Ông Trần Duy Đông- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP vào ngày 10/1/2022 thể hiện rõ thông điệp tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp (DN).
|
Tỉnh Vĩnh Long luôn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư. |
Ông Trần Duy Đông- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP vào ngày 10/1/2022 thể hiện rõ thông điệp tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp (DN).
Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực
cạnh tranh.
Theo đó, kết quả đo lường chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) liên tục vào nhóm 10 tỉnh, thành đứng đầu cả nước. Thời gian giải quyết hồ sơ cấp mới giấy chứng nhận thành lập DN tại Trung tâm phục vụ Hành chính công của tỉnh trung bình từ 8 giờ xuống còn 4 giờ. Thời gian tiếp cận điện năng xuống còn 19,5 ngày đối với các dự án, DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Thời gian đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tối đa 28 ngày. Cùng với đó, chính quyền điện tử của tỉnh đã hình thành một số ứng dụng, dịch vụ, cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Cổng dịch vụ công của tỉnh đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với cổng dịch công quốc gia; thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ. Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp các ngành hoàn chỉnh dự thảo và trình UBND tỉnh xem xét ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP.
Ông Nguyễn Văn Thân- Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho biết, có gần 60% DN đánh giá môi trường kinh doanh trong nước đã cải thiện tốt hơn. Trong đó, việc thành lập DN và tiếp cận điện năng được đánh giá có cải thiện tốt nhất. Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 02, ông đề xuất cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên 2 yếu tố quan trọng là cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và phát triển ứng dụng khoa học công nghệ. Ông cũng cho rằng, điều thiết yếu, cơ bản là các DN ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, quy mô đều được thụ hưởng những chính sách và cơ hội phát triển như nhau. Chẳng hạn như các DN nhỏ và vừa khi được tham gia vào các dự án đầu tư công thì sẽ được cải thiện năng lực cạnh tranh ở nhiều khâu, từ chuẩn bị tài chính, con người đến lập hồ sơ dự thầu và thi công, quyết toán. Khi Nhà nước trao cơ hội nhiều hơn cho các DN nhỏ và vừa thì qua một thời gian họ sẽ trở thành các DN lớn. “Do vậy, tôi vẫn thiết tha kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét, dành khoảng 30% công trình, dự án đầu tư công cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa”- ông Thân nói.
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, mặc dù dịch bệnh COVID-19 tác động nặng nề nhưng năm 2021, có gần 160.000 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Chất lượng môi trường kinh doanh cải thiện tích cực cũng được thể hiện rõ qua kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Tuy nhiên, cũng theo ông Đông, cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta từ năm 2020 do tác động của đại dịch có xu hướng chững lại. Năm 2021 so năm 2020, nhiều chỉ số giảm điểm hoặc giảm bậc, như: đổi mới sáng tạo giảm 2 bậc (từ thứ 42 xuống 44); phát triển bền vững giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 49 xuống 51); quyền tài sản giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 78 xuống 84); cảm nhận tham nhũng giảm 8 bậc (từ thứ 96 xuống 104). Vì vậy, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế– xã hội. Nghị quyết được thiết kế tổng thể với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho cả nhiệm kỳ (đến năm 2025) và một số nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2022. Những năm tiếp theo, Nghị quyết xây dựng với các giải pháp cụ thể hơn, phù hợp với các trọng tâm ưu tiên của từng năm.
Trợ lực cho DN
Ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đề nghị Chính phủ tiếp tục có các chính sách và các hỗ trợ cần thiết cho DN và người dân để chủ động phòng chống dịch, hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển. Ông cũng đề nghị cần thúc đẩy việc giải ngân và kéo dài các gói hỗ trợ của Nhà nước cho DN. Cụ thể, giải ngân sớm gói hỗ trợ 350 ngàn tỷ đồng; tiếp tục kéo dài gói hỗ trợ cho DN vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đến hết 31/12/2022 và mở rộng điều kiện vay vốn; tăng mức cho vay lên tối đa 6 tháng lương tối thiểu vùng/người lao động. Ông cũng kiến nghị Chính phủ cho phép DN đưa các chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 vào chi phí sản xuất. Giảm mức đóng góp cho các quỹ bảo hiểm xã hội xuống còn 26%, giảm kinh phí công đoàn xuống 1%.
|
Tập trung hỗ trợ để doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. |
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Nghị quyết 02 lựa chọn một số vấn đề và nội dung trọng tâm cải cách cho giai đoạn 2022- 2025 đáng chú ý như: cải thiện các yếu tố của môi trường kinh doanh theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho DN; cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh. Bên cạnh, dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai; thúc đẩy chuyển đổi số đồng bộ với cải cách hành chính; đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát. Đồng thời, chú trọng các giải pháp hỗ trợ người dân và DN phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh; tạo lập thể chế khuyến khích đổi mới, sáng tạo.
“Đặc biệt, trong bối cảnh DN gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, những nỗ lực về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được kỳ vọng là những giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững, là trợ lực hữu hiệu cho DN phục hồi và phát triển”- ông Đông nói.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin