Vĩnh Long trên đường phát triển nhanh và bền vững

05:04, 27/04/2022

 
Sau khi tái lập tỉnh vào năm 1992, trải qua nhiều giai đoạn khó khăn và biến động, với sự nỗ lực đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, Vĩnh Long đã có những bước đổi mới, tiến bộ và đạt những thành tựu nổi bật cả về kinh tế và xã hội. Từ một tỉnh thuần nông, điểm xuất phát kinh tế thấp, đến nay Vĩnh Long đã xây dựng được một nền tảng kinh tế- xã hội tương đối vững chắc, chú trọng tăng trưởng xanh và bền vững.

 

Ảnh: THÀNH NHÂN
Ảnh: THÀNH NHÂN
 
Sau khi tái lập tỉnh vào năm 1992, trải qua nhiều giai đoạn khó khăn và biến động, với sự nỗ lực đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, Vĩnh Long đã có những bước đổi mới, tiến bộ và đạt những thành tựu nổi bật cả về kinh tế và xã hội. Từ một tỉnh thuần nông, điểm xuất phát kinh tế thấp, đến nay Vĩnh Long đã xây dựng được một nền tảng kinh tế- xã hội tương đối vững chắc, chú trọng tăng trưởng xanh và bền vững.
 
Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế
 
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ khi được tái lập, trong điều kiện khó khăn của một tỉnh nhỏ, điểm xuất phát thấp, công nghiệp chưa phát triển, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bên cạnh những thuận lợi, tỉnh Vĩnh Long cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức do những yếu kém của nền kinh tế, thiên tai địch họa diễn biến phức tạp, tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát cao, các hoạt động chống phá “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch diễn biến phức tạp.
 
Trong bối cảnh đó, theo ông Nguyễn Văn Đời- quyền Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long (giai đoạn 1992- 1994), tỉnh ta đã định hướng khai hoang, cải tạo đồng ruộng để khắc phục khó khăn sau chiến tranh và sớm thoát khỏi tình trạng đói nghèo. Điều đáng quý là Đảng bộ nói và dân tin, dân làm theo, bởi vì khi triển khai quyết sách gì phải nói đi đôi với làm. 
Cùng với đó, “sau khi tái lập tỉnh Vĩnh Long năm 1992, tỉnh ra sức xây dựng các công trình thủy lợi, phát triển hạ tầng nông thôn, nâng cấp đường sá…”- ông Trương Văn Sáu- nguyên Bí thư Tỉnh ủy cũng cho biết.
 
Từ những quyết sách: “Vĩnh Long không phá thế nông nghiệp là không giàu được, phải đầu tư công nghiệp”, hay “tỉnh đã xác định phát triển công nghiệp sạch, lựa chọn ngành nghề ít ô nhiễm”… Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng nhanh thu hút đầu tư trong và ngoài nước cho mục tiêu phát triển, Vĩnh Long đã đầu tư xây dựng và hình thành Khu Công nghiệp Hòa Phú, Khu Công nghiệp Bình Minh và Tuyến Công nghiệp Cổ Chiên. 
 
Ông Trương Văn Sáu cho rằng: “Năm 2001- 2010 có thể coi là giai đoạn phát triển các khu- tuyến công nghiệp và cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến rất rõ nét. Chủ trương của tỉnh là phải phát huy vai trò tự lực tự cường, phấn đấu đi lên bằng đôi chân của mình. Chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã đúng nhưng làm thì không dễ. Để người dân đồng thuận chủ trương, cách làm, phương án đưa ra phải có lý có tình, có tấm lòng đối với nhân dân”.
 
“Trải qua 30 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Vĩnh Long quán triệt sâu sắc và kiên định đường lối đổi mới của Đảng, đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, kiên trì thực hiện và đạt nhiều thành quả quan trọng”- theo đánh giá của Văn phòng Tỉnh ủy Vĩnh Long. Điều đó thể hiện qua những “con số biết nói”, đến năm 2022 so với năm 1992: quy mô nền kinh tế tăng gấp 41,7 lần; kim ngạch xuất khẩu tăng 42 lần; GRDP bình quân đầu người tăng 40 lần…
 
Kinh tế từng bước phát triển theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn; thu nhập và đời sống người dân phát triển vượt bậc và khá bền vững. Cùng với xây dựng hệ thống đô thị và nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại; huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng ngày càng hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển. 
Trong giai đoạn 1992- 2021, tỷ trọng khu vực thương mại- dịch vụ tăng bình quân 0,67 điểm %/năm. Ảnh: TL
Trong giai đoạn 1992- 2021, tỷ trọng khu vực thương mại- dịch vụ tăng bình quân 0,67 điểm %/năm. Ảnh: TL
Từ những bước chuyển mình, đổi mới toàn diện, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đánh giá: Vĩnh Long đã hoàn thành mục tiêu- trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm ước đạt 4,9%. Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội được đầu tư ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là phát triển hệ thống đô thị, giao thông nông thôn. Hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trước 2 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội. 
 
Kỳ vọng vị thế “trung tâm” vùng ĐBSCL 
 
Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long khi tái lập có 6 đơn vị hành chính, gồm 5 huyện và 1 thị xã. Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 5/5/1992. 
 
Sau 30 năm tái lập tỉnh, TX Vĩnh Long từ đô thị loại IV đã lên TP Vĩnh Long và đạt đô thị loại II; huyện Bình Minh phát triển thành thị xã và đạt chuẩn đô thị loại III. Các huyện đều xây dựng được thị trấn đạt đô thị loại V. Từ các xã nông thôn với nhiều khó khăn, đến nay đã có 66/87 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 76% số xã của tỉnh. 
 
Với sự đổi mới trong tư duy, sự năng động, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh Vĩnh Long đã cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nguồn lực của các thành phần và khu vực kinh tế. 
 
Cùng kết quả phát triển kinh tế- xã hội tích cực, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp và hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020- 2025), tiếp tục đặt mục tiêu thực hiện cơ cấu kinh tế là “nông nghiệp, công nghiệp- xây dựng và thương mại- dịch vụ”, cùng với 3 khâu đột phá: Một là, phát triển nguồn nhân lực phục vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và lao động có tay nghề cao. Hai là, tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp và du lịch. Ba là, đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào đô thị, thương mại, nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch. 
 
Vĩnh Long trên đường phát triển.Ảnh: TẤN PHONG
Vĩnh Long trên đường phát triển.Ảnh: TẤN PHONG
Ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Vĩnh Long xác định động lực phát triển giai đoạn 2021- 2025 tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, chất lượng và năng suất cao; phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân. Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, điều hành ở các cơ quan quản lý công và khu vực doanh nghiệp. 
 

“Tôi cho rằng, để phát triển bền vững, tỉnh cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, môi trường xanh, sạch; định hướng Vĩnh Long thành trung tâm chuyển giao công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, trung tâm cung cấp giống có uy tín của vùng ĐBSCL; hướng Vĩnh Long thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng ĐBSCL và cả nước. Hơn nữa, phấn đấu để Vĩnh Long là tuyến điểm quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam; thúc đẩy Vĩnh Long thành tỉnh có mức độ ứng dụng công nghệ 4.0 hàng đầu tại vùng ĐBSCL vào công tác quản lý, điều hành và phát triển dịch vụ, thương mại. Chúng ta cũng có thể kỳ vọng Vĩnh Long là một trong những tỉnh, thành phố có năng suất các yếu tố tổng hợp- TFP cao nhất vùng”- ông Lữ Quang Ngời nhấn mạnh.

 
BVL_a (34).jpg
Ảnh: HẢI YẾN
 
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 7, khóa XI, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong năm 2022 là: tập trung chỉ đạo phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ lập và trình phê duyệt quy hoạch vùng huyện, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021– 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới phục vụ phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu.
 

Ảnh: HẢI YẾN

 
Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời: Để phát triển bền vững, tỉnh cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, môi trường xanh, sạch; định hướng Vĩnh Long thành trung tâm chuyển giao công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp; hướng Vĩnh Long thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng ĐBSCL và cả nước.
TRẦN PHƯỚC
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh