Thanh long giá rẻ

01:03, 26/03/2022

Trái ngược với đà tăng giá của nhiều loại hàng hóa, nhiều loại trái cây, nông sản đang ở mức giá thấp, thậm chí giảm giá mạnh.

Trái ngược với đà tăng giá của nhiều loại hàng hóa, nhiều loại trái cây, nông sản đang ở mức giá thấp, thậm chí giảm giá mạnh.

Hiện nay thanh long đang được rao “mười ngàn đồng 3 ký” ở lề đường, loại ngon hơn 5.000 đ/kg (ruột trắng), 7.000 đ/kg (ruột đỏ), từ chợ thành thị đến nông thôn. Người mua không khỏi ngạc nhiên khi thấy thanh long “giá rẻ và đổ đống” nhiều như vậy và tự hỏi “giá tại vườn còn rẻ đến mức nào?”. Những ngày qua, nhiều nhà vườn ở Bình Thuận “kêu trời” vì thanh long đã chín đỏ nhưng không thấy thương lái ghé. Hoặc có mua cũng với lượng ít ỏi, giá chỉ 1.000- 3.000 đ/kg. Vì thế nhiều nhà vườn đã đốn bỏ bớt diện tích thanh long.

Sau một thời gian dài thua lỗ vì giá thấp, lâm vào cảnh bế tắc, nhiều chủ vườn ở Tiền Giang, Long An cũng chặt bỏ bớt thanh long, chuyển sang trồng cây ăn trái và một số loại cây trồng khác. Một nhà vườn cho biết: 2 năm nay bị ảnh hưởng dịch bệnh, trồng thanh long lỗ tiền phân thuốc, chi phí thuê nhân công tăng lên 40.000 đ/giờ. Năm ngoái đã phá một ít diện tích thanh long để lên liếp trồng đu đủ, đến nay đã có trái bán. Năm nay phá thêm gần 1ha thanh long dự kiến sẽ trồng dừa. Diện tích thanh long còn lại gia đình vẫn giữ, hy vọng các cửa khẩu sớm thông quan.

Theo Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, do tình hình dịch COVID-19 nên thị trường tiêu thụ thanh long lớn nhất của nước ta là Trung Quốc bị “đóng băng” hơn 1 năm qua. Hiện tại người tiêu dùng Trung Quốc vẫn tin dùng trái thanh long Việt Nam, nhưng do chủ trương “zero Covid” của nước này, khiến trái cây Việt Nam xuất vào thị trường Trung Quốc (hầu hết xuất tiểu ngạch) gặp rất nhiều khó khăn. Thanh long loại 1 chỉ mua giá trên dưới 5.000 đ/kg, các loại khác 3.000 đ/kg, không đủ chi phí sản xuất, người trồng bị lỗ.

Nhiều nhà vườn chia sẻ, chỉ khi dịch COVID-19 được khống chế ở cả Việt Nam và Trung Quốc, xuất khẩu thanh long mới phục hồi lại như trước, người trồng mới có lời. Về lâu về dài, cần mở rộng thị trường, bớt lệ thuộc vào Trung Quốc; đồng thời chuyển dần sang xuất khẩu chính ngạch thay cho con đường tiểu ngạch hiện nay.

LÝ AN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh