Tăng mạnh 5.000 đ/kg so với 3 tháng trước, lên mức 30.000 đ/kg, giá cá tra đang ở mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây. Giá cá tra nguyên liệu đang ở mức cao là cơ hội để người dân tái đầu tư, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, người nuôi cũng cần thận trọng, trước những tiềm ẩn rủi ro, hệ lụy có thể xảy ra.
Tăng mạnh 5.000 đ/kg so với 3 tháng trước, lên mức 30.000 đ/kg, giá cá tra đang ở mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây. Giá cá tra nguyên liệu đang ở mức cao là cơ hội để người dân tái đầu tư, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, người nuôi cũng cần thận trọng, trước những tiềm ẩn rủi ro, hệ lụy có thể xảy ra.
Giá cá tra đang cao, người nuôi lời khá. |
Giá cá tra tăng sốc, nguồn cung khan hiếm
Theo nhận định của ngành chức năng, chuyện cá tra tăng sốc sau đó rớt mạnh là chuyện đã diễn ra thường xuyên trong nhiều năm qua. Hiện, giá cá tra tăng mạnh, ở mức 30.000 đ/kg. Dù giá thức ăn tăng, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, đội giá thành sản xuất lên mức 25.000 đ/kg thì sau khi trừ chi phí, người nuôi còn lời khoảng 5.000 đ/kg. Đây là mức lời cao trong nhiều năm trở lại đây.
Tuy nhiên, theo nhiều hộ nuôi cá tra, hiện nguồn cung cho thị trường rất ít. Bởi sau nhiều đợt thua lỗ kéo dài, cộng thêm ảnh hưởng của dịch bệnh nên rất nhiều hộ nuôi đã treo ao, thậm chí lấp ao trồng cây ăn trái.
Có kinh nghiệm hơn 20 năm nuôi cá tra, nên theo anh Phan Văn Danh (ấp Phước Định 1- xã Bình Hòa Phước- Long Hồ), chuyện cá tra sốt giá trong thời gian gần đây là chuyện… bình thường. Bởi nguồn cung ít, giá cá tăng sốc là chuyện dễ hiểu nên người nuôi cũng đừng nên vội mừng mà gấp gáp tái đầu tư. Với diện tích mặt nước khoảng 20 công, đang thả xen kẽ, anh Danh chia sẻ: “Hiện tôi có 4 ao đang thả nuôi được hơn 1 tháng, vừa bán đợt trong Tết, giá thấp nên đợt rồi lỗ 3.000 đ/kg cá. Giá cá lên chỉ mừng cho những hộ đang có đợt cá bán, nhưng nếu bây giờ thả nuôi lại 9- 10 tháng sau giá cá như thế nào thì khó biết được”.
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, với mức giá cá tra hiện tại, người nuôi có lời, tuy nhiên cũng không nên quá vội mừng. Bởi giá cá ở mức cao trong thời điểm này, không nhiều người nuôi được hưởng lợi vì không có nhiều người có cá để bán, do thời gian qua phải “treo ao” hoặc “ngâm cá” nên quá lứa, không đạt tiêu chuẩn thu mua. Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh, cho biết: Trước đây, cả tỉnh có khoảng 420ha nuôi cá tra, dưới tác động của dịch bệnh, giá cá tra liên tục giảm trong vài năm qua khiến diện tích nuôi giảm đáng kể. Hiện cả tỉnh còn khoảng 270ha cá tra đang thả nuôi, chưa thả lại trên 120ha.
Lý giải nguyên nhân khiến giá cá tra tăng mạnh, ông Liêm cho rằng do thời gian qua, giá cá liên tục ở mức thấp, khiến tình trạng thua lỗ kéo dài nên nhiều hộ nuôi cá đã “treo ao”, trong khi nhu cầu xuất khẩu đang rất lớn nên đã kéo giá cá lên cao.
“Với mức giá này cũng là cơ hội cho người nuôi tái sản xuất, đầu tư. Song nếu có tăng diện tích nuôi thì cả tỉnh cũng chỉ tăng tối đa khoảng 100ha so với diện tích thả nuôi hiện tại. Theo nhận định thời gian tới diện tích thả nuôi có thể tăng, nhưng sẽ không xảy ra tình trạng tăng diện tích nuôi đột biến. Hiện cá tra được nuôi phổ biến ở các khu vực ven sông lớn như Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Trà Ôn,…”- ông Liêm cho hay.
Cần cẩn trọng khi tái đầu tư sản xuất
Theo ngành chức năng, tuy giá cá tra đang cao nhưng nếu muốn tái đàn thì người nuôi nên lường trước những rủi ro có thể xảy ra như: thời tiết cực đoan làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, chất lượng sản phẩm bị giảm sút, gây mất ổn định ngành hàng... Đồng thời, bên cạnh giá thức ăn tăng thì nguồn con giống cá tra cũng đang khan hiếm.
Anh Danh cho hay: Hiện cá tra giống đang rất ít, giá rất cao. Nếu như trước đây chỉ có giá 30.000- 35.000 đ/kg cá giống loại 30 con/kg, thì hiện nay đã tăng lên 50.000- 55.000 đ/kg. Song, cá lại ít chất lượng, tỷ lệ hao hụt cao đến 50- 60%, thời gian nuôi lại kéo dài hơn. Giá thức ăn hiện cũng đã tăng 1.000- 1.500 đ/kg, nên nếu không cẩn trọng, thấy giá cá thành phẩm trước mắt đang cao mà thả nuôi liền thì rất dễ xảy ra rủi ro khi thị trường không ăn hàng.
Chủ tịch xã Bình Hòa Phước (Long Hồ) Trần Minh Cảnh, cho hay: Trước đây xã có nhiều hộ nuôi cá tra khu vực ven sông, hiện nay chỉ còn một số ít hộ. Giá cá lên cũng mừng cho hộ nuôi, nhưng cũng khuyến cáo người dân không nên ồ ạt thả nuôi lại mà cần phải dè chừng, cẩn trọng, bởi còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro về thị trường, dịch bệnh, nguồn nước…
Mới đây, Bộ Nông nghiệp- PTNT tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2022. Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, ở ĐBSCL thị trường cá tra nguyên liệu báo hiệu hồi phục nhanh chóng. Cơ hội mới từ thị trường xuất khẩu năm 2022 đang mở ra.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Phùng Đức Tiến nhận định: Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu tăng là tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất, tiêu thụ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, để ngành hàng cá tra đạt kết quả tốt trong năm nay, Tổng cục Thủy sản và các cơ quan chức năng liên quan cần có sự phối hợp với các địa phương, đánh giá đúng thực trạng, kịp thời đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn để phát triển ngành hàng cá tra hiệu quả bền vững.
Theo dự báo của ngành chức năng, năm nay ngành cá tra vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn, nhất là khi dịch COVID-19 và nhiều loại dịch bệnh trên thủy sản còn diễn biến phức tạp, cùng với các tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu và hạn mặn…
Do đó, để phát triển ổn định và nâng cao chuỗi giá trị ngành cá tra, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thời gian tới cần chú trọng liên kết theo chuỗi để đảm bảo phát triển bền vững và chú ý đầu tư, phát triển chế biến sâu, xây dựng thương hiệu sản phẩm để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh.
Đồng thời, cần quan tâm đảm bảo và nâng cao chất lượng nguồn con giống, nguồn thức ăn chăn nuôi, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nuôi trồng đạt hiệu quả cao, ít hao hụt, giảm giá thành sản xuất. Kịp thời tháo gỡ các rào cản của thị trường, phát triển xuất khẩu gắn với việc chú trọng tiêu thụ hàng tại nội địa.
Theo Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), dự báo xuất khẩu cá tra trong năm 2022 tăng từ 20- 25% so với năm 2021; giá cá tra xuất khẩu dự báo sẽ tăng khoảng 5%. Năm 2021, ngành cá tra Việt Nam đạt sản lượng 1,52 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,62 tỷ USD. Năm 2022, ngành cá tra phấn đấu đạt sản lượng cá tra thương phẩm từ 1,6- 1,7 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD. |
Bài, ảnh: THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin