Con số hàng trăm hộ kinh doanh ở chợ Vĩnh Long đăng ký thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, là tín hiệu vui để ngành công thương và các đơn vị phối hợp tiến tới mục tiêu "Chợ 4.0". Việc không dùng tiền mặt có rất nhiều lợi ích, nhanh chóng, hiệu quả cho cả người bán và người mua.
(VLO) Con số hàng trăm hộ kinh doanh ở chợ Vĩnh Long đăng ký thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, là tín hiệu vui để ngành công thương và các đơn vị phối hợp tiến tới mục tiêu “Chợ 4.0”. Việc không dùng tiền mặt có rất nhiều lợi ích, nhanh chóng, hiệu quả cho cả người bán và người mua.
So với cách giao hàng- thanh toán không tiếp xúc- trong thời kỳ dịch COVID-19, người mua để tiền vào rổ, nhận tiền thối và hàng… qua cái rổ; người bán nhận tiền lại xịt xịt khử khuẩn rồi mới cầm tiền cho vào ví… Nhiều người nhận thấy cách làm này không được lịch sự, văn minh cho lắm, rườm rà và cũng kém an toàn.
Việc mua hàng bằng cách chuyển khoản, “quẹt thẻ” đã được các siêu thị, cửa hàng lớn áp dụng từ khá lâu, nay ở chợ các tiểu thương cũng chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt khiến người tiêu dùng yên tâm khi đi chợ mua sắm.
Đại dịch COVID-19 được xem là đòn bẩy thúc đẩy nhanh xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt trên toàn thế giới khi mà mọi người hạn chế tiếp xúc với nhau.
Thông tin tại buổi tọa đàm “Thúc đẩy thanh toán số sau đại dịch”, ông Lê Văn Tuyên- Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) chia sẻ: Hình thức thanh toán hiện đại, tiệm cận với trình độ công nghệ của thế giới đang được các ngân hàng giới thiệu, dần phổ cập tại Việt Nam như thanh toán bằng thẻ chip phi tiếp xúc (contactless), thanh toán trực tuyến lẫn ngoại tuyến tại điểm bán qua mã QR, thanh toán trực tuyến cho dịch vụ số, thương mại điện tử qua NFC, ứng dụng Mobile banking… kết hợp với các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ như xác thực sinh trắc học bảo mật, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), định danh điện tử (eKYC) an toàn, thuận tiện.
Để khuyến khích khách hàng tham gia nhiều hơn trong các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, ông Lê Thanh Hà- đại diện Chi hội thẻ, Hiệp hội Ngân hàng nêu quan điểm: Vấn đề căn bản là chính sách giá và quản trị rủi ro.
Với vai trò ngân hàng hiện nay, bên cạnh cung cấp sản phẩm, nỗ lực giảm chính sách giá đưa đến người dân giá hợp lý và an toàn nhất. Với lĩnh vực thanh toán, bên cạnh giảm lãi suất, phí là điều rất quan trọng.
LÝ AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin