, tăng khoảng 9.000 lao động so với cùng kỳ năm 2021; cấp giấy phép lao động cho 100% lao động người nước ngoài đủ điều kiện theo quy định và rút ngắn thời gian cấp (cấp mới) giấy phép lao động từ 5 ngày làm việc xuống còn 4 ngày làm việc; xác nhận hồ sơ đăng ký nội quy lao động cho 100% doanh nghiệp, phấn đấu có 10% hồ sơ trước hạn...

Tình hình sản xuất ở các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển.
Tình hình sản xuất ở các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển.

Cũng theo ông Phạm Thành Khôn, xác định nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp về công tác quản lý nhà nước với các sở, ngành có liên quan; tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về quy hoạch, xây dựng, đầu tư, lao động, môi trường tại các doanh nghiệp trong KCN.

Đồng thời hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn của doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính bằng cách rút ngắn thời gian; hỗ trợ cho các doanh nghiệp thu hút lực lượng lao động quay trở lại làm việc, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động từ địa phương khác trở về, góp phần đảm bảo an sinh cho người lao động và trật tự an toàn xã hội.

Tại buổi họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 5, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu thời gian tới cần tập trung tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Quyết liệt thực hiện các giải pháp cải thiện thực chất, hiệu quả Chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh (PAR Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS). Song song đó cần tăng cường các hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành Công Thương…

Bài, ảnh: CÔNG NGÔN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh