Là một trong những nông dân có tinh thần đổi mới, sáng tạo, ông Nguyễn Văn Phúc (ấp Phước Lợi, xã Bình Phước- Mang Thít) đã tiên phong khởi nghiệp trồng sầu riêng Ri 6 và bưởi Năm Roi trên mảnh đất quê hương. Ông cũng là người đi đầu trong sử dụng phân, thuốc hữu cơ để bảo đảm chất lượng sản phẩm cũng như sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng.
(VLO) Là một trong những nông dân có tinh thần đổi mới, sáng tạo, ông Nguyễn Văn Phúc (ấp Phước Lợi, xã Bình Phước- Mang Thít) đã tiên phong khởi nghiệp trồng sầu riêng Ri 6 và bưởi Năm Roi trên mảnh đất quê hương. Ông cũng là người đi đầu trong sử dụng phân, thuốc hữu cơ để bảo đảm chất lượng sản phẩm cũng như sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng.
Không ngại thử nghiệm
Nhờ sử dụng phân thuốc hữu cơ, vườn bưởi của ông Nguyễn Văn Phúc (trái) rất xanh tốt. |
Dẫn chúng tôi tham quan vườn bưởi da xanh trĩu quả xanh mướt mắt, ông Phúc cho biết: “Để giữ cho cây phát triển tươi tốt như vầy, tôi chỉ sử dụng các loại phân, thuốc hữu cơ.
Tuy phải tốn công ủ phân, dành thời gian chăm bón nhiều hơn so với sử dụng phân thuốc hóa học, nhưng cây cho trái đảm bảo chất lượng sạch, sản phẩm làm ra được bà con tin tưởng, bán có giá cao hơn từ 5.000- 10.000 đ/kg.
Trong xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Văn Phúc nhiệt tình cùng với chính quyền địa phương vận động hội viên, nông dân cùng nhau hiến đất, đóng góp tiền của xây tuyến đường nhựa trong ấp Phước Lợi, rộng 2,2m, dài gần 1,5km. Với mức vận động 2,5 triệu đồng/hộ, gia đình ông đóng góp luôn 20 triệu đồng. Đường hoàn thành, ông cùng với bà con nông dân trồng các loại hoa dọc 2 bên đường, tạo nên diện mạo mới cho quê hương. |
Năm 1980 khi 23 tuổi, ông Phúc được cha mẹ cho ra riêng với gần 5 công ruộng. Thời đó, gia đình ông chỉ quen với nghề làm ruộng, nhưng chủ yếu “lúa cũ đổi lúa mới” vì năng suất chưa cao, công nghiệp hóa chưa tới đồng ruộng.
Sau này, Nhà nước có chương trình đắp đập giữ khô, cài ải phơi đất, đầu tư đê bao thủy lợi chắc chắn giúp nông dân trồng lúa hiệu quả hơn.
Những năm gần đây, khi Nhà nước khuyến khích cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao; đồng thời có chủ trương đầu tư hỗ trợ cho nông dân về cây, con giống và hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Với suy nghĩ: “Cây giống do Nhà nước hỗ trợ là giống sạch, giống tốt”, nên ông Phúc đã mạnh dạn chuyển đổi lên vườn trồng cây ăn trái.
Từ số tiền tích lũy trồng trọt, vợ chồng ông nuôi heo, nấu rượu. Tích cóp được tiền của lại đầu tư mua đất, khi đó chủ yếu là đất bờ vùng, vườn tạp kém hiệu quả.
Là người không ngại thử nghiệm để đổi mới, năm 2001 ông Phúc là người đầu tiên ở địa phương trồng giống sầu riêng Ri 6. “Mỗi gốc tui trồng cách nhau 8m theo kiểu chữ “Đinh” mà khi lớn cây còn giao tàn”- ông Phúc nói.
Năm 2015, ông Phúc cũng là người đầu tiên ở địa phương trồng cây bưởi da xanh. Ông đã đi huyện Ba Tri và Bình Đại (tỉnh Bến Tre) học hỏi bí quyết xài phân hữu cơ của các nhà vườn. Ông Phúc cho biết, ở xứ biển bà con nông dân chủ yếu ủ các loại cá biển hư rẻ, rồi lấy nước sử dụng làm phân sinh học bón cho cây.
Quay về quê nhà, ông Phúc tận dụng ốc bươu vàng có sẵn ở địa phương để ủ làm phân hữu cơ. Loại phân hữu cơ do ông ủ này cũng có độ đạm khá cao, khi bón phân cho cây thì pha loãng ra.
“Đi đủ chỗ” học hỏi kỹ thuật
Để nâng giá trị cho trái bưởi da xanh, vốn là người khéo tay và có mắt thẩm mỹ nên vào mỗi dịp Tết ông Phúc vẽ thư pháp, con trai ông thì phụ thắt nơ, rắc kim tuyến, tô màu, chạy chỉ.
Hiện ông Nguyễn Văn Phúc đang trồng mới cây vú sữa hoàng kim. |
Nếu trái bưởi da xanh nặng dưới 2kg thì ông bán giá 200.000 đ/cặp; còn từ 2kg trở lên thì bán 250.000 đ/cặp. Thấy ông trồng bưởi an toàn lại thêm khéo tay, có hộ đặt mua 300 cặp để làm quà biếu cho đồng hương vào dịp Tết.
Đến nay, ông Phúc có trong tay 17 công vườn trồng bưởi da xanh, sầu riêng Ri 6 và mới đây là trồng vú sữa hoàng kim. Ông Phúc đúc kết: Để làm vườn hiệu quả thì phải chọn cây con giống tốt, có kỹ thuật chăm sóc và biết cách phòng bệnh cho cây, đặc biệt “khéo hay không là khâu xử lý ra hoa, làm trái”.
Để nâng cao kiến thức làm nông cho mình, ông Phúc thường xuyên cập nhật thông tin trên báo, đài và “đi đủ chỗ” học hỏi kỹ thuật, từ đó vận dụng kiến thức làm nông có hiệu quả của “các nhà vườn đi trước” về cách bón phân, giữ nước, thụ phấn nhân tạo, xài phân sinh học…
Với vai trò là Chi hội trưởng nông dân, ông Phúc thường xuyên tham gia các cuộc họp, các lớp tập huấn do huyện, xã tổ chức và đón xem chương trình Bạn Nhà nông để học hỏi và chắt lọc kiến thức cho mình. Thấy cái nào hay, ông Phúc truyền đạt lại cho bà con nông dân để cùng nhau làm ăn có hiệu quả, cùng nhau làm giàu.
Hiện, ông Phúc đang vận động nông dân tham gia vào tổ hợp tác, từng bước hình thành mô hình kinh tế tập thể; đồng thời tư vấn, hướng dẫn cho nông dân sử dụng phân sinh học để sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng sạch.
Ông mong muốn xã Bình Phước sẽ có sản phẩm tạo được thương hiệu cho riêng mình. Chẳng hạn như trong tỉnh có các sản phẩm nổi tiếng được nhiều người biết đến như bưởi Năm Roi của xã Mỹ Hòa, cam sành Tam Bình…
Ông Nguyễn Trung Hậu- Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Phước Ông Nguyễn Văn Phúc là nông dân rất cần cù, chăm chỉ, là người luôn đi đầu, đổi mới, sáng tạo trong sản xuất- kinh doanh, ông là người đầu tiên ở địa phương trồng sầu riêng Ri 6, bưởi da xanh và sử dụng phân thuốc hữu cơ để chăm bón cho vườn cây ăn trái. Ông được tuyên dương nông dân sản xuất- kinh doanh giỏi cấp huyện. Với vai trò là chi hội trưởng nông dân, ông Phúc rất hăng hái, gương mẫu thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước. Trong xây dựng đường giao thông nông thôn ở ấp Phước Lợi, ông và anh Nguyễn Anh Paul- con trai ông là lực lượng chủ công chung tay cùng địa phương vận động Nhân dân hiến đất, góp của để cùng Nhà nước nâng cấp, mở rộng và nhựa hóa con đường. Hiện, ông Phúc đang tiếp tục góp sức đi vận động để xây thêm tuyến đường nữa. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin