Phòng trừ sâu đục trái trên cây có múi

05:04, 12/04/2022

Sâu đục trái là loài dịch hại mới xuất hiện trong thời gian vài năm gần đây. Nông dân đối phó chủ yếu là sử dụng thuốc hóa học tuy nhiên điều này sẽ ảnh hưởng đến môi trường, gây hại thiên địch. Để quản lý sâu đục trái hiệu quả, việc áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp là rất cần thiết.

 

Cần thăm vườn thường xuyên để kịp thời phát hiện sâu bệnh.
Cần thăm vườn thường xuyên để kịp thời phát hiện sâu bệnh.

Sâu đục trái là loài dịch hại mới xuất hiện trong thời gian vài năm gần đây. Nông dân đối phó chủ yếu là sử dụng thuốc hóa học tuy nhiên điều này sẽ ảnh hưởng đến môi trường, gây hại thiên địch. Để quản lý sâu đục trái hiệu quả, việc áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp là rất cần thiết.

Diện tích nhiễm bệnh tăng

Theo Cục Trồng trọt, sâu đục trái cây có múi cũng có nguy cơ gây hại tăng ở nhiều địa phương do nguồn sâu đang ở mức cao kết hợp với việc nông dân phải đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thuốc bảo vệ thực vật hóa học nên khó khăn trong kiểm soát các loài sinh vật gây hại này.

Theo đó, diện tích nhiễm sâu đục trái vùng ĐBSCL trong các tháng đầu năm trên 1.000ha (tăng 643ha so với cùng kỳ năm 2021), tỷ lệ hại phổ biến 5- 10%, phân bố chủ yếu ở Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang,…

Theo ngành nông nghiệp, cây có múi có thể bị sâu non tấn công từ một tháng tuổi đến lúc trái sắp thu hoạch, thường trên cùng một trái có một hay nhiều hang do sâu đục khoét khác nhau và mỗi hang chỉ có một sâu non cư ngụ, tấn công.

Trong lúc đào hang, sâu tuôn ra ngoài miệng hang các chất cạp từ vỏ trái cùng với cả phân sâu, các chất thải ra dính ở bên miệng hang có độ dẻo hơi nhão kết dính lại nhau tùy thuộc vào độ tuổi của trái cây có múi khác nhau. Khi trái bị tấn công, sau một thời gian bị rụng, nếu vườn bị tấn công nhiều trên 20%, ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng.

Nhiều nông dân cho hay, sâu đục trái là loại sâu bệnh rất khó phát hiện, nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời, để đến lúc chúng ăn sâu vào trái sẽ rất khó xử lý, gây thiệt hại không nhỏ.

Trên cây bưởi, sâu đục trái cũng là đối tượng gây hại lớn, và đang có chiều hướng gia tăng do thời tiết thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho sâu tấn công mạnh vào trái.

Có 5 công bưởi, chú Nguyễn Văn Trọng (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh), cho hay: “Gần đây vườn bưởi của tôi bị sâu đục trái tấn công nhiều. Dù theo dõi khá kỹ vườn nhưng vẫn phát hiện trễ, tôi phun thuốc phòng trừ, nhưng không hiệu quả bao nhiêu. Không chỉ làm giảm chất lượng trái mà sâu bệnh còn làm giảm sản lượng đáng kể, khiến tôi thất thu”.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đối với cây bưởi, sâu mới nở đục ngay vào trái, ăn vỏ trái sau đó sâu lớn dần, đục sâu vào bên trong để ăn thịt trái, sâu còn ăn luôn cả hạt.

Sâu đục và ăn rất nhanh, sâu ăn và thải phân tạo thành lớp mùn cưa bên ngoài vỏ trái. Trái bị hại thường bị xì mủ. Sâu thường đục từ vị trí giữa trái xuống đáy trái, sâu có thể gây hại ở tất cả các giai đoạn phát triển của trái từ rất sớm từ khi đậu trái đến trái cần thu hoạch.

Cần áp dụng tổng hợp biện pháp phòng trừ

Bao trái là biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Bao trái là biện pháp phòng trừ hiệu quả.

Theo ngành chức năng, sâu đục trái là các loài sâu hại rất khó phòng trừ vì đa số nông dân chỉ phát hiện khi chúng đã đục vào trái tạo những u sần trên vỏ, giai đoạn này phun thuốc phòng trừ không hiệu quả. Do đó, ở những vùng cây có múi bị nhiễm sâu đục trái nên áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp.

Anh Lê Văn Phú (xã Thanh Bình- Vũng Liêm), chia sẻ: “Để hạn chế trái cây không bị sâu đục trái tấn công, trước tiên, bao trái là biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Bao trái giúp nhà vườn giảm được ít nhất từ 12- 15 lần phun thuốc, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật rơi vãi ra môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người trực tiếp sản xuất.

Tuy nhiên, trước khi bao trái, cần phun thuốc bảo vệ thực vật để diệt trứng sâu non mới nở. Sau đó phun thuốc vào gốc để ngừa nấm bệnh giúp mẫu mã trái đẹp. Thời gian bao trái từ tháng 3 trở đi.

Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của ngành chức năng, cần cắt tỉa cành tạo sự thông thoáng, hạn chế bướm trú ẩn; bồi sình để diệt nhộng, giúp ra hoa đồng loạt.

Lưu ý bồi sình 1 lớp vừa phải tránh gây nghẹt rễ. Song song đó, phải bón phân, tưới nước để đảm bảo năng suất và chất lượng trái.

Cần thăm vườn thường xuyên, mỗi khi tưới nước để ý thời điểm thành trùng sâu đục trái xuất hiện rộ, quan sát tìm ổ trứng hay vết sâu mới đục vào vỏ trái, đây là thời điểm phun thích hợp do sâu vừa mới nở, chỉ cạp phần vỏ nên dễ bị trúng thuốc.

Có thể phối hợp thuốc để tăng tính hiệu quả và hạn chế tính kháng thuốc của sâu. Tuy nhiên, hết sức thận trọng ở các vườn có ao cá nuôi, gia súc, gia cầm.

Lưu ý sử dụng loại thuốc đặc trị đối với sâu và ít độc đối với thiên địch, môi trường. Trước khi phun thuốc, nên thu gom tất cả các trái bị sâu đục rụng xuống đất hay còn trên cây, đem đi tiêu hủy bằng cách đào hố chôn hoặc cho vào bao ny lông buộc kín để diệt sâu còn trong bao trái.

Bên cạnh đó, cần bảo vệ thiên địch như kiến vàng, đây được xem là “khắc tinh” của các loài sâu hại trên cây có múi, kiến sẽ ăn trứng, sâu và tấn công bướm.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh