Tiếp thu lý thuyết nhưng thiếu kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng về giao tiếp, ứng xử, hoạt động nhóm khiến nhiều bạn trẻ không tự tin khi va chạm thực tế.
Đây cũng là lý do thôi thúc chị Liêu Kim Thủy - Giám đốc Công ty TNHH MTV Truyền thông và Đào tạo Cuộc sống mới chi nhánh Vĩnh Long, hình thành ý tưởng khởi nghiệp và theo đuổi bằng tất cả đam mê trong hơn 10 năm qua.
Đào tạo kỹ năng mềm cho học viên Cơ sở Cai nghiện. |
Tiếp thu lý thuyết nhưng thiếu kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng về giao tiếp, ứng xử, hoạt động nhóm khiến nhiều bạn trẻ không tự tin khi va chạm thực tế.
Đây cũng là lý do thôi thúc chị Liêu Kim Thủy - Giám đốc Công ty TNHH MTV Truyền thông và Đào tạo Cuộc sống mới chi nhánh Vĩnh Long, hình thành ý tưởng khởi nghiệp và theo đuổi bằng tất cả đam mê trong hơn 10 năm qua.
Lấy lại niềm tin cuộc sống
Cuối tháng 3 vừa qua, Cơ sở Cai nghiện ma túy (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) kết hợp cùng Công ty TNHH MTV Truyền thông và Đào tạo Cuộc sống mới, khai giảng lớp dạy nghề hớt tóc nam cho 15 học viên đang cai nghiện tại cơ sở. Đây là một trong nhiều chuỗi hoạt động mà 2 đơn vị triển khai trong nhiều năm qua nhằm thực hiện công tác đào tạo nghề, hỗ trợ học viên tìm được việc làm sau cai nghiện.
Song song đó là các hoạt động đào tạo kỹ năng sống, với các buổi nói chuyện định kỳ giữa học viên và các chuyên gia tâm lý. Theo chị Liêu Kim Thủy, hoạt động nhằm trang bị cho học viên tại cơ sở các kiến thức, kỹ năng sống, cách ứng xử với thầy cô, gia đình, bạn bè, xã hội. Qua đó giúp các học viên thay đổi hành vi, tích cực học tập, rèn luyện sức khỏe trước khi về với gia đình và hòa nhập với cộng đồng.
“Hầu hết học viên mới vào cai nghiện đều có tâm lý chán nản, thiếu niềm tin vào cuộc sống, bất cần đời. Do vậy, không nên áp đặt học viên vào khuôn khổ cứng nhắc mà nên cho họ được tham gia các hoạt động trải nghiệm, các trò chơi, sinh hoạt đội nhóm giúp xoa dịu căng thẳng. Tiếp đến là truyền đạt, rèn luyện học viên kỹ năng sống tích cực, tình yêu thương con người, bạn bè, người thân”- chị Thủy phân tích, đồng thời cũng cho biết, cũng tùy thái độ, hoàn cảnh của từng học viên mà triển khai hoạt động phù hợp, mục tiêu là hướng mỗi người có lối sống tích cực hơn.
Bên cạnh hoạt động đào tạo kỹ năng mềm cho các học viên cai nghiện, chị Thủy cho biết, hiện Công ty TNHH MTV Truyền thông và Đào tạo Cuộc sống mới cũng đang phối hợp với Trường CĐ Vĩnh Long, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh mở các khóa đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên và người lao động có nhu cầu, nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng giao tiếp, bán hàng, thuyết trình,… “Thực tế, nhiều bạn trẻ sau khi được trang bị các kỹ năng trên đã tự tin, lanh lẹ hơn, chỉnh chu ngay cả trong cách đi đứng, ăn mặc, nói năng. Có bạn dù đang thử việc tại công ty nhưng đã thể hiện được khả năng như một nhân viên thực thụ và được ký hợp đồng chính thức”- chị Thủy thông tin.
Anh Nguyễn Chí Bảo (TP Vĩnh Long) là người hoạt bát, nhanh nhẹn trong công việc và giao tiếp. Ít ai biết rằng, từng có khoảng thời gian anh là người nhút nhát, hay “mắc cỡ” khi làm việc nhóm hoặc nói chuyện trước đám đông. Anh cho biết: “Thời sinh viên, tôi rất ngại phát biểu và tham gia các hoạt động đông người, nhiều khi nói chuyện cũng không dám nhìn thằng vào người khác. Khi biết Công ty TNHH MTV Truyền thông và Đào tạo Cuộc sống mới có chương trình đào tạo kỹ năng mềm nên tôi đăng ký tham gia. Nhờ được trang bị kiến thức, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, tôi trở nên năng động, mạnh dạn hơn. Ra trường, tôi xin vào làm việc cho công ty đến nay đã 5 năm”.
Trang bị kiến thức, kỹ năng
Kỹ năng mềm là một thuật ngữ xã hội học chỉ những kỹ năng có liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ, khả năng hòa nhập xã hội, thái độ và hành vi ứng xử áp dụng vào việc giao tiếp giữa người với người. Chị Thủy cho rằng, đây là yếu tố quyết định mình là ai, làm việc thế nào và cũng là thước đo hiệu quả cao trong công việc. Bởi thực tế, sinh viên tham gia phỏng vấn thường chỉ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng bằng cấp, khả năng chuyên môn, kinh nghiệm làm việc. Thế nhưng, năng lực mỗi người được đánh giá ở nhiều khía cạnh, trong đó có kiến thức, kỹ năng và thái độ. Điều này khẳng định rằng học không chỉ để biết mà học còn để làm việc, để chung sống và để tự khẳng định mình.
Chị Thủy chia sẻ: “Hơn 10 năm trước, công việc của tôi thường xuyên tiếp xúc với nhiều bạn trẻ, dù có nhiều nhiệt huyết nhưng thấy các em rất ngại tiếp xúc với đám đông, ngượng ngùng trong giao tiếp hoặc thiếu kinh nghiệm trong giải quyết các tình huống. Đó cũng là thực tế và động lực để tôi hình thành ý tưởng khởi nghiệp với các hoạt động đào tạo kỹ năng nhằm giúp các bạn tự tin hơn khi hòa nhập xã hội”.
Chị Thủy cho biết thêm, hiện công ty đang triển khai chương trình huấn luyện “Đặc huấn kỹ năng sống” giúp cho người học thay đổi bản thân về nhân cách đạo đức, tình yêu thương, xây dựng ước mơ, khát khao, ý chí lớn, dám nghĩ dám làm, tránh xa tệ nạn xã hội, sử dụng thời gian hiệu quả, sử dụng đồng tiền hiệu quả, có ý thức tự lập sớm, biết yêu thương gia đình, khát khao làm giàu cháy bỏng.
Các hoạt động nhóm, dã ngoại được công ty lồng ghép vào các khóa học, giúp rèn luyện kỹ năng cho học viên. |
Theo chị Thủy, chương trình có sự tham gia của các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh này. Các lớp học được thiết kế rất linh hoạt về thời gian, nội dung nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người học có thể tham gia và đạt hiệu quả cao nhất.
Ngoài phát triển kỹ năng mềm, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, công ty đang triển khai đào tạo thêm một số ngành nghề như: trang điểm thẩm mỹ, cắt uốn tóc, kỹ thuật pha chế đồ uống, kỹ thuật chế biến món ăn, điện dân dụng.
Sau khi hoàn thành khóa học, học viên có thể tham gia thị trường lao động hoặc tự tạo việc làm nuôi sống bản thân và gia đình. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề.
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin