Doanh nghiệp nhà nước phải tiên phong dẫn dắt nền kinh tế

05:04, 12/04/2022

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế- xã hội". Thủ tướng nêu rõ: "Những gì DN tư nhân, FDI chưa làm được, chưa có điều kiện để làm hoặc những nơi khó khăn thì DNNN phải xốc vác, tiên phong".

 

 

Các doanh nghiệp nhà nước đóng góp quan trọng vào nguồn thu của đất nước. Ảnh: Kho bạc Nhà nước tỉnh Vĩnh Long
Các doanh nghiệp nhà nước đóng góp quan trọng vào nguồn thu của đất nước. Ảnh: Kho bạc Nhà nước tỉnh Vĩnh Long

(VLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế- xã hội”. Thủ tướng nêu rõ: “Những gì DN tư nhân, FDI chưa làm được, chưa có điều kiện để làm hoặc những nơi khó khăn thì DNNN phải xốc vác, tiên phong”.

Đóng góp hơn 29% GDP

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến đầu năm 2021, cả nước còn gần 500 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 DN do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Hiện nay, nếu trừ các DN quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp thì chỉ còn 94 DNNN quy mô lớn gồm: 9 tập đoàn kinh tế; 67 tổng công ty nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ- công ty con.

Các DNNN đang chiếm thị phần rất lớn trong một số lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, ngân hàng… đóng góp hơn 29% GDP của đất nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư- Nguyễn Chí Dũng, 5 năm qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành khá đầy đủ, đồng bộ các cơ chế, chính sách điều chỉnh hoạt động của DNNN, tạo khung khổ pháp lý để các DNNN tổ chức triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh và đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016- 2020 của DNNN là 10,46%. Đáng chú ý, số thuế và các khoản phải nộp bình quân của DNNN là 576 tỷ đồng, gấp 43 lần DN có vốn đầu tư nước ngoài và 14 lần DN dân doanh.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hoạt động và đóng góp của khối DNNN trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là nguồn lực đang nắm giữ và thị trường đang chi phối.

Những tồn tại, hạn chế bắt nguồn từ 5 nguyên nhân cơ bản: bất cập trong hệ thống pháp luật về DNNN; chưa thật sự phân cấp, trao quyền tự chủ cho DNNN trong đầu tư kinh doanh, quản trị và quản lý điều hành; các quy định về tiền lương và chế độ đãi ngộ khác cho người quản lý DNNN chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp; công tác quản lý nhà nước đối với DNNN còn chưa được rõ ràng.

Doanh nghiệp hoạt động công ích nằm trong số các ngành, lĩnh vực doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Doanh nghiệp hoạt động công ích nằm trong số các ngành, lĩnh vực doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Đề xuất một số định hướng để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng “sau hội nghị này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có những quyết sách quan trọng, căn cơ để có thể “cởi trói”, tạo động lực mạnh mẽ, khơi thông nguồn lực để DNNN có thể đóng góp nhiều hơn nữa đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới”.

Tiên phong đổi mới, dẫn dắt nền kinh tế

Các ý kiến tại hội nghị cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới là tăng đầu tư, tăng đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động để DNNN thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính- Hồ Đức Phớc, trong hoàn cảnh khó khăn hay khi có biến động trên thị trường… sẽ thấy rõ hơn vai trò quan trọng của DNNN, trong đó có vai trò dẫn dắt, điều tiết, chia sẻ.

Ông lấy ví dụ, các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối đã tăng cường hiệu lực thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, DNNN phải đóng vai trò tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ và thể hiện vai trò dẫn dắt nền kinh tế, góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ công nhân viên.

DNNN cần kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được, từ đó tạo ra bước phát triển tích cực, nhanh, bền vững, một số DN phải tạo bước phát triển đột phá.

Bên cạnh, Thủ tướng cũng gợi ý mục tiêu DNNN phấn đấu đóng góp 35% ngân sách nhà nước trong nhiệm kỳ này.

Theo đó, cần tập trung tháo gỡ thể chế, cơ chế chính sách; tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, trách nhiệm, tự chủ, trách nhiệm của DN. Trong đó, phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và có công cụ kiểm soát; từ đó tạo không gian phát triển, không gian đổi mới, sáng tạo.

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cụ thể và phối hợp chặt chẽ với DN để thực hiện nhiệm vụ; huy động nguồn lực của DNNN vào phát triển kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Bên cạnh, cần coi trọng công tác giám sát, kiểm tra, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Tại Vĩnh Long, các DN có vốn nhà nước đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách, giữ vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, tỉnh tiếp tục hoàn thiện chức năng quản lý của Nhà nước, giám sát, đánh giá mức độ an toàn, hiệu quả hoạt động, xếp loại DNNN và người đại diện chủ sở hữu cổ phần, vốn góp của Nhà nước. Bên cạnh, quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn. Về phía các DN, cần chủ động hơn trong hội nhập, vươn ra thị trường quốc tế, tăng cường liên kết giữa các DNNN và các DN trong nước thuộc các thành phần kinh tế khác.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh