Trồng màu ở... "vương quốc gạch, gốm"

05:03, 16/03/2022

Trên vùng đất sét ven sông Cổ Chiên thuộc huyện Mang Thít và Long Hồ, qua quá trình canh tác, dân ruộng rẫy nơi đây đã chọn ra được loại cây trồng thích hợp cho vùng đất này ngoài khai thác đất sét để làm gạch, gốm và trồng lúa,... Đó là cây khoai mỡ và củ cải trắng.

 

Nông dân ở xóm rẫy Long Phước (xã Long Mỹ- Mang Thít) thu hoạch củ cải trắng.
Nông dân ở xóm rẫy Long Phước (xã Long Mỹ- Mang Thít) thu hoạch củ cải trắng.

Trên vùng đất sét ven sông Cổ Chiên thuộc huyện Mang Thít và Long Hồ, qua quá trình canh tác, dân ruộng rẫy nơi đây đã chọn ra được loại cây trồng thích hợp cho vùng đất này ngoài khai thác đất sét để làm gạch, gốm và trồng lúa,... Đó là cây khoai mỡ và củ cải trắng.

Mô hình trồng khoai mỡ đạt sản phẩm OCOP

Ở huyện Mang Thít, khoai mỡ được trồng trên đất ruộng với diện tích 105ha, tập trung nhiều ở ấp An Hưng (xã Mỹ An) và ấp Long Phước, Long Hòa 1 và 2 (xã Long Mỹ).

Có 2 giống khoai mỡ được trồng nhiều nhất là khoai Thục Linh (ruột trắng) và khoai Muống (ruột tím than), bởi các giống khoai này vừa có chất lượng ngon vừa được người tiêu dùng ưa thích vừa thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và lại cho năng suất cao.

Anh Võ Văn Mừng, công chức địa chính- xây dựng xã Mỹ An cho biết, cây khoai mở đã có mặt ở đây từ trước năm 2000, khi đó chỉ có vài hộ trồng với diện tích nhỏ vài ba công, dần dà thấy được hiệu quả kinh tế và tính thích nghi tốt với vùng đất sét nơi đây nên nông dân ngày càng mở rộng trồng, đến nay toàn xã có 40ha khoai. Giờ đây khoai mỡ được nông dân xã Mỹ An xem là cây màu chủ lực.

Thời gian để cây khoai mỡ trưởng thành và cho thu hoạch củ từ 5- 6 tháng, mỗi năm trồng được 1 vụ, bắt đầu trồng từ tháng 1- 2 âl, thu hoạch tháng 8- 9 âl.

Năng suất bình quân 30 tấn/ha, nếu áp dụng kỹ thuật tốt có thể đạt từ 42- 43 tấn/ha. Hơn 1 năm qua, giá khoai có biến động, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 chỉ còn 3.000- 5.000 đ/kg, nhưng sau đó giá khoai luôn duy trì ở mức cao từ 7.000- 8.000 đ/kg.

Ở mức giá này, doanh thu mỗi héc ta khoai khoảng 100- 120 triệu đồng/ha, trừ chi phí từ 50- 60% doanh thu, nông dân còn lời từ 50- 60 triệu đồng/ha, cao gấp 2 lần so với canh tác 3 vụ lúa trên cùng diện tích.

Những năm gần đây, nông dân thực hiện trồng rãi vụ (xuống giống tháng 11- 12âl, thu hoạch tháng 3- 4âl) nên khoai mỡ được thu hoạch nhiều đợt hơn trong năm và giá bán cao hơn từ 1.000- 3.000 đ/kg so với trồng 1 vụ thuận.

Và điều thuận lợi hơn là được Nhà nước hỗ trợ về kỹ thuật trồng, tổ chức liên kết trong sản xuất, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm. Ở xã Mỹ An có Hợp tác xã Nông nghiệp An Hưng và ở xã Long Mỹ có Hợp tác xã khoai mỡ Long Phước.

Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ cho Hợp tác xã Khoai mỡ Long Phước thực hiện mô hình trồng khoai mỡ theo tiêu chuẩn VietGAP tại ấp Long Hòa 2 (xã Long Mỹ) với 30ha và 66 hộ tham gia và duy trì đến nay.

Vào đầu năm 2021, sản phẩm khoai mỡ An Hưng của Hợp tác xã Nông nghiệp An Hưng được UBND tỉnh Vĩnh Long công nhận sản phẩm đạt từ 3 sao thuộc Chương trình OCOP của tỉnh. Đây là điều kiện tốt giúp nông dân chuyển dần từ sản xuất cá thể sang các hình thức hợp tác để tiện việc quản lý, đầu tư và liên kết tiêu thụ.

Đồng thời hình thành nhiều vùng nguyên liệu tập trung với sản lượng lớn, chất lượng cao và quảng bá thương hiệu để các thương lái, các doanh nghiệp dễ dàng tìm đến thu mua với giá cả hợp lý.

Mô hình trồng củ cải trắng theo tiêu chuẩn VietGAP

Củ cải trắng được trồng chuyên canh tại các xã: Thanh Đức (Long Hồ), Long Mỹ và Mỹ An (Mang Thít) với gần 90ha (vào cuối năm 2020). Cây màu này rất dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn (40- 45 ngày kể từ khi gieo hạt xuống đất). Ở Mang Thít, nông dân có thể trồng liên tục 5- 6 vụ/năm, còn ở Long Hồ phổ biến 3 vụ/năm.

Ở xã Long Mỹ, củ cải trắng trồng nhiều ở xóm rẫy ấp Long Phước. Loại cây này đã gắn bó với nông dân nơi đây gần 20 năm.

Anh Ngô Việt Sơn- trước đây là Chủ tịch Hội nông dân xã Long Mỹ cho biết, lúc đầu nông dân chọn trồng nhiều loại rau màu, nhưng thấy “đụng hàng” nên chuyển dần sang trồng củ cải trắng, nhờ đó mà nhiều hộ có đời sống ổn định. Toàn xã hiện có trên 10ha trồng chuyên loại cải này với 23 hộ tham gia.

Theo anh Sơn, củ cải trắng ưa đất tơi xốp, đặc biệt là đất cát phù sa, nhưng ruộng nơi đây toàn là đất sét pha thịt. Để khắc phục, nông dân dùng tro trấu bón trộn vào đất, nhờ vậy mà đất rẫy càng dễ trồng. Củ cải được trồng liên tục, chỉ nghỉ trồng trong vụ Thu Đông, vì vụ này thời tiết ẩm ướt không thuận lợi cho cây cải.

Còn anh Võ Văn Mừng ở xã Mỹ An cho hay, xã có 5ha trồng củ cải trắng ở ấp An Hưng, năng suất bình quân thu được 2,4- 2,6 tấn/công/vụ, nếu chủ động được nước, chăm sóc tốt, không bị thúi củ có thể đạt từ 30- 40 tấn/ha/vụ.

Vụ cải thu hoạch hồi cuối tháng 11/2021 với giá bán khá cao từ 9.000- 10.000 đ/kg, doanh thu bình quân 250 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí (50-60% doanh thu), nông dân còn lời từ 100- 120 triệu đồng/ha/vụ.

Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã tích cực hỗ trợ thực hiện các biện pháp để thúc đẩy làng nghề trồng củ cải trắng ở đây phát triển.

Năm 2017, Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít đầu tư thực hiện dự án “Xây dựng vùng sản xuất cây củ cải trắng đạt tiêu chuẩn VietGAP” với 10ha và 23 hộ tham gia, đồng thời thành lập Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ củ cải trắng Long Mỹ.

Hiệu quả đáng kể nhất của dự án là giúp nông dân phòng, trị thành công 2 đối tượng gây hại nghiêm trọng trên củ cải trắng là bệnh thúi củ và bọ nhảy.

Tháng 1/2018, tổ hợp tác này đã được chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó đến nay, tổ hợp tác vẫn duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn này; nông dân đã nắm bắt những kiến thức về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất…

Tuy việc sản xuất khoai mở, củ cải trắng ở đây đang thuận lợi, nhưng theo anh Mừng thì địa phương đang gặp khó và lúng túng trong giải quyết sản phẩm lúc thu hoạch rộ, vì hiện sản phẩm khoai, củ cải do thương lái đến thu mua tận nơi, nhưng giá cả do họ quyết định.

Đến nay, cây củ cải trắng đã sản xuất theo VietGAP và sản phẩm khoai mỡ cũng được công nhận OCOP, cơ bản đáp ứng các yêu cầu của thị trường, vì vậy địa phương kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu, ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất ở nơi đây để giúp làng nghề định hướng được sản xuất, sản phẩm cung ứng, góp phần đưa làng nghề phát triển bền vững.

Bài, ảnh: MỸ TRUNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh