Cần mạnh tay với mỹ phẩm "nhái", nhập lậu

06:03, 18/03/2022

Mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có nhãn bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam,… là những mặt hàng vi phạm bị ngành chức năng phát hiện trong thời gian qua. Dù đã tăng cường kiểm tra, xử lý song tình trạng vi phạm vẫn còn xảy ra với số lượng không hề giảm.

 

Nhiều sản phẩm mỹ phẩm vi phạm về chất lượng, nguồn gốc bị ngành chức năng phát hiện, xử lý.
Nhiều sản phẩm mỹ phẩm vi phạm về chất lượng, nguồn gốc bị ngành chức năng phát hiện, xử lý.

(VLO) Mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có nhãn bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam,… là những mặt hàng vi phạm bị ngành chức năng phát hiện trong thời gian qua. Dù đã tăng cường kiểm tra, xử lý song tình trạng vi phạm vẫn còn xảy ra với số lượng không hề giảm.

Vi phạm còn xảy ra nhiều

Theo ngành chức năng, thời gian qua, tình trạng kinh doanh các mặt hàng nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng... diễn biến hết sức phức tạp với phương thức thủ đoạn tinh vi, từ thành thị đến nông thôn, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, giảm niềm tin của người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.

Trong đó, các mặt hàng mỹ phẩm vi phạm xuất hiện khá nhiều, phổ biến nhất là tình trạng “nhái” nhãn hiệu, mỹ phẩm giả, kém chất lượng.

Lợi dụng tâm lý “ham rẻ, sính hàng ngoại”, không ít các sản phẩm được quảng cáo là hàng xách tay, hàng nội địa của các thương hiệu nổi tiếng để đánh lừa người tiêu dùng.

Từ mỹ phẩm xuất xứ Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, hay nước hoa từ Pháp, Đức,… nhãn hiệu Chanel, Gucci, Coco,…, dưỡng da, mặt nạ, kem chống nắng, kem tan mỡ,… loại nào cũng có, giá nào cũng có, nhưng chất lượng thì… “hên- xui”.

Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra và phát hiện nhiều vụ vi phạm về vận chuyển, kinh doanh mỹ phẩm, nước hoa, có nhãn hàng hóa nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Hầu hết những người kinh doanh biết là hàng hóa vi phạm, song vẫn bất chấp để kiếm lời.

Đại diện một nhà phân phối mỹ phẩm chính hãng, chia sẻ: Tình trạng sản phẩm hóa mỹ phẩm như sữa tắm, dưỡng thể, hay nước hoa,… nhập lậu, làm giả, làm nhái, “pha” hàng trà trộn với hàng xịn chính hãng xuất hiện ngày càng nhiều, không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu công ty, nhà sản xuất, nhà phân phối mà còn ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng.

Đó là chưa kể tình trạng trong khoảng 2- 3 năm trở lại đây, hình thức mua bán hàng trực tuyến qua các trang thương mại điện tử, mạng xã hội ngày càng phổ biến. Những người bán hàng giả, hàng nhái có thể nhanh chóng đăng, phát bán hàng, sau đó dễ dàng gỡ bỏ bài viết, khiến công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn gặp nhiều khó khăn.

Đáng nói là, không chỉ “nhái” các thương hiệu nổi tiếng, hiện trên thị trường xuất hiện các sản phẩm mỹ phẩm “made in nhà làm”, do cá nhân tự nghĩ ra công thức, pha chế để bán trên mạng xã hội và thông qua các điểm kinh doanh nhỏ lẻ.

Theo chuyên gia về da liễu, những trường hợp dùng phải mỹ phẩm giả đa phần sẽ bị dị ứng, kích ứng vì có thể trong mỹ phẩm đó chứa những chất độc với cơ thể, gây tổn hại da.

Cần sự chung tay, đồng lòng

Theo ngành chức năng, hiện nay, khó khăn chủ yếu trong công tác ngăn chặn các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc là công tác giám sát, kiểm tra, xử lý mỹ phẩm trên môi trường thương mại điện tử.

Nhiều điểm kinh doanh là cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình, cá nhân nên khó kiểm soát, giám sát, theo dõi. Người bán thường đăng không đầy đủ thông tin bán hàng, mập mờ thông tin hoặc đăng bán hàng thật nhưng khi giao hàng cho khách hàng lại không giống như hàng đăng bán. Trong khi đó, người tiêu dùng lại ít khi tố giác khi phát hiện vi phạm.

Người tiêu dùng cần cẩn trọng khi chọn mua sản phẩm.
Người tiêu dùng cần cẩn trọng khi chọn mua sản phẩm.

Để công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với lĩnh vực mỹ phẩm nói riêng và các mặt hàng khác nói chung, đạt hiệu quả hơn nữa, ông Lê Thanh Phong- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo các đội tăng cường công tác quản lý địa bàn, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đối với mặt hàng mỹ phẩm, mặt hàng thiết yếu, nắm bắt thông tin của những người bán hàng qua mạng xã hội, như: Zalo, Facebook…, trang thương mại điện tử, từ đó kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Song song đó, nhiều người tiêu dùng bày tỏ mong muốn cần sự ra tay mạnh mẽ, quyết liệt của các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phải chung tay, tăng cường quảng bá, phân biệt hàng thật, hàng giả để giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn đúng sản phẩm.

Bên cạnh sự can thiệp, cảnh báo, xử phạt các hành vi vi phạm của các cơ quan chức năng, theo ông Phong, để hạn chế tình trạng buôn bán mỹ phẩm nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng thì người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng, chỉ nên mua tại các cửa hàng có uy tín, đừng vì ham khuyến mãi, giá rẻ mà vô tình tiếp tay cho các đối tượng bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả. Cần lưu ý các thông tin trên bao bì, nhãn hàng hóa, hạn sử dụng, địa chỉ nơi sản xuất, công bố chất lượng.

Đối với mỹ phẩm nhập khẩu, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc xuất xứ của mỹ phẩm, nhất là nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam phải đầy đủ thông tin bắt buộc theo quy định pháp luật Việt Nam. Khi mua hàng trên trang mạng xã hội cần lựa chọn nơi bán hàng uy tín để bảo đảm an toàn. Đồng thời, khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, cần phản ánh kịp thời đến cơ quan chức năng để được xử lý, bảo vệ quyền lợi.

Câu chuyện hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái không phải chuyện có thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Do đó, rất cần sự chung tay của toàn xã hội, sự hợp sức từ doanh nghiệp, tăng cường kiểm tra của ngành chức năng và nâng cao cảnh giác từ người tiêu dùng. Có như vậy, hàng hóa vi phạm mới từng bước được đẩy lùi, ổn định thị trường.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh