Vận tải khó khăn, hoạt động cầm chừng

06:05, 26/05/2022

Giá xăng dầu tăng mạnh trong thời gian qua đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành vận tải. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp không thể tăng giá dịch vụ vì lượng khách không tăng, chỉ hoạt động cầm chừng.

 

 

Nhiều doanh nghiệp vận tải hoạt động cầm chừng khi giá nhiên liệu tăng. Ảnh minh họa
Nhiều doanh nghiệp vận tải hoạt động cầm chừng khi giá nhiên liệu tăng. Ảnh minh họa

Giá xăng dầu tăng mạnh trong thời gian qua đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành vận tải. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp không thể tăng giá dịch vụ vì lượng khách không tăng, chỉ hoạt động cầm chừng.

Giá xăng dầu tăng mạnh

Từ 15 giờ chiều 23/5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng ở tất cả các mặt hàng. Theo đó, Liên bộ Công thương- Tài chính đã phát thông tin về việc điều chỉnh giá xăng dầu. Cụ thể, giá xăng E5RON92 tăng thêm 680 đ/lít, từ mức 28.959 đ/lít lên 29.639 đ/lít. Xăng RON95-III tăng 670 đ/lít, từ mức 29.983 đ/lít lên 30.653 đ/lít. Dầu diesel giảm 1.100 đ/lít, từ 26.650 đ/lít xuống còn 25.550 đ/lít. Dầu hỏa giảm 760 đ/lít, từ 25.160 đ/lít xuống còn 24.400 đ/lít. Dầu mazut giảm 970 đ/ký, từ mức 21.560 đ/kg xuống còn 20.590 đ/kg.

Liên bộ Công thương- Tài chính cho biết không trích lập quỹ bình ổn đối với xăng mà chỉ sử dụng 100 đ/lít với xăng E5RON92 và 300 đ/lít với xăng RON95, trong khi đó trích sử dụng quỹ bình ổn với các mặt hàng dầu ở mức 300- 400 đ/lít.  

Trong năm nay giá xăng dầu liên tục tăng và có mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, kể từ tháng 7/2014. Như vậy, hiện tại, giá xăng liên tục thiết lập mức kỷ lục và đang có mức cao nhất trong lịch sử.

Giá xăng, dầu liên tiếp tăng trong hơn hai tháng qua và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đã khiến nhiều doanh nghiệp vận tải chưa kịp hồi phục sau dịch COVID-19 lại phải gánh thêm khoản chi phí lớn từ giá nhiên liệu tăng. Nhiều doanh nghiệp vận tải chia sẻ, khó khăn chồng chất khó khăn, doanh nghiệp đang đối mặt với thua lỗ và phải giảm hoạt động.

Theo các chuyên gia kinh tế, chi phí nhiên liệu xăng, dầu chiếm khoảng 40% giá thành vận tải. Giá xăng dầu tăng trong khi lượng khách đi xe giảm khiến kinh doanh thua lỗ. Việc tăng giá cước trong thời điểm này cũng không phải dễ vì người dân, doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp cũng phải “liệu cơm gắp mắm”, hoạt động cầm chừng trong bối cảnh hiện nay để vượt qua khó khăn.

Hoạt động cầm chừng

Trước tình hình giá xăng dầu tăng mạnh, ông Nguyễn Ngọc Lâm- Trưởng Phòng Hành chính DNTN Phú Vĩnh Long chia sẻ, chi phí tăng cao, lượng khách không tăng. “Hoạt động vận tải gặp nhiều khó khăn do chi phí nhiên liệu tăng, tình trạng kẹt đường liên tục cũng khiến doanh nghiệp tăng chi phí hoạt động. Có thể nói, hiện nay doanh nghiệp vận tải chỉ hoạt động cầm chừng. Lỗ nặng!”- ông Lâm cho biết.

Trước tình hình thực tế, tuy giá dầu điều chỉnh có giảm nhưng chỉ giảm so với giá lần đều chỉnh trước. Nhìn chung, giá dầu đang ở mức quá cao kéo theo nhiều chi phí phát sinh. Tuy nhiên, đề cập đến việc tăng giá vé để “theo kịp” giá xăng dầu, ông Lâm “lắc đầu”, lượng khách không tăng thì khó tăng giá vé để bù lỗ. Với tình hình như hiện nay, nếu tăng giá vé lên thì sẽ không có khách đi. Doanh nghiệp vừa ứng phó với bão giá xăng dầu, vừa cầm chừng giữ khách.

Chi phí nhiên liệu tăng gây áp lực tăng giá vận tải.  Ảnh minh họa
Chi phí nhiên liệu tăng gây áp lực tăng giá vận tải. Ảnh minh họa

Trong khi đó, nhiều tài xế chuyên tải lớn vận chuyển hàng hóa Bắc- Nam cho biết, chi phí đã “đội” lên khoảng 20% làm ảnh hưởng đến giá cả nhiều mặt hàng. “Tuy nhiên, tăng giá dịch vụ vận chuyển cũng rất khó vì hiện doanh nghiệp cũng đang gặp khó. Cánh tài xế chạy đường dài cũng cố gắng gánh vác một phần khó khăn với doanh nghiệp, nhưng tới đâu… hay tới đó”- anh Trung- một tài xế vận tải Bắc- Nam (ở Phường 3- TP Vĩnh Long) cho biết.

Vừa ứng phó với chi phí nhiên liệu tăng cao, vừa cạnh tranh giữ khách là tình hình chung của ngành dịch vụ vận tải du lịch nhỏ lẻ. Anh Hoàng Em (ở Phường 8- TP Vĩnh Long) cho biết, nhà có 3 xe loại 4- 7 chỗ chuyên cho thuê, kinh doanh dịch vụ vận tải và giá dịch vụ hiện tại không thể tăng.

“Thị trường cho thuê xe dịch vụ hiện nay ở Vĩnh Long gần như bão hòa. Mình lấy cớ giá xăng dầu tăng, chi phí tăng để tăng giá dịch vụ cũng không được vì khách sẽ bỏ để thuê chỗ khác cạnh tranh hơn. Giờ không phải xe chạy nhiều mà… ham vì còn đủ mọi chi phí phát sinh, bảo dưỡng phương tiện”- anh Hoàng Em cho biết.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh