Người tiêu dùng mong bình ổn giá

02:04, 01/04/2022

Theo Tổng cục Thống kê, tính riêng tháng 3/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tăng 0,7% so tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá, riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm giá. Hơn ai hết, người tiêu dùng mong giá cả hàng hóa bình ổn để giàm bớt gánh nặng chi tiêu.

 

Theo Tổng cục Thống kê, tính riêng tháng 3/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tăng 0,7% so tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá, riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm giá. Hơn ai hết, người tiêu dùng mong giá cả hàng hóa bình ổn để giàm bớt gánh nặng chi tiêu.

 Người tiêu dùng mong giá cả hàng hóa bình ổn để giảm bớt gánh nặng chi tiêu.
Người tiêu dùng mong giá cả hàng hóa bình ổn để giảm bớt gánh nặng chi tiêu.

Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu

Những ngày gần đây, chị Nguyễn Thị Anh Thư (Phường 4- TP Vĩnh Long) giật mình khi đổ đầy bình xăng cho xe máy phải tốn đến 150.000đ trong khi mấy tháng trước chỉ tốn chừng 80.000đ. Chị Thư cho biết, hai vợ chồng đi làm lương tháng khoảng 14 triệu đồng nhưng “tháng nào hết tháng nấy”. Chị nhẩm tính, riêng tiền mua đồ ăn cho gia đình 5 người là khoảng 200.000 đ/ngày, chưa kể tiền sữa, học phí cho con, đám tiệc… nên phải thắt chặt các khoản chi. “Đồ ăn thì luôn tính toán chọn mua những món giá mềm, tranh thủ nấu ăn tại nhà để đảm bảo đủ chất mà vừa tiết kiệm hơn so với ăn ngoài. Do đó, giấc mơ mua một căn nhà ở đô thị nhiều năm qua vẫn chưa thực hiện được”- chị Thư chia sẻ.

Là công nhân, chị Đặng Hồng Nga ở xã Song Phú (Tam Bình) cho biết: “Nhà tui có 4 người, đứa con gái út là sinh viên, 3 người còn lại là công nhân, lương tháng tổng cộng mười mấy triệu đồng nhưng có tháng hụt tiền. Do đó, mỗi lần nghe xăng, gas, hàng hóa thiết yếu tăng giá là… ngán”. Để giảm chi, nhà chị tận dụng diện tích nhỏ ở khu dân cư trồng rau, thả giàn mướp, đậu rồng, nuôi vài con gà, con vịt... Chồng chị tranh thủ ngoài giờ làm ra đồng kiếm cá.

Là sinh viên một trường ĐH ở Vĩnh Long, em Nguyễn Thị Hồng Lan thì cho biết: “Những đợt gần đây xăng tăng giá khiến em tốn thêm vài chục ngàn đồng/bình, tính ra mỗi tháng tốn thêm vài trăm ngàn đồng. Đáng nói là thường khi xăng tăng giá thì các thứ hàng hóa thiết yếu khác cũng rục rịch tăng theo, chưa kể tiền trọ, tiền điện nước, tiền in, mua tài liệu học tập... Do đó, muốn mua gì em cũng cân nhắc kỹ. Đồng thời, tranh thủ làm thêm để giảm chi phí cho gia đình”.

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 3/2022, CPI tăng 0,7% so tháng trước, tăng 1,91% so tháng 12/2021 và tăng 2,41% so cùng kỳ năm ngoái. Bà Nguyễn Thu Oanh- Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, cho biết, nguyên nhân tăng CPI tháng 3 là do giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu.

Thận trọng quản lý, điều hành giá

Tính chung quý I/2022, CPI cả nước tăng 1,92% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng của quý I các năm 2017- 2020. Các yếu tố làm tăng CPI trong quý là: giá xăng dầu được điều chỉnh 7 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 5.900 đ/lít; giá xăng E5 tăng 5.780 đ/lít và giá dầu diezen tăng 6.060 đ/lít. Bình quân quý I/2022, giá xăng dầu trong nước tăng 48,81% so cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,76 điểm phần trăm.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, một số nguyên nhân tác động, làm giảm CPI trong quý I/2022 như: Giá các mặt hàng thực phẩm giảm 1,2% so cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,26 điểm phần trăm. Theo Tổng cục trưởng Tổng Cục thống kê- Nguyễn Thị Hương, mặt bằng giá trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm khá lớn. Công tác quản lý, điều hành giá sẽ tiếp tục được thực hiện một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt nhằm bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng CPI bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

™Bài, ảnh: SÔNG HẬU

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh