Blog thị trường

"Vũ điệu" tăng giá

Cập nhật, 10:04, Thứ Bảy, 05/03/2022 (GMT+7)

Theo dõi giá cả thị trường gần đây, người tiêu dùng gần như bị choáng ngợp trước “vũ điệu” tăng giá của nhiều loại hàng hóa.

“Tăng điên cuồng”, “phá đỉnh”, “xô đổ kỷ lục”… là từ ngữ mà báo chí dùng để diễn tả sức “nóng” của thị trường vàng trong những ngày qua. Với việc vượt qua mốc 67 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC trong nước được xem là cao nhất từ trước đến nay. Đó cũng là xu hướng tăng chung với giá vàng thế giới, khi tình hình chiến sự tại Ukraine ngày càng leo thang.

Người tiêu dùng thường “coi giá vàng hôm nay lên bao nhiêu” để so sánh với đồng lương hiện tại, hoặc quy ra bao nhiêu giạ lúa, tấn trái cây mới mua được một chỉ vàng. Nhiều người la “hết dám rớ” hay nghĩ tới việc mua vàng để dành bởi sự biến động khó lường của mặt hàng này và hơn nữa, giá vàng trong nước lại đang chênh lệch rất cao so với giá vàng thế giới quy đổi, có khi lên đến gần 14 triệu đồng/lượng.

Nếu giá vàng “ở trên trời” thì “chỉ nhìn thôi cũng được”, nhưng những mặt hàng khác gắn với đời sống thường ngày như giá gas, xăng dầu… tăng giá lại đè thêm nhiều áp lực cho người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, mới đây giá xăng, dầu tăng đạt mức kỷ lục sau 6 lần điều chỉnh giá đã ảnh hưởng trực tiếp đến bài toán chi tiêu hàng ngày của người dân.

Thực tế, theo một chủ cửa hàng tạp hóa, sức mua hàng hóa tiêu dùng thiết yếu từ khi ra Tết đến nay khá yếu. Chỉ một số mặt hàng như gạo, dầu ăn, nước mắm; sản phẩm diệt khuẩn, vệ sinh nhà cửa... đắt hàng, còn nhiều nhóm hàng khác hầu như số lượng bán ra rất ít. Một tiểu thương khác cho biết, giá xăng, dầu tăng kéo theo giá vận chuyển, giao hàng tăng, nhưng hoạt động kinh doanh lại không khả quan trong những tháng gần đây.

Theo phân tích của giám đốc một doanh nghiệp, chi phí xăng, dầu tác động đến chi phí logistics và nguyên vật liệu đầu vào sản xuất tăng mạnh ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Do đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải có giải pháp cân chỉnh với đối tác và chia sẻ trong giai đoạn khó khăn này.

LÝ AN